25/11/2024

Trung Quốc: tranh cãi về “đảo an toàn” nhận trẻ bị bỏ rơi

Những điểm tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi tiếp tục mọc khắp Trung Quốc, bất chấp những tranh cãi căng thẳng xung quanh vấn đề này.

Trung Quốc: tranh cãi về “đảo an toàn” nhận trẻ bị bỏ rơi

Những điểm tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi tiếp tục mọc khắp Trung Quốc, bất chấp những tranh cãi căng thẳng xung quanh vấn đề này.

Trung Quốc dự tính xây dựng mỗi tỉnh hai “đảo an toàn” cho trẻ bị bỏ rơi – Ảnh: Reuters 

Theo Tân Hoa xã, chính quyền Bắc Kinh đã cho xây dựng 25 “đảo an toàn” tại mười tỉnh và thành phố từ tháng 6-2011. Trung tâm Nhận con nuôi và phúc lợi trẻ em Trung Quốc (CCCWA) cho biết chính quyền 18 tỉnh và thành phố đang cho xây dựng thêm các ngôi nhà dạng này.

“Đảo an toàn” được xây dựng với mục đích cho phép các bậc cha mẹ bỏ con cái trong điều kiện vô danh. Trong mỗi “đảo an toàn” có một chiếc lồng ấp trẻ và một chuông báo động. Phụ huynh có ý định bỏ con sẽ vào trong ngôi nhà này và đặt trẻ vào trong chiếc lồng ấp, bấm chuông báo động và rời đi. Sau 5-10 phút, nhân viên phúc lợi xã hội sẽ đến và đón đứa trẻ.

Quá tải tại Quảng Châu

 

“Thiếu đi sự quan tâm chăm sóc và tình thương của gia đình từ khi còn quá nhỏ sẽ gây ra những tổn thương tâm lý suốt đời cho một đứa trẻ. Và việc bỏ rơi trẻ con là bất hợp pháp. Tôi hi vọng các bậc cha mẹ muốn làm điều đó hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi hành động”

Ông TỪ CỬU 
(giám đốc Viện Phúc lợi xã hội Quảng Châu)

 

Nhu cầu trên thực tế đã buộc chính quyền phải tăng tốc xây dựng. Điển hình như tại TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. “Đảo an toàn” tại đây khai trương ngày 28-1 và đã tiếp nhận 262 trẻ bị bỏ rơi và điểm này buộc phải thông báo đóng cửa tạm thời hôm 16-3 vì quá tải.

Tại buổi họp báo, ông Từ Cửu – giám đốc Viện Phúc lợi xã hội Quảng Châu – giải thích lý do nơi này tiếp nhận nhiều trẻ hơn các điểm khác: “Cha mẹ đưa con đến các thành phố lớn với hi vọng chạy chữa được cho con của họ. Nhưng nhiều trường hợp chỉ kết thúc bằng việc bỏ rơi chúng”.

Theo AFP, hầu hết những đứa trẻ bị bỏ rơi đều mắc bệnh hoặc bị dị tật bẩm sinh trong khi phần còn lại thường là do các bậc cha mẹ không đủ tiền để trang trải chi phí chữa bệnh và học phí cho trẻ. Nhiều trẻ bị bỏ lại với một tờ ghi chú, tiền mặt hoặc hồ sơ y tế giấu trong quần áo của chúng, theo thông tin từ BBC.

Trong số 262 trẻ ở Quảng Châu, theo Reuters, có 110 trường hợp bị bại não, 39 trường hợp mắc hội chứng Down và 32 trường hợp bị dị tật tim bẩm sinh. Văn phòng Nội vụ thành phố Quảng Châu cho biết khoảng 67% các trẻ bị bỏ rơi tại đây là dưới 1 tuổi.

Nhà phúc lợi của Quảng Châu có 1.000 chiếc giường và hiện đang là mái ấm tình thương cho 1.121 trẻ em mồ côi bên cạnh 1.274 trẻ khác được chăm sóc dưới bàn tay của các cha mẹ nuôi. Các cơ sở chăm sóc của nhà phúc lợi thành phố “không đủ để đáp ứng nhu cầu” và các căn phòng trước đây thiết kế để chăm sóc 50 trẻ nay phải chăm sóc cho 80-100 trẻ, theo AFP.

Tranh cãi xung quanh các nhà an toàn cho trẻ

Thật ra chuyện bỏ con bị cấm tại đất nước hơn 1,3 tỉ dân này. Tuy nhiên, theo ước tính củaBBC, khoảng 10.000 trẻ bị bỏ rơi mỗi năm tại Trung Quốc và việc chính quyền Bắc Kinh cho xây dựng các “đảo an toàn” đã làm dấy lên tranh cãi xung quanh vấn đề này trong xã hội cũng như trên mạng xã hội.

Nhiều người chỉ trích chương trình này của Chính phủ Trung Quốc, cho rằng việc xây dựng các nhà an toàn khuyến khích các bậc làm cha mẹ đưa ra quyết định từ bỏ giọt máu của mình một cách dễ dàng hơn.

Một người chia sẻ trên trang mạng Sina Weibo: “Có nơi tiếp nhận cũng tốt cho những đứa trẻ nhưng điều quan trọng là chúng sẽ đi đâu một khi lớn lên?”. Trong khi đó một người khác nghi vấn: “Đó có phải là dấu hiệu hợp pháp hóa việc bỏ rơi con?”.

Tuy nhiên các nhà chức trách và những người ủng hộ chương trình cho rằng “đảo an toàn” mang lại cơ hội sống sót tốt hơn cho trẻ thay vì bị bỏ rơi trên đường phố. Trước khi có “đảo an toàn”, như BBC đưa tin, trung bình chỉ một trong ba trẻ bị bỏ rơi có thể sống sót.

Giám đốc Lý Ba của CCCWA cho rằng hiện không có bằng chứng nào cho thấy mối liên kết giữa “đảo an toàn” với sự gia tăng số lượng trẻ bị bỏ rơi. Ông Lý nhìn nhận rằng những ngôi nhà tiếp nhận này chỉ “tập trung vào vấn đề cứu giúp” cho những đứa trẻ khi mà cha mẹ chúng chấp nhận không sợ sự nghiêm cấm bỏ con của luật pháp.

ANH THƯ