09/01/2025

“Chuyền bóng” giá thuốc, dân nghèo lãnh đủ

“Người dân khổ lắm, cầm đơn thuốc là phải mua, không bao giờ trả giá cao thấp như các mặt hàng khác được đâu” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói như vậy tại phiên họp Chính phủ về việc cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược ngày 21-3.

“Chuyền bóng” giá thuốc, dân nghèo lãnh đủ

“Người dân khổ lắm, cầm đơn thuốc là phải mua, không bao giờ trả giá cao thấp như các mặt hàng khác được đâu” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói như vậy tại phiên họp Chính phủ về việc cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược ngày 21-3. 
Người dân chọn mua thuốc tây tại hiệu thuốc số 2, Q.Bình Thạnh, TP.HCM – Ảnh: Hoàng Thạch Vân

 

Theo Bộ Y tế, việc quản lý giá thuốc nên chuyển qua Bộ Tài chính làm đầu mối, thay vì giao cho Bộ Y tế chủ trì như quy định hiện hành, để tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng không đồng ý với quan điểm này khi cho rằng Bộ Tài chính không am hiểu chuyên môn.

“Chuyền bóng” sẽ tạo khoảng hở quản lý

 

“Khi các bộ trình lên đề nghị nào thì phải trao đổi, cân nhắc. Ví dụ mới đây có đề nghị Chính phủ bảo lãnh để xây dựng mới nhà máy ximăng, coi đây là trường hợp đặc biệt. Từ đây trở đi không cho vay ưu đãi chứ đừng nói gì đến bảo lãnh cho nhà máy ximăng”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng việc quản lý giá thuốc không hề đơn giản, ít có nước nào giao cho Bộ Y tế. Ở Mỹ và châu Âu, cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm y tế đưa ra các biện pháp làm sao để có chi phí về thuốc thấp nhất, “đa số là họ đàm phán giá, chứ còn đấu thầu có khi đắt hơn, chúng tôi đang mời chuyên gia giúp cái này”. Còn thuốc ngoài đường phố, không do quỹ bảo hiểm chi trả, bà Tiến khẳng định là các nước theo quy luật thị trường, “chứ không phải như ở ta thuốc nào cũng Nhà nước quản lý theo mệnh lệnh hành chính”.

Cũng theo bà Tiến, vì lâu nay Bộ Y tế chủ trì quản lý nhà nước về giá thuốc nên đại biểu Quốc hội và người dân cứ cho rằng bộ này quản lý một chuỗi khép kín từ sản xuất, cấp phép, danh mục thuốc, cho đến giá thuốc… là không khách quan. “Chúng ta không đùn đẩy trách nhiệm, tất cả đều vì trách nhiệm chung. Theo tôi, nên thành lập hội đồng về giá thuốc, đầu mối trách nhiệm trước Chính phủ về giá là Bộ Tài chính” – bà Tiến nói.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận có ý kiến cho rằng Cục Dược của Bộ Y tế chỉ có mấy người còn Bộ Tài chính là cơ quan quản lý chuyên ngành về giá. Tuy nhiên, khi hỏi lại thì thấy thật ra các đơn vị của Bộ Y tế am hiểu về thuốc chữa bệnh, thuộc tên thuốc… còn đơn vị của Bộ Tài chính không có sự am hiểu cần thiết đó. “Mình chưa biết mà chuyển qua, để khoảng hở như vậy thì giá thuốc sẽ lên không kéo xuống được. Trong khi đó, giá thuốc suy cho cùng đều dồn vào người bệnh chịu” – ông Đam nói.

Ông Đam chỉ đạo “phải tiếp tục giảm giá thuốc. Không được để Luật dược lần này ra mà sau này có cớ giá thuốc tăng lên”. Theo tiết lộ của ông Đam, hiện đang có sự vận động rất nóng liên quan đến quảng cáo sữa và thực phẩm thay thế sữa mẹ trong Luật quảng cáo, nhưng dứt khoát phải đặt quyền lợi của người tiêu dùng và trẻ em lên cao nhất.

Thành lập hội đồng liên ngành quản lý giá thuốc

Về việc thiết kế nội dung quản lý nhà nước đối với giá thuốc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng phải quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành và thành lập cơ chế liên ngành, có thể là một hội đồng liên ngành về giá thuốc, hội đồng này lập ra không phải để tư vấn mà mang tính quyết định trên cơ sở đồng thuận. Ví dụ trong trường hợp cần thiết thì phải có sự đồng thuận của ít nhất ba bộ trưởng các bộ Công thương, Tài chính, Y tế thì mới được nâng giá thuốc. “Ai chủ trì hội đồng này? Tốt nhất là để cho bộ trưởng Bộ Y tế, đây là người am hiểu nhất” – ông Đam nói.

Đồng quan điểm, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng giá trị ngành công nghiệp dược hiện mới đạt 0,11% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp nội địa, trên 50% thuốc chữa bệnh trong nước còn phải nhập khẩu, nên qua việc sửa đổi, bổ sung Luật dược lần này cần đề ra được các cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất công nghiệp dược trong nước, góp phần giảm giá thành thuốc chữa bệnh.

Kết luận nội dung nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh thuốc chữa bệnh là mặt hàng liên quan đến đời sống, sức khỏe của toàn dân, do vậy nhất định là Nhà nước phải quản lý chặt chẽ, nhưng cơ chế quản lý như thế nào cho có hiệu quả thì các bộ ngành có liên quan cần sớm ngồi lại với nhau để thảo luận kỹ lưỡng, đưa ra phương án khả thi và phù hợp với thực tiễn.

Đồng ý việc thành lập hội đồng liên ngành quản lý giá thuốc, Thủ tướng gợi ý nên chăng để Bộ Y tế quy định về giá thuốc cụ thể, nhưng nguyên tắc hình thành giá là do Bộ Tài chính đưa ra, và Bộ Tài chính là cơ quan thẩm định, kiểm tra về giá thuốc. “Giá thuốc ở ta còn cao lắm, phải quản lý chặt để kéo giá thuốc xuống. Nhân đây tôi cũng lưu ý về giá sữa, quản lý thế nào chứ để tăng giá liên tục thì gay go quá” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

VÕ VĂN THÀNH

 

 

Không bãi bỏ giấy phép đầu tư ra nước ngoài

Cùng ngày, Chính phủ đã thảo luận về dự thảo Luật quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) và dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Về dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi), Bộ Kế hoạch – đầu tư muốn bỏ quy định về giấy phép đầu tư ra nước ngoài vì không kiểm soát được, riêng việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài thì nhà đầu tư đăng ký với cơ quan quản lý ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước phản đối việc bãi bỏ đó, đồng thời cho biết chỉ xem xét việc chuyển ngoại tệ trên cơ sở giấy phép của Bộ Kế hoạch – đầu tư. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng hiện nay chỉ khuyến khích thu hút đầu tư, còn với đầu tư ra nước ngoài không khuyến khích nên phải có quản lý, có cấp phép nhưng phải thuận lợi hơn trước đây. “Như vừa rồi Viettel đầu tư dự án vào châu Phi cũng phải được xem xét kỹ” – Thủ tướng nói.