10/01/2025

Hơn 7.000 cái chết trẻ và câu hỏi lương tâm!

Đau đớn quá khi có quá nhiều cái chết trẻ! Những cái chết đầy bất ngờ và oan uổng cứ nối tiếp nhau như giọt nước làm tràn ly tình trạng bất an, hiểm nguy của trẻ em hiện nay.

 

Hơn 7.000 cái chết trẻ và câu hỏi lương tâm!

Đau đớn quá khi có quá nhiều cái chết trẻ! Những cái chết đầy bất ngờ và oan uổng cứ nối tiếp nhau như giọt nước làm tràn ly tình trạng bất an, hiểm nguy của trẻ em hiện nay.

Năm học sinh chết tức tưởi trong bãi cát bên bờ sông huyện Krông Bông, Đắk Lắk. Các em đều đang tuổi hồn nhiên, tràn đầy sức sống từ lớp 7 đến lớp 12, thế mà…

Trước đó, ba cháu nhỏ ở độ tuổi thiếu niên phải ra đi oan uổng dưới hồ tưới cà phê ở Pleiku, Gia Lai. Không ai có thể kìm được nước mắt khi nhìn ba thi hài trẻ thơ bấu víu lấy nhau dưới hồ nước thiếu rào chắn.

Cả Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương từng chìm trong tang tóc với chuyến tham quan đầy chết chóc ở biển Cần Giờ ngay cuối năm 2013. Chỉ trong chốc lát, bảy học sinh nam cấp II của trường cùng bị sóng biển cuốn trôi mà không một em nào may mắn thoát nạn. Nhìn cảnh cha mẹ khóc con, ngất xỉu trên bãi biển khó ai có thể cầm lòng.

Những vụ tai nạn gây thương vong cho trẻ nhiều đến mức khó có thể thống kê đầy đủ với nhiều nguyên nhân khác nhau. Thậm chí có những cái chết tức tưởi tưởng khó có thể xảy ra như trẻ sa chân xuống ống cống không nắp giữa thành phố, bị điện giật với cái cột đèn không an toàn. Đặc biệt, có trẻ thơ chết oan uổng ngay trong môi trường giáo dục mầm non lẽ ra rất an toàn, thân thiện… Có những gia đình phút chốc đành làm đám tang cho tất cả mấy đứa con còn nhỏ dại. Có người mới ôm ấp con đó mà đã phải tìm xác con dưới gầm xe tử thần! Có những xóm làng bình yên bất chợt trắng khăn tang!

Mới giữa tháng 12-2013, tại hội nghị phòng chống tai nạn thương tích trẻ em ở Hà Nội, Cục Y tế dự phòng đã công bố thống kê làm mọi người giật mình: trung bình mỗi năm có đến 7.253 trẻ em và vị thành niên tử vong do tai nạn thương tích. Trong đó chỉ riêng tai nạn giao thông đã cướp đi khoảng 2.000 trẻ mỗi năm. Nhiều ý kiến cho rằng thống kê này vẫn thấp hơn thực tế, vì nhiều địa phương không báo cáo đầy đủ. Chưa kể số lượng trẻ bị thương, chịu di chứng suốt đời cũng rất khủng khiếp nhưng chưa được thống kê.

Trong từng vụ tai nạn có thể cho rằng lỗi chủ quan của cha mẹ, của trường lớp, nhà thầu thi công, người lái xe, công ty điện lực… Nhưng khi nhìn toàn cảnh bất an với hàng ngàn trẻ tử vong mỗi năm thì vấn đề không đơn giản như vậy. Môi trường sống thân thiện, an toàn của trẻ thơ đã không được bảo đảm. Nhiều cơ quan, đoàn thể trung ương đến địa phương, cơ sở dân cư có trọng trách chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã chưa làm tròn trách nhiệm. Nhiều chương trình, giải pháp quốc gia về vấn đề này chưa thật sự hiệu quả…

Người ta nói rằng hãy nhìn vào nước mắt hay nụ cười trẻ thơ để biết rằng xã hội đó có phát triển an toàn, bền vững hay không. Một tiếng khóc trẻ thơ cũng làm đau lòng người lớn. Một cái chết trẻ thơ cũng làm tan nát trái tim chúng ta và phải nhìn lại trách nhiệm mình. Và hơn cả trách nhiệm, đây là mệnh lệnh lương tâm!

QUỐC VIỆT