10/01/2025

Vong linh các anh sẽ ấm áp

Đó là tâm sự của những người thân các liệt sĩ hi sinh tại Gạc Ma năm 1988 và cả những người đã nằm xuống để bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, khi trò chuyện với Tuổi Trẻ về chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa – Trường Sa”.

“Nghĩa tình Hoàng Sa – Trường Sa”: Vong linh các anh sẽ ấm áp

Đó là tâm sự của những người thân các liệt sĩ hi sinh tại Gạc Ma năm 1988 và cả những người đã nằm xuống để bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, khi trò chuyện với Tuổi Trẻ về chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa – Trường Sa”. 
26 năm rồi, nhưng vợ chồng cụ Võ Ta – Phan Thị Đay vẫn rơi nước mắt khi cháu gái đọc lại lá thư của con là liệt sĩ Võ Đình Tuấn (hi sinh tại Gạc Ma năm 1988)- Ảnh: Duy Thanh

 

 

Bà Huỳnh Thị Kế, mẹ liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn: “Nghe việc xây đền cho liệt sĩ Gạc Ma mà tim tôi như thắt lại” – Ảnh: Hữu Khá 

 

Không thể ra ngoài đảo xa để thắp một nén nhang, thả một vòng hoa viếng…, những người vợ, người mẹ, người cha của các liệt sĩ đã hi sinh ở Gạc Ma rất xúc động khi biết tin sẽ xây đền tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Căn nhà tình nghĩa của vợ con liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh nằm trong xóm nhỏ ở khu Mỹ Ca, thuộc phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh (Khánh Hòa). Người quả phụ liệt sĩ Gạc Ma – chị Đỗ Thị Hà rất vui khi mở cửa đón khách, nhưng rồi… mắt chị chợt đượm buồn khi nhắc chuyện cũ.

Phụ hồ nuôi con, thờ chồng

 

“Nhiều năm qua, chúng tôi, những người lính may mắn trở về từ trận chiến bi hùng này, vẫn đau đáu mãi về sự hi sinh của đồng đội mình. Một tượng đài được xây dựng không chỉ làm mãn nguyện hương hồn liệt sĩ, mà còn để con cháu mai sau biết xương máu anh hùng của thế hệ đi trước”

Ông Uông Xuân Thọ (máy trưởng tàu HQ 605 trong trận Gạc Ma năm 1988)

 

Chị kể chồng chị và trung úy Trần Văn Phương, Anh hùng lực lượng vũ trang, là đôi bạn thân.

Tình duyên của chị và anh Doanh là nhờ chính anh Phương làm mai. Xóm Nghĩa Cam nằm bên cầu Long Hồ nên gần nơi đóng quân của các anh trong bán đảo Cam Ranh.

Ngày ấy, anh Phương quen thân với gia đình chị nên thường gọi mẹ chị bằng “má” và hay đến thăm chơi, sau đó rủ anh Doanh cùng đến, rồi dần dà giới thiệu anh với chị.

Ngày cưới hai anh chị, phía họ trai chỉ có đơn vị của anh Doanh, gia đình anh ở Ninh Bình không ai vào được.

Hôm trước khi chuẩn bị xuống tàu ra đảo, anh Phương đến nhà thăm, ở lại “ăn cơm bữa cuối cùng với má và gia đình” (lời anh Phương nói).

“Thế nhưng sau khi rời bờ, gặp nhiều sóng gió lớn nên tàu phải quay trở lại cảng để chờ. Khi ấy, đơn vị lại có lệnh điều động bổ sung nên anh Doanh xuống cùng tàu với anh Phương…” – chị Hà nghẹn lời.

Thế rồi… chỉ mấy ngày sau, đôi bạn thân – hai trung úy Trần Văn Phương và Đinh Ngọc Doanh cùng nhiều đồng đội đã hi sinh vào ngày 14-3-1988 trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược, chiếm đảo Gạc Ma.

Khi anh Doanh ra đi, tổ ấm của anh chị chỉ là một mái nhà tranh cất trên miếng đất nằm sát bên nhà mẹ. Dưới mái nhà tranh ấy, khi đó con gái duy nhất của anh chị vừa mới 13 tháng tuổi.

Còn chị chẳng có nghề gì ổn định, chỉ biết phụ mẹ bán quán để kiếm tiền nuôi con. Khoản tiền trợ cấp cho thân nhân liệt sĩ của anh, sau nhiều lần được tăng theo quy định chung, đến nay mỗi tháng mới được 1,22 triệu đồng.

Vì vậy, sau khi mẹ chị bị bệnh mất năm 1992, phải dẹp quán, chị theo nghề phụ hồ suốt mười mấy năm liền để kiếm tiền lo cho con gái đến trường.

Mãi đến năm 2010, sau khi Đinh Thị Mỹ Lệ – con gái của hai anh chị – tốt nghiệp ĐH Kinh tế, tìm được việc làm thêm tại TP.HCM để tiếp tục theo học tiếng Anh, chị Hà mới chia tay với nghề phụ hồ.

Căn nhà tình nghĩa mà đơn vị đã xây tặng cho vợ con liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh vào năm 2000 nay đã được sửa sang lại sáng sủa hơn, nhờ có khoản tiền của một doanh nghiệp tài trợ và được đơn vị cũ của anh Doanh trao tặng, cách đây hơn một năm…

Khi biết Tổng liên đoàn Lao động VN vừa phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, trong đó có kế hoạch xây đền tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Gạc Ma ở trong đất liền, chị Hà rất mừng.

Bởi kể từ ngày anh Doanh hi sinh đến nay, hằng đêm khi thắp nhang lên bàn thờ anh, chị và con gái đều thầm mong ra được tận đảo nơi anh cùng đồng đội hi sinh để thắp một nén nhang, thả một vòng hoa viếng vong linh các anh.

Đó cũng là điều mong muốn của người mẹ già anh Đinh Ngọc Doanh, nay đã 93 tuổi và rất yếu hiện ở nơi quê nhà xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư (Ninh Bình).

Thế nhưng suốt 26 năm qua, nỗi niềm mong ước ấy vẫn chưa một lần được thực hiện. Vì vậy, nếu có một nơi tưởng niệm, thờ cúng liệt sĩ hi sinh ở Gạc Ma ngay trong đất liền sẽ là điều an ủi rất lớn cho gia đình. “Được vậy, vong linh các anh cũng ấm áp”- chị Hà nói.

“Con ơi, tim mẹ như thắt lại”

“Sáng sớm 11-3, đứa cháu ngoại cầm tờ báo Tuổi Trẻ đem về cho tôi xem. Cháu nó la lớn bảo: ngoại ơi, người dân cả nước đang góp tiền xây đền tưởng niệm cho cậu Đoàn ở Trường Sa rồi đó”.

Đó là lời bà Huỳnh Thị Kế (83 tuổi, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn) khi nói về chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”.

Căn nhà của bà nằm trong con hẻm sâu ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Căn nhà hiu quạnh giờ chỉ có bóng bà ra vào khi người chồng đã mất cách chưa đầy năm.

“Cầm tờ báo nói về các liệt sĩ đã hi sinh ở Gạc Ma mà tôi nhớ con vô bờ. Mắt tôi không rõ nữa nên nhờ đứa cháu đọc từng chữ nói về việc xây đền cho liệt sĩ Gạc Ma mà tim tôi như thắt lại, tôi cứ ôm ngực gọi: con ơi” – bà Kế tâm sự.

Rồi bà kể về liệt sĩ Đoàn: “Vợ chồng tôi chỉ có hai đứa con, Đoàn là con trai duy nhất nên suốt mấy mươi năm nay vợ chồng tôi sống cô quạnh mà ngày đêm nhớ thương con. Ngày chia tay để con ra đi vì đất nước, tôi chỉ nói với nó một lời “mẹ chỉ có mình con, mẹ mong có ngày con trở về.” Nhưng con tôi đã hi sinh cho đất nước, đau đớn lắm nhưng tôi luôn thầm nghĩ máu xương của con đã đổ xuống để bảo vệ Tổ quốc thì không tiếc gì, sự hi sinh của con giờ là niềm tự hào của gia đình tôi”.

Bà Kế chia sẻ trong cuộc sống này bà không bao giờ đòi hỏi sự đền đáp. Mấy năm nay, Nhà nước có hỗ trợ cho gia đình bà về vật chất, lễ tết cũng đến động viên thăm hỏi nên thấy ấm áp lắm.

Tuy nhiên, bà cũng luôn mong muốn Nhà nước dựng một tượng đài hay một khu đền để thờ, tưởng nhớ những đứa con ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ.

“Có nơi thờ tự, tưởng nhớ như vậy, những người mẹ già có con hi sinh ở Gạc Ma như tôi sớm mai có chết đi cũng thấy yên lòng. Nhưng điều tôi thấy hạnh phúc nhất trong ngày hôm nay là khi biết được đồng bào cả nước đang đóng góp cả tiền bạc và tấm lòng để xây đền. Có nghĩa là người dân vẫn mãi nhắc nhớ đến con chúng tôi” – bà Kế xúc động nói.

 

Bà Ngô Thị Kim Thanh thắp hương cho chồng là ông Nguyễn Thành Trí, hi sinh tại Hoàng Sa năm 1974 – Ảnh: Quang Định

 

Hi vọng sớm được thắp hương cho con ở ngôi đền thiêng

Trong ngôi nhà cấp bốn ở xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) do đơn vị cũ hỗ trợ xây dựng, chiếc bàn thờ gỗ nhỏ do đồng đội làm tặng được đặt cạnh bàn thờ tiên tổ.

Trên bàn thờ nhỏ, bên cạnh di ảnh liệt sĩ Võ Đình Tuấn (46 tuổi) là bát hương nghi ngút khói. Cụ Võ Ta (83 tuổi, cha liệt sĩ Tuấn) bày tỏ: “Vợ chồng tôi thương và nhớ thằng Tuấn quá nên mấy chục năm nay vẫn để bàn thờ của con mà không đành lòng dẹp đi như phong tục sau ngày mãn tang. Hằng ngày gia đình vẫn hương khói, cơm canh, hoa trái cho Tuấn, coi như Tuấn đang hiện diện trong nhà”.

26 năm trước, sau khi nhận được tin tàu HQ 604 của anh Tuấn bị Trung Quốc bắn chìm ở khu vực Gạc Ma, vợ chồng cụ Ta vẫn hi vọng sẽ đón được thi hài anh về nhà an táng.

“Cách đây mấy năm, có các chú hải quân đến nhà, nói tìm được một số xương liệt sĩ ở khu vực ngày trước tàu của Tuấn chìm nên lấy mẫu tóc anh trai, em gái Tuấn để xét nghiệm ADN, nhưng cuối cùng cũng không có Tuấn. Bể sâu sóng cả, bao nhiêu năm đau khổ chờ đợi mỏi mòn…” – cụ Phan Thị Đay, 79 tuổi, mẹ anh Tuấn, ray rứt.

Thương nhớ con khôn nguôi, vợ chồng cụ Ta vẫn giữ nguyên những kỷ vật của anh. Này là hai cuốn học bạ thời phổ thông, hai tấm bằng tốt nghiệp lớp 9 và lớp 12, những vở soạn văn, vật lý… và những lá thư đã ố màu của anh gửi về cũng như của gia đình gửi cho anh.

“Từ ngày Tuấn hi sinh, vợ chồng tui thường lấy những kỷ vật của cháu ra xem, đọc lại những dòng chữ chan chứa tình cảm trong thư mà Tuấn gửi về ngày ấy. Thư nào cũng thuộc nằm lòng, nhưng nghe đọc lại rất xúc động, tưởng như thằng Tuấn đang hiển hiện, cười nói trước mắt mình” – cụ Ta bộc bạch.

Cụ Ta nói ước nguyện lớn nhất của vợ chồng cụ là được một lần ra Trường Sa, đến nơi Tuấn và các đồng đội hi sinh để được chạm vào sóng nước thiêng liêng ấy, để thầm thì rằng: “Tuấn ơi, con không về được thì ba má đến thăm con đây”, nhưng ước nguyện ấy chưa thành và có lẽ sẽ mãi mãi không thành vì giờ hai cụ đã tuổi cao sức yếu…

Hằng năm, cứ dịp giỗ, tết, Ngày thương binh – liệt sĩ, vợ chồng cụ Ta – cụ Đay cùng con cháu lại vượt đường xa đến đài tưởng niệm Cam Ranh dâng hương viếng con và đồng đội.

Cầm tờ Tuổi Trẻ có thông tin về việc Tổng liên đoàn Lao động VN phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, cụ Ta rất vui: “Chúng tôi thật sự rất ấm lòng… Ở tuổi gần đất xa trời, chúng tôi hi vọng sẽ sớm được bước vào ngôi đền thiêng ân nghĩa đó để thắp nén hương cho con mình và các đồng đội, nguyện cầu cho đất nước bình yên” – cụ Ta bày tỏ.

P.S.NGÂN – HỮU KHÁ – PHAN CHUNG – DUY THANH