Thẻ căn cước sẽ thay hộ khẩu
Theo định hướng của luật Căn cước công dân, chứng minh nhân dân được coi là thẻ căn cước của công dân VN và là giấy tờ tùy thân duy nhất có giá trị chứng minh căn cước của người từ 15 tuổi trở lên.
Theo định hướng của luật Căn cước công dân, chứng minh nhân dân được coi là thẻ căn cước của công dân VN và là giấy tờ tùy thân duy nhất có giá trị chứng minh căn cước của người từ 15 tuổi trở lên.
Theo luật Căn cước, CMND có 12 chữ số như thế này sẽ tiếp tục được thay đổi theo hướng gắn thêm “con chíp” điện tử và được kỳ vọng sẽ thay thế cho cả hộ khẩu và giấy khai sinh - Ảnh: Hoàng Trang |
Ngày 12.3, thảo luận cho ý kiến về dự thảo luật Căn cước công dân, đa số thành viên Ủy ban thường vụ QH đều đồng tình với việc giấy chứng minh nhân dân (CMND) sẽ thay thế cho nhiều loại giấy tờ hiện nay nhưng cũng còn nhiều lo lắng về sự thiếu kết nối của các quy định, đe dọa tính khả thi.
|
Cùng với ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ và kế thừa kết quả của Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020 (Đề án 896), dự án luật đã quy định điều khoản mở về khả năng tích hợp của CMND với các loại giấy tờ khác. Theo đó, CMND sẽ có mã số định danh cá nhân cùng với “con chíp” điện tử không chỉ lưu trữ một số thông tin cơ bản về căn cước công dân mà còn lưu trữ thông tin khác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của người được cấp.
Loại giấy tờ “không giống ai”
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết khi luật được ban hành có hiệu lực thì CMND sẽ thay thế được hộ khẩu và nhiều loại giấy tờ khác trong các giao dịch dân sự, thủ tục hành chính.
|
Tại Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 8.6.2013, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an cấp, quản lý số định danh cá nhân. Mã số định danh là dãy số gồm 12 con số, đây cũng đồng thời là số trên CMND. Theo đó, Bộ Công an cấp số định danh cá nhân cho những người đăng ký khai sinh trước ngày 1.1.2016. Đối với những người đăng ký khai sinh từ ngày 1.1.2016 trở đi, Bộ Công an sẽ cấp số định danh cá nhân thông qua cơ quan đăng ký hộ tịch. Sau này, số định danh cá nhân đã cấp đó sẽ được sử dụng khi công dân làm thủ tục cấp CMND.
Dù đồng tình với việc phát triển CMND nhưng nhiều ý kiến tại phiên họp bày tỏ băn khoăn về tên gọi CMND hay thẻ căn cước. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, tên gọi CMND hiện nay không rõ ý nghĩa nên cần đổi thành thẻ căn cước.
Cũng đồng tình với tên gọi này, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần phải cải tiến theo hướng hiện đại, giản tiện cho người dân chứ không nên tồn tại một loại giấy tờ “không giống ai” như CMND hiện nay. “Các nước người ta sản xuất ví có các ngăn để thẻ nhưng CMND của chúng ta thì không nhét vào chỗ nào được, ngăn nào cũng khó”, bà Ngân nói.
Tuy nhiên, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương băn khoăn nếu đổi tên thì sẽ phải thay đổi hàng loạt giấy tờ cùng với những khoản chi phí phát sinh lớn cho cả nhà nước và người dân.
“Nếu ban hành luật thì hơn 60 triệu CMND cũ hiện nay sẽ được xử lý như thế nào, hàng loạt các giấy tờ đang giao dịch trong nước và nước ngoài xử lý ra sao? Cần ra nghị quyết tổ chức thực hiện như thế nào, nếu không sẽ rối về kinh tế và đụng hết các thứ trong các giao dịch của người dân”, Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc Ksor Phước bày tỏ.
Mừng nhưng… chưa biết đến bao giờ
|
Cùng tán thành với quan điểm về phát triển CMND của luật Căn cước công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặc biệt quan tâm đến vấn đề thay thế cho hộ khẩu, nhưng đề nghị làm rõ giải thích chung chung của Bộ Công an. “Bỏ được hộ khẩu thì dân rất mừng nhưng nói lâu dài sẽ bỏ là bao lâu. Nếu bỏ được sao không bỏ luôn. Nếu nói lâu dài thì cũng phải có lộ trình là đến năm 2016 hay 2018. Cần có mục tiêu như thế để người dân thấy luật mang lại thuận lợi cho người dân”, bà Mai nói.
Theo giải trình của Bộ Công an, chỉ khi nào hoàn tất cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu công dân thì khi đó hộ khẩu mới được bỏ.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng trong dự luật còn nhiều “điểm gợn” chưa được làm rõ. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng mỗi người khi sinh ra đã là công dân nên không thể chờ đến 15 tuổi thì mới được cấp chứng nhận là công dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển lo ngại ngoài dự luật Căn cước công dân thì cơ quan chức năng cũng đang soạn thảo dự luật Hộ tịch, việc có nhiều dự luật cùng quản lý công dân thì liệu làm giảm đi giấy tờ thủ tục cho dân hay là tăng thêm? “Dự luật này cũng đưa ra quy định công dân được cấp đổi, cấp lại phải nộp lệ phí. Nhà nước vì nhiệm vụ quản lý của mình thì phải bỏ tiền ra để làm, trong trường hợp dân đánh mất, thì người dân mới phải đóng. Đánh đồng như vậy là không hợp lý”, ông Hiển nói.
Tại phiên họp nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về mối quan hệ giữa luật Căn cước công dân và Đề án 896 của Chính phủ.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng an ninh của QH, dự thảo luật chưa đề cập đến vấn đề kết nối thông tin giữa cơ sở dữ liệu về căn cước công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; mặt khác nếu quy định như hiện nay thì cơ sở dữ liệu căn cước công dân là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, độc lập, vừa không bảo đảm thực hiện mục tiêu của Đề án 896, vừa không bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực của nhà nước trong quá trình thực hiện.
Thái Sơn