23/01/2025

Hầu hết bị cáo “nhân bản xét nghiệm” hưởng án treo

Trong số chín bị cáo được đưa ra xét xử trong vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm xảy ra tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội) ngày 7-3, chỉ có một bị cáo lãnh 12 tháng tù giam. Sáu bị cáo còn lại được hưởng án treo, giám đốc bệnh viện chỉ bị cảnh cáo, trong khi phó giám đốc bị cải tạo không giam giữ.

Hầu hết bị cáo “nhân bản xét nghiệm” hưởng án treo

Trong số chín bị cáo được đưa ra xét xử trong vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm xảy ra tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội) ngày 7-3, chỉ có một bị cáo lãnh 12 tháng tù giam. Sáu bị cáo còn lại được hưởng án treo, giám đốc bệnh viện chỉ bị cảnh cáo, trong khi phó giám đốc bị cải tạo không giam giữ.

 

Ngày 7-3, Tòa án nhân dân Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm đối với chín bị cáo trong vụ nhân bản kết quả xét nghiệm xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức từng gây rúng động dư luận.

Trong số chín bị cáo có bảy người là nhân viên khoa xét nghiệm bị đưa ra xét xử về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Hai người còn lại bị xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là nguyên giám đốc và phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức.

In phiếu xét nghiệm của cụ già phát cho trẻ 2-3 tuổi

Theo cáo trạng, từ ngày 1-8-2012 đến 31-5-2013, Vương Thị Kim Thành (trưởng khoa xét nghiệm) đã cùng các kỹ thuật viên trong khoa làm xét nghiệm trên một mẫu máu, sau đó in khống ra nhiều kết quả xét nghiệm huyết học rồi tự ký vào phiếu để trả kết quả cho bệnh nhân. Tổng cộng họ đã in 789 kết quả xét nghiệm huyết học khống và đưa vào thanh toán bảo hiểm y tế với tổng số tiền hơn 16 triệu đồng. Số tiền này được đưa về bệnh viện để chia cho nhân viên.

Trả lời câu hỏi của tòa, tất cả bị cáo đều thừa nhận có in khống phiếu xét nghiệm nhưng không thừa nhận việc lấy mẫu máu của bệnh nhân rồi vứt đi mà không làm xét nghiệm. Theo các bị cáo, việc in khống phiếu này vì người nhà, người quen của nhân viên bệnh viện thường xuyên đến khoa để xin phiếu xét nghiệm, hoặc có một số người sợ lấy mẫu máu. Cả bảy bị cáo đều cho rằng việc in phiếu xét nghiệm khống là làm theo sự chỉ đạo của kỹ thuật viên trưởng Nguyễn Thị Oanh (người đã được đình chỉ điều tra vì có công tố cáo sai phạm tại bệnh viện) chứ không hề có sự chỉ đạo của trưởng khoa.

Bà Kim Thành cho biết bà không chỉ đạo nhân viên in phiếu xét nghiệm khống, nhưng bản thân bà có in các phiếu này để phát cho người thân thanh toán bảo hiểm y tế. Có lúc bà in phiếu xét nghiệm của cụ già để phát cho trẻ 2-3 tuổi vì… trẻ sợ lấy mẫu máu. Trả lời chất vấn của tòa: “Người thân của bị cáo đến bệnh viện chỉ để xin phiếu chứ không muốn chữa bệnh hay sao?”, bà Thành trả lời: “Những người xin phiếu đều bị bệnh nhẹ như sổ mũi, cảm cúm, viêm họng”… Còn bà Nguyễn Thị Thu Trang (nhân viên khoa xét nghiệm) cho biết việc in khống phiếu xét nghiệm này lãnh đạo bệnh viện đều biết nhưng không ai nói gì.

 

Lãnh đạo bệnh viện “không biết nên không chịu trách nhiệm”

Chủ tọa phiên tòa và đại diện Viện kiểm sát đặt nhiều câu hỏi để xác định trách nhiệm của các kỹ thuật viên và lãnh đạo bệnh viện, nhưng từ đầu đến cuối các bị cáo đều phủ nhận trách nhiệm. Hai nguyên lãnh đạo bệnh viện cho rằng mình không biết việc in khống phiếu xét nghiệm nên không chịu trách nhiệm.

Bà Nguyễn Thị Nhiên (nguyên phó giám đốc bệnh viện) thừa nhận mình là người được phân công nhiệm vụ giám sát hoạt động của khoa xét nghiệm nhưng không biết việc in khống phiếu xét nghiệm cho đến khi có đơn tố cáo. Ông Nguyễn Trí Liêm (nguyên giám đốc bệnh viện) lại cho rằng cáo trạng truy tố ông tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là không đúng: “Việc giám sát các khoa tôi đã phân công cho cấp dưới. Việc in khống phiếu xét nghiệm huyết học nhân viên làm nhưng giấu tôi thì tôi không biết và không thể biết được. Tôi vẫn cho kiểm tra giám sát định kỳ nhưng không phát hiện sai phạm. Vụ việc xảy ra là lỗi của các khoa phòng”.

Không đồng tình với trả lời của ông Liêm, đại diện Viện kiểm sát cho rằng ông Liêm là giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm cao nhất với những gì xảy ra ở đó, việc ông vì không biết mà phủ nhận trách nhiệm là điều không thể chấp nhận. Theo đại diện Viện kiểm sát, sự việc ở bệnh viện xảy ra gây nhiều mất mát mà mất mát lớn lao nhất là niềm tin của người dân vào các cơ sở y tế.

“Không hiểu tố cáo để làm gì!”

Cáo trạng nhận định bà Hoàng Thị Nguyệt và Phan Thị Oanh (nhân viên khoa xét nghiệm) đã có đơn tố cáo giúp cơ quan điều tra đưa những sai phạm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức ra ánh sáng. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn Trí Liêm và một số nhân viên về việc bà Nguyệt và bà Oanh có tham gia in khống các phiếu xét nghiệm huyết học. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xét bà Nguyệt và bà Oanh đã có công tố cáo nên đã đình chỉ điều tra vụ án đối với bà Oanh và tách vụ việc của bà Nguyệt ra thành một vụ án khác, nếu có sai phạm sẽ xử lý sau.

Tại phiên tòa, ông Liêm, bà Nhiên và luật sư bào chữa cho ông Liêm đều đề nghị tòa khởi tố bị can đối với bà Oanh và phải làm rõ động cơ, mục đích việc tố cáo của bà Nguyệt. Bà Nhiên cho rằng bà Nguyệt tố cáo vì có mâu thuẫn nội bộ với giám đốc. Ông Liêm thì đề nghị tòa xem xét âm mưu, thủ đoạn của người tố cáo xem “vì cớ gì họ tố cáo việc này”. Ý kiến này ngay lập tức bị đại diện Viện kiểm sát bác bỏ, theo đại diện Viện kiểm sát: “Tại phiên tòa hôm nay, hai bị cáo là giám đốc và phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức cũng xác định chỉ khi có đơn tố cáo mới biết sự việc. Nếu chị Nguyệt, chị Oanh không tố cáo thì sự việc vẫn tiếp diễn, rất nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành y tế. Từ việc có đơn tố giác của những người đó mới phát giác được sự việc. Vì vậy, việc đình chỉ điều tra với chị Oanh là có cơ sở”.

TÂM LỤA

 

 

Bà Nguyệt bị đe dọa giữa tòa

 

Bà Nguyệt đến tòa làm chứng – Ảnh: T.Lụa

Bà Hoàng Thị Nguyệt đến tòa với tư cách là người làm chứng. Suốt phiên xử, nhiều người là người thân của các bị cáo đến gần chửi rủa, dọa dẫm, mỉa mai bà vì đi tố cáo. Lực lượng công an phải yêu cầu người thân của các bị cáo ngồi sang một bên phòng xử để giữ gìn trật tự phiên tòa.

 

Phát biểu tại tòa, bà Nguyệt cho biết bà phát hiện vụ việc từ khi giám đốc bệnh viện phân công công việc không hợp lý: nhân viên hợp đồng không đủ năng lực trình độ lại làm việc ở khu vực ngoại trú với cường độ công việc rất cao. Trong khi những người có kinh nghiệm, năng lực làm việc lại được giao rất ít việc. Sau khi phát hiện những sai phạm trong khoa, bà đã liên tục góp ý, báo cáo với trưởng khoa và ban giám đốc bệnh viện nhưng không được tiếp thu.

 

 

 

Mức án

* Lãnh án về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ:

Vương Thị Kim Thành (55 tuổi, trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức): 12 tháng tù.

Nguyễn Thị Ngà (30 tuổi, nhân viên khoa xét nghiệm): 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng.

Nguyễn Thị Thu Trang (24 tuổi, nhân viên khoa xét nghiệm): 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng.

Nguyễn Thị Hồng Nhung (24 tuổi, nhân viên khoa xét nghiệm): 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng.

Nguyễn Đồng Sơn (25 tuổi, nhân viên khoa xét nghiệm): 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng.

Nguyễn Thị Xuyên (53 tuổi, nhân viên khoa xét nghiệm): 8 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 16 tháng.

Vương Thị Lan (26 tuổi, nhân viên khoa xét nghiệm): 8 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 16 tháng.

* Lãnh án về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:

Nguyễn Trí Liêm (52 tuổi, giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức): cảnh cáo.

Nguyễn Thị Nhiên (55 tuổi, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức): 10 tháng cải tạo không giam giữ.