Còn đâu hơi ấm gia đình!
Dù có đăng ký kết hôn hay không, họ cũng đã sống chung, đã gọi nhau hai tiếng vợ – chồng. Nhưng rồi cuộc sống đẩy đưa hay những người trong cuộc đã không biết quý trọng những gì mình từng có, để rồi gia đình tan nát…
Còn đâu hơi ấm gia đình!
Phiên tòa xử vụ án “giết người” sáng 9-1 tại TAND TP.HCM diễn ra gay gắt. Bị cáo là Ngô Thị Hồng Thắm (28 tuổi, trú tại P.14, Q.6, TP.HCM), còn bị hại là người chồng đầu gối tay ấp của Thắm suốt mười năm trời.
Ngô Thị Hồng Thắm chỉ học hết lớp 8, về ở chung với anh Nguyễn Thanh T. (SN 1985) từ khi mới 17 tuổi. Một năm sau, con trai chào đời, cuộc sống êm đềm, vợ chồng hòa thuận. Nhưng tới đầu năm 2012, hai người bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. Thắm nghi ngờ chồng có vợ bé nên hai người thường xuyên cãi vã. Có lần, anh T. đã đánh chửi, đuổi Thắm ra khỏi nhà.
Những chuyện không thể hiểu
Cáo trạng nêu tối 15-2-2013, anh T. đưa chị Trúc T. về nhà giới thiệu là vợ bé và đề nghị cho Trúc T. sống chung. Thắm không chịu, anh T. và Trúc T. bỏ đi. Sáng hôm sau, anh T. về nhà, Thắm tiếp tục năn nỉ không đưa Trúc T. về nhà nữa, hai vợ chồng cãi nhau từ tầng trệt lên lầu 1. Anh T. đánh vào mặt Thắm hai cái rồi bỏ vào phòng ngồi bấm điện thoại. Thắm tức giận xuống bếp lấy một con dao chém một nhát vào cổ bên trái của chồng. Anh T. đứng dậy định đánh Thắm nên Thắm chém thêm một nhát nữa làm anh T. té xuống sàn và tử vong. Thắm đưa con về nhà mẹ ruột, sau đó đến công an phường đầu thú.
Thắm khai tại tòa rằng lúc chém vào cổ chồng bằng con dao chặt thịt, Thắm giận quá mất khôn không nghĩ được gì. Vừa bị chồng đánh xây xẩm mặt mày, lại thấy chồng đang nhắn tin điện thoại, Thắm đoán chồng nhắn tin cho vợ bé. “Tại sao bị cáo khẳng định anh T. có vợ bé?” – tòa hỏi. “Dạ, trước khi đưa chị Trúc T. về nhà bắt bị cáo sống chung, bị cáo từng đọc thấy những tin nhắn của hai người, xưng hô với nhau là vợ – chồng. Nhà chị Trúc T. ngay sát nhà bị cáo, chồng bị cáo làm nghề sửa chữa điện tử. Một lần, thấy chồng sang nhà chị T. sửa máy tính lâu không thấy về, bị cáo sang thấy đóng cửa, nhìn vào thấy hai người đang ôm nhau. Chị T. cũng từng sang nhà bị cáo quậy, nói với chồng bị cáo: “Sao không đuổi nó ra khỏi nhà?”. Hôm đó, ba chồng bị cáo phải đứng ra giải quyết…” – Thắm khóc nói.
Vị nữ thẩm phán lắc đầu: “Anh T. có vợ bé, lại thường đánh bị cáo là trái pháp luật. Lẽ ra phải nhờ hội phụ nữ, gia đình hai bên can thiệp. Nếu còn thương thì quay về, nếu không còn thương mà cố níu kéo, sống với nhau như vậy để làm gì? Để rồi lại lấy một hành vi trái pháp luật khác giải quyết, cuối cùng người gây ra hậu quả và bị trừng trị lại chính là bị cáo”.
Trước đó, tòa phúc thẩm TAND TP.HCM cũng xét xử một vụ án mà những người tới xem lẫn hội đồng xét xử đều không thể lý giải được tại sao Cao Huỳnh Đạt (32 tuổi, trú P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) lại đưa cả bạn gái mình đi bán dâm để lấy 1,5 triệu đồng. Đạt và bạn gái đã sống chung như vợ chồng một thời gian, họ hàng hai bên đều đã biết. Những người bà con của Đạt khi ra tòa vẫn nhắc về “đứa cháu dâu hụt” vừa ngọt
ngào vừa khéo léo, biết lấy lòng người lớn. Vậy mà có một đêm, khi công an bắt quả tang ba cặp nam nữ đang mua bán dâm ở một khách sạn tại quận 1, cô gái đã khai rằng chính Đạt – “chồng” cô – đã gọi điện kêu cô tới “đi khách” và đó không phải là lần đầu tiên! Nhận được tiền của khách, cô còn bình thản đi ra ngoài đưa cho Đạt rồi mới quay vào tiếp tục bán dâm. Đạt bị tuyên y án sơ thẩm với mức 5 năm 6 tháng tù.
Tan nát
Thắm bị tuyên 8 năm tù giam. Được nói lời sau cùng, Thắm khóc xin được mức án nhẹ để sớm về nuôi con, “từ nhỏ tới giờ con trai bị cáo chưa sống xa bị cáo một ngày nào”. Thương con như vậy, nhưng cảnh tượng kinh hoàng vào cái ngày định mệnh ấy, Thắm đã để con phải chứng kiến từ đầu tới cuối. Cậu bé kể lại với gia đình trong hoảng loạn: “Mẹ chặt cổ ba rồi. Mẹ chặt một nhát ba ôm cổ, mẹ lại chặt thêm một nhát nữa…”.
Tòa hỏi con bị cáo giờ ở với ai? Thắm nói không biết. Những lần thăm nom ít ỏi của gia đình, Thắm gặng hỏi nhưng không được tin tức gì về con vì từ khi chồng Thắm mất, nhà bên nội đã đón cậu bé về, chuyển trường khác. Theo lời mẹ Thắm, bên nội còn cấm cản không cho bà gặp mặt, đón cháu về. Trước tòa, hai bên sui gia tranh cãi giằng co, ai cũng kêu bên kia nói không đúng sự thật. Đại diện gia đình bị hại còn đọc một bản danh sách dài đòi Thắm phải bồi thường, yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp để thu hồi tài sản của bị cáo, đề nghị đưa con trai Thắm ra làm nhân chứng cho vụ án.
Gia đình chồng Thắm đã kháng cáo, đề nghị tăng hình phạt vì “thằng T. chết oan quá”. Cuối tháng 2, hồ sơ đã chuyển lên tòa phúc thẩm chờ ngày xét xử. Bản án có thể sẽ thay đổi, thời hạn tù rồi cũng sẽ kết thúc nhưng rồi khi trở về, Thắm sẽ đối diện với con trai mình ra sao? Người mẹ ấy không biết được con mình đã hoảng loạn đến mức học hành bết bát, không thể một mình làm bất cứ việc gì, mỗi khi có ai đó nhắc về mẹ, hỏi về cái chết của ba là khuôn mặt cậu bé lại chuyển màu xanh lét…
“Gia đình” của Đạt cũng không còn. Sau ngày Đạt bị bắt vài tháng, những đợt thăm nom nhà chồng của người bạn gái thưa vắng dần. Ngày xét xử, chỉ có mẹ, các dì, các cô cậu của Đạt bỏ một buổi bán trái cây ở chợ đến dự, còn cô bạn đã bỏ đi đâu không ai rõ.
MAI HOA