09/01/2025

“Công ty cổ phần trồng lúa thuê”

70 nông dân ấp 9, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long) tự nguyện góp máy móc nông nghiệp trị giá hàng tỉ đồng vào tổ dịch vụ sản xuất lúa do chi bộ ấp điều hành. Có lẽ đây là xã đầu tiên trong cả nước mà nông dân có thể trồng lúa không cần… chạm móng tay.

“Công ty cổ phần trồng lúa thuê”

70 nông dân ấp 9, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long) tự nguyện góp máy móc nông nghiệp trị giá hàng tỉ đồng vào tổ dịch vụ sản xuất lúa do chi bộ ấp điều hành. Có lẽ đây là xã đầu tiên trong cả nước mà nông dân có thể trồng lúa không cần… chạm móng tay.

Nhân viên “Công ty cổ phần trồng lúa thuê” bảo dưỡng máy cày trước khi ra đồng – Ảnh: V.Trường 

Mặc dù gọi là tổ sản xuất, nhưng vì quy mô khá lớn và hoạt động rất bài bản, nề nếp nên người dân địa phương thường gọi là “Công ty cổ phần trồng lúa thuê”. Nông dân có nhu cầu dịch vụ nào thì chỉ cần “alô” cho ban điều hành là xong. Đến khi thu hoạch, họ chỉ cần có mặt tại điểm bán lúa để… nhận tiền. Lãnh đạo chi bộ ấp là những người đề xướng mô hình rồi được dân tin tưởng giao điều hành “công ty”.

Cùng lo cho dân

 

Phát triển thành DN

Ông Nguyễn Thanh Tùng, phó chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, cho biết mô hình “Công ty cổ phần trồng lúa thuê” được UBND xã, UBND huyện Tam Bình và Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long đồng tình. Sau khi kết thúc vụ đông xuân này, UBND xã sẽ cùng huyện, tỉnh tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để phát triển, nâng tầm của tổ lên thành hợp tác xã hoặc doanh nghiệp (tùy dân quyết định).

Sau gần một năm hoạt động, chính quyền địa phương và người dân thấy đây là mô hình hay. Nó không chỉ giải quyết được vấn đề thiếu máy móc và công lao động triền miên mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thanh niên địa phương.

 

Chúng tôi đến xã Mỹ Lộc vào giữa tháng 2-2014 khi trà lúa đông xuân bắt đầu chín vàng. Ông Nguyễn Văn Trọng, bí thư chi bộ ấp 9, cùng các thành viên trong ban điều hành “công ty” đang đi thăm đồng để xác định thời điểm thu hoạch lúa. Sau khi bàn bạc, ông Trọng kết luận: “Khoảng ngày 23 đến 25-2 bắt đầu thu hoạch”. Ông Trọng quay sang ông Trần Văn Tính (chi ủy viên chi bộ kiêm công an ấp): “Anh gọi điện thông báo cho các tổ sản xuất chuẩn bị sẵn sàng, thông báo cho đội thu hoạch đưa máy gặt đập liên hợp đang đi thu hoạch ở các địa phương khác trở về trước ngày 23-2 luôn nhé”.

Ấp 9 là nơi thí điểm mô hình “cánh đồng mẫu lớn” của xã Mỹ Lộc với diện tích hơn 110ha. Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang cử kỹ sư nông nghiệp đến hỗ trợ nông dân kỹ thuật sản xuất suốt mùa vụ, đồng thời cam kết bao tiêu lúa khi thu hoạch. Theo ông Trọng, do gieo sạ đồng loạt và thu hoạch cùng một lúc nên mỗi khi vào vụ là nông dân “lên ruột” vì không đủ máy cày, máy xới làm đất, không có công gieo sạ, không có máy thu hoạch. Một số hộ có máy thì cạnh tranh không lành mạnh, nâng giá, phá giá. Giữa họ đã xảy ra vô số chuyện xích mích, cãi cọ, nói xấu rồi coi nhau như đối thủ không đội trời chung. Tình làng nghĩa xóm bị rạn nứt. Ông Trần Văn Tính kể: “Tới mùa vụ là tui phải đi giải quyết rất nhiều chuyện tranh giành địa bàn. Không ít lần nhân công bỏ máy xách đồ nghề sửa máy rượt đánh nhau rất phức tạp”.

Vì những lý do này mà giữa năm 2013, chi bộ ấp 9 họp bàn và quyết định phải tập hợp các chủ máy lại để giải quyết tình trạng thiếu máy móc, lao động mỗi khi vào mùa vụ sản xuất của ấp 9 và cả xã Mỹ Lộc, nhân cơ hội này huy động thanh niên thất nghiệp có nguy cơ vi phạm pháp luật tham gia các đội sản xuất luôn. Ông Trọng nói thêm: “Chúng tôi chọn mô hình tổ dịch vụ vì ở tầm địa phương chỉ có thể quản lý cỡ đó. Các chủ máy ai cũng tán thành việc này. Họ đề nghị chi ủy nhận trách nhiệm đứng ra điều hành hoạt động của tổ từ vụ hè thu năm 2013 đến giờ”.

Chúng tôi hỏi anh Nguyễn Hòa Hiệp lý do đưa hết tài sản là hai máy gặt đập liên hợp, một máy cày, máy xới tay, hai lò sấy lúa, máy sàng chọn hạt giống trị giá hàng tỉ đồng tham gia “công ty” của ông Trọng, anh nói gọn: “Vì tui tin tưởng chi bộ và muốn làm ăn có tổ chức”. Anh giải thích thêm: “Một mình tui làm ăn riêng cũng được, nhưng hay xảy ra xích mích với các chủ máy khác. Khi chi bộ đề nghị liên kết lại thì tui ủng hộ liền. Nhờ vậy mà hiện nay các mâu thuẫn đã hóa giải hết. Anh em chủ máy không còn cạnh tranh mà hỗ trợ nhau như trong gia đình vậy. Có lẽ không có ở đâu chi bộ, chủ máy và người dân gắn bó với nhau và tin nhau như ở đây. Bà con tụi tui họp với nhau mỗi tuần/lần để bàn mọi chuyện có liên quan đến lúa”.

Trồng lúa không cần lội ruộng

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Năm (66 tuổi) đang đi thăm đồng. Ông bảo vụ này ông làm 2ha lúa, dự kiến thu hoạch trong tuần tới. Cầm những bông lúa vàng óng trên tay, ông cười tươi: “Vụ này năng suất phải 7-8 tấn/ha chứ không dưới”.

Ông Năm bảo trồng lúa trong cánh đồng mẫu lớn lợi nhiều thứ, nhưng sợ nhất là thiếu máy móc, công lao động. Chỉ mới năm trước đây ông từng chạy ngược xuôi tìm máy cày, còn đến khi thu hoạch thì phải đặt máy gặt đập liên hợp trước cả tháng mà vẫn không yên tâm. Khi thiếu máy phải chấp nhận thu hoạch trễ, lúa chín rục rụng đầy đồng, bị thương lái ép giá. Nỗi lo đó của ông Năm và rất nhiều nông dân khác ở xã Mỹ Lộc giờ không còn nữa vì “công ty” của ông Trọng có đủ lực để lo cho họ. Khi chi bộ đưa ra lịch cày xới, lịch thu hoạch, người dân chỉ cần gật đầu thì đến ngày đó “công ty” tự động điều động máy móc tới làm. Khi chúng tôi bảo nông dân ở xã này quá sung sướng, làm lúa mà chẳng phải lội ruộng, ông Năm cười khà khà: “Tui không biết diễn tả làm lúa sướng đến mức nào, nhưng chắc chắn với chú là đàn bà, con gái ở xứ này chân không dính phèn nữa”.

Ông Phạm Văn Năm (68 tuổi) làm 2ha lúa, nhưng các con ông đều bỏ ruộng đi làm việc khác. Vợ chồng già ở nhà phải gánh vác chuyện chăm sóc lúa. Ông nói: “Cũng may là có “công ty” này giúp nông dân đỡ vất vả, nếu không có lẽ nhiều người cho thuê ruộng chứ sao làm nổi”.

Người dân được tham gia góp ý, biểu quyết giá các dịch vụ sản xuất lúa của “Công ty cổ phần trồng lúa thuê”. Nhờ vậy giá dịch vụ thấp hơn ở các địa phương khác. Chẳng hạn dịch vụ cày, xới cho đến khi gieo sạ, tiền công 1,5 triệu đồng/ha, sạ hàng 300.000 đồng/ha, giặm lúa 100.000 đồng/người/ngày, rải phân 100.000 đồng/ha, xịt thuốc bằng máy 15.000 đồng/bình 25 lít, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp 2,5 triệu đồng/ha.

Nhiều nhân công của “công ty” ông Trọng cho biết thu nhập của họ ổn định. Anh Nguyễn Thanh Hải nói mỗi tháng anh nhận được tiền lương 3 triệu đồng, được bao ăn. Còn nhân công đi theo máy gặt đập liên hợp thu nhập bình quân 20-30 triệu đồng/năm. Thu nhập này chưa phải là cao, nhưng với thanh niên ở nông thôn, nó đảm bảo cho họ có cuộc sống ổn định. Có công việc làm nên ai cũng lo chí thú làm ăn.

 

 

Mô hình mới

“Công ty” trồng lúa thuê của ông Trọng hiện có bảy máy gặt đập liên hợp, mười máy cày, cả trăm máy sạ hàng, một máy sàng tách hạt chọn giống, lò sấy lúa… trị giá hàng tỉ đồng và đội ngũ nhân công vận hành máy móc, làm dịch vụ gần 70 người. “Công ty” có các đội dịch vụ: sản xuất giống, làm đất, sạ hàng, giặm lúa cho ruộng sản xuất lúa giống, rải phân, xịt thuốc, thu hoạch. Nguyên tắc hoạt động của “công ty” là tất cả “cổ đông” chấp hành sự phân công, điều động của ban điều hành; ưu tiên lo cho cánh đồng mẫu lớn của ấp và ruộng của bà con trong xã Mỹ Lộc trước, sau đó mới tới các địa phương khác; giá dịch vụ phải được nông dân bàn bạc thống nhất trước khi áp dụng và phải thấp hơn giá bên ngoài.

“Công ty” còn lo sản xuất giống chất lượng cao cung cấp cho nông dân mỗi vụ. Gần đến ngày thu hoạch lúa, “công ty” sẽ bàn bạc với thương lái về tiêu thụ. Nếu nơi nào mua giá cao, mua nhanh thì sẽ ký hợp đồng bán cho nơi đó. Chủ ruộng chỉ cần đến điểm tập kết để kiểm tra cân và… lấy tiền.

 

VÂN TRƯỜNG