09/01/2025

Thả nổi nghe lén

Mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama phải đứng trước vụ kiện hy hữu khi cho phép cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén, thu thập dữ liệu hàng triệu thuê bao điện thoại của công dân Mỹ. Chuyện xứ người là thế, nhưng ở xứ ta cũng không khỏi giật mình khi việc nghe lén, kinh doanh thiết bị nghe lén tràn lan trên mạng và thị trường.

 

Thả nổi nghe lén

Mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama phải đứng trước vụ kiện hy hữu khi cho phép cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén, thu thập dữ liệu hàng triệu thuê bao điện thoại của công dân Mỹ.

Chuyện xứ người là thế, nhưng ở xứ ta cũng không khỏi giật mình khi việc nghe lén, kinh doanh thiết bị nghe lén tràn lan trên mạng và thị trường.

Người bán ngang nhiên thành lập cả công ty, cửa hàng kinh doanh “sự tò mò”. Còn người mua chỉ cần gọi điện thoại là được cung cấp tận nơi, dễ mua như bó rau, cân thịt với đủ các thiết bị phục vụ cho mục đích nghe lén, nhìn lén, hoặc đọc lén và lưu lại những thông tin bí mật của một cá nhân nào đó từ khoảng cách gần đến khoảng cách xuyên quốc gia một cách dễ dàng.

Chắc chắn, người bán sẽ không có giấy phép để được kinh doanh các thiết bị này do luật pháp liệt các thiết bị này vào danh mục cấm. Còn hành vi nghe lén đó có thể đối diện với pháp luật, thậm chí phải đứng trước vành móng ngựa. Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao xung quanh chúng ta vẫn nhan nhản các quảng cáo rao bán thiết bị nghe lén, nhiều sản phẩm phong phú đến hoa cả mắt. Còn những người sử dụng cũng không ít và không ai biết họ dùng vào mục đích gì, song chắc chắn họ không “nghe tai này, bỏ tai kia”.

Nhìn dưới góc độ gần, việc nghe lén thông tin, xem lén hình ảnh hay đọc lén tin nhắn riêng tư của “đối tượng” khi không được phép là đã xâm phạm bí mật thư tín, bí mật thông tin điện tử, bí mật về hình ảnh cá nhân… Còn xa hơn, nếu những thiết bị này được sử dụng để nghe lén, xem lén những thông tin liên quan đến bí mật quốc gia, đến chính sách vĩ mô của nhà nước thì hậu quả là cực kỳ nghiêm trọng. Nhất là khi người nghe lén sử dụng, mua bán, phát tán các thông tin “bí mật”, dù vô tình hay cố ý, hành vi này không chỉ xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của một người mà có khi còn ảnh hưởng đến sự tồn vong của cả một quốc gia. Ấy vậy mà hình như những người làm công tác quản lý, bảo vệ pháp luật không thấy, không lo (?).

Luật pháp đã có trong tay, các nhà quản lý đâu sao chưa thấy mạnh mẽ trong việc tuyên chiến với các hoạt động bất hợp pháp trong lĩnh vực quản lý của mình? Chẳng lẽ còn phải chờ đến khi có hậu quả nghiêm trọng mới vắt chân lên cổ “chạy” tìm cách cứu?

Rõ ràng, dù với lý do gì đi nữa thì việc lắp đặt các thiết bị nghe lén, nhìn lén, đọc lén hoặc việc kinh doanh các thiết bị này đều vi phạm pháp luật về lĩnh vực hành chính, lĩnh vực dân sự và cả pháp luật về hình sự. Nhưng vì nhu cầu làm giàu, người bán vì tiền, bất chấp pháp luật để tìm kiếm các khoản lợi nhuận khổng lồ về cho mình, còn người có nhu cầu thỏa mãn sự tò mò chỉ nhằm đáp ứng được mối hồ nghi muốn có “dâm tang, gian chứng” hoặc các thông tin bất lợi cho đối thủ trong tay để lật mặt đối tượng mà họ cần moi thông tin bí mật.

Để việc nghiêm cấm kinh doanh, sử dụng các thiết bị nghe lén không chỉ tồn tại trên giấy, cơ quan quản lý nhà nước cần tiến hành tổng kiểm tra các hoạt động kinh doanh các thiết bị này, xử lý nghiêm nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, và không chỉ bảo vệ an ninh quốc gia mà còn đương nhiên bảo vệ cả các quyền riêng tư của công dân.

Luật sư Phạm Công Út 
(Đoàn luật sư TP.HCM)