Lời Chúa kêu gọi chúng ta hoán cải

Ngày hôm nay chúng ta bắt đầu phụng vụ Mùa Chay với việc xức tro, một nghi lễ thật gợi cảm mà qua đó chúng ta cam kết hướng lòng về chân trời ân sủng. Đây là một hồng ân quý giá Chúa ban, đây là một thời gian mãnh liệt và mang nhiều ý nghĩa trên cuộc lữ hành của Giáo Hội

 Lời Chúa kêu gọi chúng ta hoán cải

Kiệu thống hối từ Nhà thờ Thánh Anselme đến Vương cung Thánh đường Thánh nữ Sabine trên đồi Aventin
Thứ Tư Lễ Tro, 9/3/2011

Anh chị em thân mến!

Ngày hôm nay chúng ta bắt đầu phụng vụ Mùa Chay với việc xức tro, một nghi lễ thật gợi cảm mà qua đó chúng ta cam kết hướng lòng về chân trời ân sủng. Cách chung, người ta liên kết mùa phụng vụ này với vẻ u buồn và ảm đạm. Thế nhưng, đây lại là một hồng ân quý giá Chúa ban, đây là một thời gian mãnh liệt và mang nhiều ý nghĩa trên cuộc lữ hành của Giáo Hội, đây là lộ trình hướng về lễ Vượt Qua của Chúa. Các Bài đọc Sách Thánh trong ngày hôm nay mang lại cho chúng ta những chỉ dẫn để sống một cách viên mãn kinh nghiệm thiêng liêng này.

“Các ngươi hãy thật lòng quay về với Ta” (Ge 2,12). Trong Bài đọc một, được trích từ sách Tiên tri Gioen, chúng ta nghe Chúa mời gọi dân Do Thái thống hối chân thành chứ không phải vụ hình thức. Đây không phải là một sự hoán cải hời hợt và chóng qua, mà là một lộ trình thiêng liêng liên quan cách sâu xa đến hành vi của lương tâm và giả thiết một ý hướng thống hối chân thành. Vị tiên tri rút cảm hứng từ tai ương mà Đức Chúa giáng xuống trên toàn dân khi Ngài cho châu chấu tràn đến phá huỷ mùa màng, để mời gọi họ thống hối trong lòng, để xé lòng chứ không xé áo (x. 2,13). Như thế, ta phải có một thái độ hoán cải thực sự đối với Thiên Chúa – quay về với Ngài -, khi chúng ta nhận ra sự thánh thiện, quyền năng và oai nghi của Thiên Chúa. Và sự hoán cải này không phải là vô phương, bởi vì Thiên Chúa giàu lòng nhân hậu và tình yêu của Ngài thật vĩ đại. Lòng nhân hậu của Ngài có sức tái tạo, lòng nhân hậu của Ngài tạo nên cho ta một quả tim tinh tuyền, canh tân trong lòng ta một tinh thần kiên nghị, ban lại cho ta niềm vui ơn cứu độ (x. Tv 50,14). Quả thật, như Tiên tri Êdêkien đã nói: Chúa không muốn cho tội nhân phải chết, nhưng muốn nó hối cải và được sống (x. Ed 33, 11). Tiên tri Gioen nhân danh Chúa ra lệnh cho toàn dân phải tạo nên một bầu khí thống hối thích hợp: phải rúc tù và, triệu tập cộng đoàn, thức tỉnh lương tâm toàn dân. Thời gian 40 ngày chay tịnh đưa ra cho chúng ta bối cảnh phụng vụ và sự hối cải này, đề nghị một lộ trình bốn mươi ngày chúng ta cần trải nghiệm một cách cụ thể tình yêu giàu lòng nhân hậu của Thiên Chúa.

Hôm nay chúng ta nghe lại lời mời gọi «Các ngươi hãy thật lòng quay về với Ta»; hôm nay Chúa mời gọi chúng ta quay về với Ngài, luôn ý thức rằng tự sức riêng, chúng ta không thể nào hối cải được, bởi vì chính Chúa mới là người giúp chúng ta hối cải. Hơn nữa, Ngài còn ban cho chúng ta ơn tha thứ, mời gọi chúng ta trở về với Ngài, để ban cho chúng ta một quả tim mới được thanh luyện khỏi điều dữ cản trở chúng ta, để cho chúng ta được chia sẻ niềm vui của Ngài. Thế giới của chúng ta cần Chúa ban ơn thống hối, cần được tha thứ, cần tình yêu của Chúa, cần một quả tim mới.

«Anh em hãy giao hoà với Thiên Chúa» (2Cr 5,20). Trong bài đọc II, Thánh Phaolô đưa ra cho chúng ta một yếu tố mới trên con đường hối cải. Thánh tông đồ yêu cầu chúng ta đừng nhìn ngài, mà trái lại chú ý đến Đấng đã sai ngài đến và chú ý đến nội dung sứ điệp mà ngài mang đến: «Như thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, và qua chúng tôi, chính Thiên Chúa đã thực sự kêu gọi anh em. Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy giao hoà cùng Thiên Chúa» (sđd.). Vị sứ giả nói lại điều mình đã nghe Chủ nói, và nói với quyền và trong giới hạn được trao. Ai thi hành nhiệm vụ sứ giả thì không được làm cho người khác quan tâm đến mình, nhưng phải phục vụ sứ điệp mình phải chuyển trao, và phục vụ người đã sai mình. Thánh Phaolô đã làm như thế khi ngài thi hành thừa tác vụ rao giảng Lời Chúa và làm Tông đồ của Đức Giêsu Kitô. Thánh nhân không hề lùi bước trước nhiệm vụ đã lãnh nhận, nhưng hoàn thành với lòng tận tuỵ lớn lao, ngài mời gọi chúng ta mở rộng lòng đón nhận ân sủng  để Thiên Chúa giúp chúng ta hối cải: «Vì được cộng tác với Thiên Chúa – Thánh Tông đồ viết – nên chúng tôi khuyên nhủ anh em đừng để cho ân huệ Thiên Chúa ban phải trở nên vô hiệu» (2Cr 6,1). «Lời kêu gọi hoán cải của Đức Kitô – sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo dạy chúng ta – luôn vang vọng trong đời sống những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. […] Việc hoán cải này là một cuộc chiến đấu liên tục của toàn thể Hội Thánh” đang “bao gồm trong lòng mình những tội nhân” và “đồng thời là thánh thiện nhưng vẫn luôn cần thanh luyện… và không ngừng tiếp tục nỗ lực thống hối và canh tân”. “Nỗ lực hoán cải này không chỉ là một việc làm của con người. Đó là hành động “của tâm hồn tan nát” (Tv 51,19) được ân sủng thần linh thúc đẩy để đáp lại tình yêu giàu lòng nhân hậu của Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương chúng ta trước» (s. 1428). Thánh Phaolô nói với các Kitô hữu Côrintô, nhưng qua họ, ngài cũng muốn nói với tất cả mọi người. Quả thật, mọi người đều cần ơn Chúa soi sáng trí khôn và tâm hồn. Và Thánh tông đồ thôi thúc: «Đây là thời thuận tiện, đây là giờ cứu độ» (2Cr 6,2). Mọi người có thể mở rộng lòng đón nhận hành động của Thiên Chúa, đón nhận tình yêu của Ngài; qua chứng tá Tin Mừng của chúng ta, với tư cách Kitô hữu, chúng ta phải là một sứ điệp sống động; trong nhiều trường hợp, chúng ta là sách Phúc Âm duy nhất mà con người ngày hôm nay còn có thể đọc được. Theo bước chân Thánh Phaolô, đây là trách nhiệm của chúng ta, và còn là lý do để chúng ta sống Mùa Chay một cách sốt sắng hơn: mang lại chứng tá đức tin sống động cho một thế giới đang gặp khó khăn, đang cần trở về với Chúa, đang cần hoán cải.

«Khi làm việc lành phúc đức, anh em chớ phô trương cho người ta chú ý» (Mt 6,1). Trong bài Phúc Âm hôm nay, Đức Giêsu nhắc lại ba việc lành phúc đức cơ bản mà Luật Môisen đã quy định. Bố thí, cầu nguyện và ăn chay là nét đặc trưng của người Do Thái tuân giữ lề luật. Theo dòng thời gian, những quy định này đã bị hoen ố bởi thói vụ hình thức xói mòn, hay thậm chí còn biến thành dấu hiệu nói lên sự ưu việt của mình. Trong ba việc đạo đức này, Đức Giêsu cho ta thấy rõ một cơn cám dỗ chung. Khi làm được một điều tốt đẹp, hầu như theo bản năng nẩy sinh trong ta ước muốn được mọi người khen ngợi và thán phục, vì đã làm được một việc tốt đẹp, nói cách khác là muốn được đền ơn. Và điều này, một mặt làm cho ta khép kín, và mặt khác, lại làm cho ta hướng ngoại, bởi vì chúng ta sống dựa theo điều người khác nghĩ về chúng ta và thán phục chúng ta. Khi đề nghị lại cho chúng ta ba quy định này, Chúa không yêu cầu chúng ta tôn trọng một cách vụ hình thức một luật lệ xa lạ với con người, do một nhà làm luật nghiêm khắc áp đặt như một gánh nặng, nhưng mời gọi chúng ta tái khám phá ba việc làm phúc đức này, bằng cách trải nghiệm một cách sâu xa hơn, không phải vì yêu mình mà vì yêu Thiên Chúa, như một phương tiện trên con đường hối cải quay về với Chúa. Bố thí, cầu nguyện và ăn chay: cả ba là con đường sư phạm của Chúa cùng đồng hành với chúng ta, không những trong Mùa Chay hướng chúng ta đến gặp Chúa Phục Sinh; một con đường ta phải bước đi mà không hề khoe khoang, với niềm tin chắc rằng Cha Trên Trời có thể đọc ra và thấy trong tận chiều sâu của tâm hồn chúng ta.

Anh chị em thân mến, với tâm tình tin tưởng và hân hoan, chúng ta hãy bắt đầu lộ trình Mùa Chay. 40 ngày hướng chúng ta đến lễ Phục Sinh; mùa «quan trọng» trong năm phụng vụ này là một thời gian thuận tiện Chúa ban để chúng ta có thể hoán cải nhiều hơn, lắng nghe Lời Chúa dạy bảo hơn, cầu nguyện sốt sắng và thống hối chân thành hơn. Như thế, chúng ta mở lòng ngoan ngoãn đón nhận thánh ý Chúa để sống hãm mình phạt xác, và nhờ đó, chúng ta có thể giúp đỡ tha nhân trong cơn quẫn bách một cách quảng đại hơn: một cuộc hành trình thiêng liêng chuẩn bị chúng ta sống lại mầu nhiệm Vượt Qua.

Ước gì Đức Maria, là người hướng dẫn chúng ta trên lộ trình Mùa Chay này, giúp chúng ta ngày càng hiểu biết Đức Kitô tử nạn và phục sinh một cách sâu xa hơn, ước gì Mẹ giúp chúng ta trong cuộc chiến thiêng liêng chống lại tội lỗi, và nâng đỡ khi chúng ta kêu cầu với niềm xác tín: «Converte nos, Deus salutaris noster», – Ôi lạy Thiên Chúa là Đấng cứu độ chúng con, xin hãy giúp chúng con quay về với Chúa». Amen!