10/01/2025

Thêm một người chết sau khi làm việc với công an

Lại thêm một vụ người dân chết sau khi công an lấy lời khai ngày 13-2 (xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông).

Thêm một người chết sau khi làm việc với công an

Lại thêm một vụ người dân chết sau khi công an lấy lời khai ngày 13-2 (xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông).

Khám nghiệm tử thi, toàn thân nạn nhân N. bị bầm tím – Ảnh: Tr.T. 

Theo kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông, khoảng 15g ngày 13-2, ông Huỳnh Tấn Du (35 tuổi, trú thôn Quảng Lộc, xã Đạo Nghĩa) phát hiện ông Huỳnh N. (39 tuổi, thôn Quảng An, xã Đạo Nghĩa) đang hái trộm tiêu trong rẫy của mình nên đã bắt trói ông N. và báo công an xã.

Khoảng 17g30 cùng ngày, ông N. bị dẫn giải về trụ sở Công an xã Đạo Nghĩa để làm việc.

Ba công an xã gồm các ông Nguyễn Hữu Tuyến (27 tuổi), Lê Văn Tâm (46 tuổi) và Trần Văn Công (38 tuổi, trưởng Công an xã Đạo Nghĩa) đã thừa nhận với Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông rằng trong lúc lấy lời khai, vì cho rằng ông N. gian dối trong việc khai nhận hành vi trộm cắp nên họ đã dùng dùi cui, tay đánh ông N. nhiều lần.

Nạn nhân phải bò vào nhà

 

Chỉ có 1/3 công an xã là chính quy

Theo thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Công an tỉnh Đắk Lắk đã có kế hoạch bố trí 70 cán bộ công an chính quy về làm trưởng, phó công an xã tại 70 xã trọng điểm về an ninh, trật tự trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên cho đến nay chỉ mới bố trí được tại 25 xã.

Còn theo đại tá Nguyễn Văn Hùng, toàn tỉnh Đắk Nông có gần 1.000 công an viên cấp xã. Đến nay tỉnh mới bố trí được 13 cán bộ công an chính quy về làm trưởng, phó công an trong số 43 xã trọng điểm về an ninh trật tự.

 

Đến khoảng 7g30 tối 13-2, ông N. được cho về nhà và hẹn sáng hôm sau (14-2) sẽ làm việc tiếp, tuy nhiên khoảng 9g sáng 14-2 thì ông N. tử vong tại nhà.

Đại tá Nguyễn Văn Hùng, phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết thêm theo ghi nhận khám nghiệm tử thi ban đầu, nạn nhân N. có tổng cộng 33 vết thương, vết bầm tím trên cơ thể, trong đó có chín vết bầm tím trên đầu, mặt.

Cơ quan công an đã lấy các mẫu vật nội tạng, não của nạn nhân để giám định xem có bị thương tổn hay không.

“Ban đầu, ba công an xã đã thừa nhận có đánh ông N., tuy nhiên chưa thể xác định việc đánh đập này có phải là nguyên nhân chính khiến ông N. tử vong hay không. Sau khi có kết luận pháp y mới có căn cứ để xử lý hình sự ba công an xã này hay không” – đại tá Hùng nói.

Bà Phan Thị Tâm, vợ ông N., cho biết khoảng 8g tối 13-2, khi bà ra mở cửa thì thấy chồng mình không đi được mà phải bò đến kêu cửa (trước đó ông N. được một công an viên chở về bỏ trước cửa nhà).

Đêm đó bà Tâm thấy ông N. liên tục nôn ói, kêu đau toàn thân. Sáng hôm sau ông N. chết, gia đình mới phát hiện nhiều vết bầm tím, vết thương hở đã khô máu trên người. Bà Tâm khẳng định trước khi bị đưa lên công an xã, chồng bà hoàn toàn khỏe mạnh, chưa hề có vết thương nào.

Ngày 18-2, đại tá Nguyễn Văn Hùng cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang chờ kết quả giám định pháp y để tiếp tục xử lý vụ việc.

Trước đó tại Đắk Lắk, ông Y Két Dhap đã chết sau khi bị triệu tập đến trụ sở Công an xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin.

Sáng 27-11-2013, nhận được tin báo về việc ông Vũ Đức Hòa (thôn Hiệp Tân, xã Hòa Hiệp, Cư Kuin) mất một con bò, công an xã đã triệu tập ông Y Két và một người khác (trú cùng buôn với ông Y Két).

Khoảng 14g cùng ngày, gia đình ông Y Két nhận được tin ông đang ở Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin trong tình trạng nguy kịch, khi đến nơi thì ông Y Két đã chết.

Ngày 9-12-2013, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với hai công an viên xã Ea Bhốk là Trương Trung Hiếu (26 tuổi) và Y Phiên Adrơng (27 tuổi) về hành vi giết người.

Cơ quan cảnh sát điều tra cho biết ông Hiếu và ông Y Phiên đã thừa nhận có đánh đập ông Y Két. Ông Y Đhok Dhap, anh trai nạn nhân, cho biết trước khi bị triệu tập lên công an xã thì ông Y Két vẫn khỏe mạnh, không có bệnh tật hay chấn thương gì.

Cần chấn chỉnh lực lượng công an xã

Trước tình trạng một số công an viên cấp xã vượt quá quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, nhìn nhận: không thể phủ nhận vai trò đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương, nhưng thời gian gần đây Công an tỉnh nhận được nhiều phản ảnh của người dân về tác phong, thái độ làm việc chưa tốt của công an xã. Một vài nơi có tình trạng công an xã khi triệu tập, bắt quả tang các nghi can, nghi phạm lên trụ sở công an xã thì việc đầu tiên là “đánh dằn mặt” để lấy lời khai.

Theo quy định, công an xã chỉ có quyền bắt người quả tang hoặc triệu tập đối tượng nghi vấn để lấy lời khai ban đầu. Nếu vụ việc có dấu hiệu hình sự thì chuyển công an cấp trên, vụ việc phải xử lý hành chính thì tham mưu chủ tịch UBND xã xử phạt.

Công an xã tuyệt đối không được tạm giữ nghi can, nghi phạm; đặc biệt không được đánh đập,  hỏi cung nghi can, nghi phạm nhưng trong thực tế nhiều công an xã không làm đúng quy định.

Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi cho biết thêm hằng năm Công an tỉnh Đắk Lắk vẫn tổ chức các lớp tập huấn để phổ biến pháp luật, nghiệp vụ và chấn chỉnh tác phong, thái độ của các công an xã khi làm việc với người dân.

Theo đại tá Nguyễn Văn Hùng, hằng năm Công an tỉnh Đắk Nông tổ chức tập huấn phổ biến pháp luật, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho công an xã, mỗi đợt khoảng 200 công an viên.

Ngoài ra, Công an tỉnh cũng đã mở một lớp đào tạo trung cấp cho trưởng công an xã về chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật… Tuy nhiên trong thực tế vì nhận thức, hiểu biết pháp luật của công an xã chưa cao nên có xảy ra những sai phạm.

Cả hai ông Trần Kỳ Rơi và Nguyễn Văn Hùng đều cho rằng việc đánh đập nghi can, người vi phạm trong bất cứ tình huống nào của công an đều trái pháp luật và sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm đến đó để làm gương.

Về giải pháp để hạn chế và chấm dứt tình trạng công an xã đánh chết nghi can, người vi phạm khi làm việc, cả hai vị lãnh đạo công an tỉnh cho biết sẽ có văn bản gửi về tất cả công an cấp xã để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, xem đó là bài học đắt giá…

TRUNG TÂN

 

 

Công an xã không được hỏi cung

Theo pháp lệnh công an xã (do Chủ tịch nước ban hành ngày 2-12-2008), công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của công an nhân dân, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã.

Công an xã có 14 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, trong đó chủ yếu thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương như:

* Quản lý cư trú, chứng minh nhân dân và các giấy tờ khác.

* Quản lý vật liệu nổ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện trên địa bàn xã.

* Tiếp nhận, phân loại theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã.

* Tổ chức bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm lẩn trốn trên địa bàn xã và dẫn giải lên công an cấp trên.

* Lấy lời khai ban đầu các vụ việc nhưng không được tạm giữ hình sự, hỏi cung các nghi can, nghi phạm. Nếu vụ việc có dấu hiệu tội phạm phải chuyển nghi can lên cơ quan công an cấp trên…