11/01/2025

Ở trọ nhà mình

Dù đã có nhiều ý kiến, thậm chí của cả đại biểu Quốc hội, đề xuất bỏ cách quản lý bằng hộ khẩu nhưng chuyện đâu vẫn y đó.

 

Ở trọ nhà mình

Dù đã có nhiều ý kiến, thậm chí của cả đại biểu Quốc hội, đề xuất bỏ cách quản lý bằng hộ khẩu nhưng chuyện đâu vẫn y đó.

 Người dân đến hỏi về thủ tục hành chính tại Công an Q.8 - Ảnh: Lê Quang
Người dân đến hỏi về thủ tục hành chính tại Công an Q.8 – Ảnh: Lê Quang

Siết hộ khẩu

Một tuần sau khi luật Cư trú có hiệu lực (từ 1.1.2014), chúng tôi có mặt ở Công an Q.Tân Phú (TP.HCM) thì gặp anh Tấn Hùng thất thểu bước ra, mặt không mấy vui. Anh Hùng than: “Tôi làm việc ở TP.HCM đã mười mấy năm, mua nhà riêng đã chục năm, bị vướng quy hoạch nên không thể làm được chủ quyền nhà. Năm trước thành phố mới bỏ quy hoạch treo. Sau khi có chủ quyền nhà, tôi lên đây xin nhập hộ khẩu thì được giải thích phải về làm sổ KT3, tạm trú 1 năm tại căn nhà của tôi thì mới đủ điều kiện. Bữa nay đủ thời hạn, lên làm thì lại được giải thích đã có luật mới, chờ thêm một năm nữa…”.

 

 
 

Quy định phải tạm trú 2 năm vừa làm khó người dân vừa bất hợp lý, vì như thế họ phải tạm trú trên chính ngôi nhà của mình. Quy định này chỉ hạn chế nhập khẩu chứ không hạn chế được nhập cư

 

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch(Đoàn luật sư TP.HCM)

 

 

Theo luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP.HCM) khoản 1, điều 20 luật Cư trú, từ 1.1.2014, để được nhập hộ khẩu vào các thành phố trực thuộc trung ương thì phải “có chỗ ở hợp pháp; nếu nhập hộ khẩu vào thị xã, huyện thì phải tạm trú ít nhất 1 năm tại thành phố đó và 2 năm đối với trường hợp nhập hộ khẩu vào quận”. Tức thời hạn tạm trú liên tục tăng lên 2 năm (ở nội thành) thay vì trước đây chỉ có 1 năm.

Tương tự ngày 14.2, tại Công an Q.8 (TP.HCM), chúng tôi gặp anh Quang vừa bị từ chối nhận hồ sơ đăng ký hộ khẩu vì chưa đủ điều kiện. Anh Quang cho biết mình mua nhà có chủ quyền từ năm 2010. Sang năm, con gái anh vào lớp 1 nên đi hỏi thủ tục nhập hộ khẩu nhưng bị “vướng” thủ tục xác nhận tạm trú liên tục 2 năm tại căn nhà trên.

Nguyên nhân, khi về sống tại Q.8, anh ra phường trình báo thì được anh cảnh sát khu vực (cũ) hướng dẫn kê khai và cấp Sổ khai báo tạm trú, tạm vắng có thời hạn 6 tháng. Sau đó gia hạn, cảnh sát khu vực không ghi thời hạn. “Trên quận bảo không cần KT3, không cần sổ khai báo tạm trú… chỉ cần công an phường xác nhận tôi đã tạm trú dài hạn, liên tục tại căn nhà này 2 năm là được. Nhưng anh cảnh sát khu vực (mới) nhất quyết không làm, anh này nói: “Sổ khai báo tạm trú, tạm vắng cho biết anh có lưu trú ở đây, chứ đâu có chứng minh anh cư trú ở đây liên tục. Với lại, tôi mới về phụ trách địa bàn không nắm được nên không thể xác nhận!”. Anh cảnh sát khu vực hướng dẫn tôi nếu muốn nhập hộ khẩu, tôi phải đăng ký KT3 lại từ đầu”.

Không chỉ siết bằng thời hạn tạm trú, đối với những trường hợp không có nhà (nhập theo dạng bảo lãnh) thủ tục còn nhiêu khê hơn, gồm: hợp đồng lao động không thời hạn, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, hợp đồng bảo lãnh có công chứng bên cạnh diện tích tối thiểu là 8 m2/người. Anh Hạnh (ngụ Q.Tân Bình) cho biết: “Với điều kiện này, hộ khẩu chỉ là giấc mơ xa vời bởi làm công nhân thì lấy đâu ra hợp đồng không thời hạn. Công ty nợ bảo hiểm thì làm sao có xác nhận của Bảo hiểm xã hội được…”.

Ở trọ trong nhà mình

Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM năm 2013, ông Ngô Minh Châu (Phó giám đốc Công an TP.HCM) kiến nghị: “Đối với các trường hợp đã tạm trú liên tục từ một năm trở lên ở thành phố, có nhà ở do mình đứng tên sở hữu và ở tại đó thì giải quyết cư trú ngay (không bắt buộc phải tạm trú ở căn nhà mình đứng tên từ một năm trở lên)”. Tuy nhiên, kiến nghị này chưa được xem xét thì luật mới lại “siết” hơn.

Luật sư Phạm Công Út đánh giá, luật Cư trú mới hạn chế người nhập hộ khẩu vào nội thành thành phố trực thuộc trung ương bằng rào cản thời hạn tạm trú kéo dài đã nhân đôi sự bất cập thay vì luật ban hành là để đảm bảo quyền lợi, tạo thuận lợi cho người dân. “Quy định này gây khó cho người dân khi họ có nhu cầu về thủ tục hành chính, gặp phải rào cản của luật pháp sẽ phát sinh chuyện lách luật, tạo kẽ hở cho nhũng nhiễu phát sinh”, luật sư Út nói.

Đồng quan điểm này, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định: tăng thời hạn tạm trú chưa giải quyết được vấn đề người dân tập trung cư trú đông ở nội thành. Theo luật sư Trạch, quy định này không những chưa đáp ứng hết được công tác quản lý nhà nước về dân cư, nhất là khu vực nội thành của các thành phố lớn mà gây khó khăn cho công dân trong việc thực hiện quyền tự do cư trú của mình. “Quy định phải tạm trú 2 năm vừa làm khó người dân vừa bất hợp lý, vì như thế họ phải tạm trú trên chính ngôi nhà của mình. Quy định này chỉ hạn chế nhập khẩu chứ không hạn chế được nhập cư”, luật sư Trạch nói.

 

Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) đề xuất: “Tôi cho rằng cần sớm nghiên cứu sửa đổi căn bản luật theo hướng bỏ việc quản lý đi lại và cư trú của người dân bằng sổ hộ khẩu, mà nên dùng các biện pháp khoa học kỹ thuật. Chẳng hạn như, xây dựng phần mềm quản lý thường trú, tạm trú trên cơ sở CMND của công dân. Làm vậy, sẽ bớt được giấy tờ, giảm được bộ máy quản lý và xóa bỏ chuyện “hậu khổ” đang đè nặng lên nhiều người dân”.

 

Lê Nga