11/01/2025

Lợi dụng trẻ em

Một người phụ nữ tên Loan sống trong căn phòng trọ ở hẻm 219 Dương Bá Trạc (P.2, Q.8, TP.HCM) chăn dắt gần 10 đứa trẻ từ 8 – 13 tuổi đi bán kẹo cao su.

 

Lợi dụng trẻ em

Một người phụ nữ tên Loan sống trong căn phòng trọ ở hẻm 219 Dương Bá Trạc (P.2, Q.8, TP.HCM) chăn dắt gần 10 đứa trẻ từ 8 – 13 tuổi đi bán kẹo cao su.

 Một đứa trẻ đang quỳ lạy để khách thương hại mua hàng

Một đứa trẻ đang quỳ lạy để khách thương hại mua hàng 2
Một đứa trẻ đang quỳ lạy để khách thương hại mua hàng

Em thắp nhang, em lạy anh !

Theo phản ánh của nhiều bạn trẻ vui chơi tại cầu Ánh Sao (Q.7, TP.HCM), thời gian gần đây khu vực này xuất hiện một nhóm trẻ em bán hàng rong có kiểu mời chào “quái dị” khiến nhiều người ngán ngẩm.

Được sự hậu thuẫn của “bà chủ”, nhóm trẻ này khi không bán được hàng sẽ quỳ lạy, khấn vái hòng ép buộc khách mua cho bằng được các món hàng. Đối tượng mà bọn trẻ nhắm tới là những cặp trai gái đang ngồi tâm sự.

Vừa ngồi xuống khu vực cầu Ánh Sao, chúng tôi liền được bọn trẻ săn đón. “Anh đẹp trai ơi, anh mua ủng hộ giúp em cây kẹo”. Thấy chúng tôi lắc đầu từ chối, lập tức bọn trẻ giật áo, vỗ bốp bốp lên đùi khiến chúng tôi cảm thấy khó chịu và không khỏi bất an. “Em thắp nhang, em lạy anh. Anh ủng hộ giùm em cây kẹo”. Rồi cả nhóm quỳ lạy trước sự ngỡ ngàng, hoảng sợ của những người vui chơi ở đây.

Chị Võ Thị Rở (21 tuổi, ngụ H.Nhà Bè) bức xúc: “Lâu lâu em cùng bạn đến khu vực này chơi. Nhưng thực sự em cảm thấy rất khó chịu và hoảng sợ mỗi khi mấy đứa trẻ quỳ lạy trước mặt mình. Nhiều lúc không muốn mua nhưng cũng phải mua cho xong chuyện”. Cũng theo Rở, nếu không mua hàng mà đôi co thì lập tức khách sẽ nhận những tràng chửi tục sa sả từ nhóm trẻ này.

Còn bạn Thanh (21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết: “Đang ngồi tâm sự riêng tư với bạn gái thì bọn trẻ đến làm nháo nhào. Chúng quỳ lạy khấn vái đủ chuyện. Mình cảm thấy rất khó chịu, không muốn mua cũng phải mua để chúng đi chỗ khác”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, có một số bạn gái nhất quyết không chịu mua hàng thì bị bọn trẻ đeo đuổi, cào cấu, văng tục khiến họ hoảng hốt.

Nhóm trẻ bán hàng rong ở khu vực này khoảng 10 người, độ tuổi từ 8 đến 13. Món hàng mà các em bán thường là kẹo cao su, kẹo mút. Trong đó, kẹo mút được bán với giá 10.000 đồng/cây, kẹo cao su mỗi vỉ giá 15.000 đồng. “Bà chủ” cũng là “đại lý” cung cấp hàng cho các em là một người phụ nữ tên Loan khoảng chừng 40 tuổi.

Cứ 5 giờ chiều, người phụ nữ này giao hàng cho bọn trẻ đi bán, đến gần 11 giờ đêm thì tới thu tiền. Ngoài ra, chị ta cũng trực tiếp bày bán các món đồ lưu niệm ngay tại khuôn viên cầu Ánh Sao. Các hộp kẹo được người này chuẩn bị sẵn trong bịch, nếu nhóm trẻ bán hết 15 vỉ kẹo đã được quy ước từ trước thì sẽ đến lấy bán tiếp.

Giải thích về thỏa thuận ăn chia, một em trong nhóm tiết lộ với chúng tôi: “Em nói với anh như thế này. Em lấy hàng của bà chủ. Một tá có 15 vỉ. Mỗi vỉ 15.000 đồng thì vị chi cả hộp bán được 225.000 đồng. Cứ 10 giờ tối bà chủ tới thu tiền và cho em 75.000 đồng”.

Theo tính toán của chúng tôi, bình quân mỗi đêm người phụ nữ này bỏ túi không dưới 500.000 đồng từ sức lao động của nhóm trẻ.

Trẻ em bị lợi dụng

Khi chúng tôi hỏi: “Khu vực này cấm bán hàng rong, sao tụi em vào bán thoải mái vậy?”, không một chút ngần ngại, Thậm (13 tuổi) trả lời: “Tụi em cứ bán vô tư thôi. Ở đây bà chủ nói đã chung chi hết rồi”.

Đến gần 23 giờ, một số trẻ thì đi xe đạp, số còn lại được người phụ nữ nói trên chở đến địa điểm quen thuộc là vỉa hè trên đường Nguyễn Đức Cảnh (khu phố Grand View, P.Tân Phong, Q.7) để “ăn chia”. Tại đây, tùy theo “năng suất” công việc mà bà chủ chia tiền cho mỗi đứa trẻ khác nhau.

Theo ghi nhận của chúng tôi, bọn trẻ này ở khu vực Q.7 và Q.8. Có em còn đi học, cứ chiều tối khi học về là nhận hàng của “bà chủ” rồi đạp xe xuống cầu Ánh Sao để bán hàng.

Sau nhiều ngày theo dõi, chúng tôi biết được, bà chủ tên là Loan mướn hai phòng trọ cặp vách nhau ở 219/38 Dương Bá Trạc. Đây cũng là nơi Loan dùng để đồ đạc và quản lý gần 10 đứa trẻ. Mỗi đêm những đứa con ruột của chị ta làm nhiệm vụ quản lý nhóm trẻ em đi bán kẹo cao su.

Vật vã quỳ lạy để bán được từng vỉ kẹo cao su nhưng bọn trẻ thụ hưởng chẳng được bao nhiêu so với số tiền lời kiếm được. Đôi khi bán không được nhóm trẻ còn bị bà Loan quát tháo, mắng mỏ.

 

 Một đứa trẻ đang quỳ lạy để khách thương hại mua hàng

Một đứa trẻ đang quỳ lạy để khách thương hại mua hàng 2

Một đứa trẻ đang quỳ lạy để khách thương hại mua hàng 5
Bà Loan ngồi thu tiền của bọn trẻ ở một địa điểm quen thuộc trên đường Nguyễn Đức Cảnh, Q.7, TP.HCM – Ảnh: Đức Tiến

 

Đức Tiến – Lương Ngọc