11/01/2025

Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga

Thanh Nga ra đi khi bà đang ở đỉnh cao của vinh quang, sự nghiệp, trong niềm tiếc thương của khán giả và đồng nghiệp. Hơn 30 năm trôi qua, những hồi ức và giai thoại đẹp về một bông hoa tài sắc vẹn toàn trên sân khấu vẫn chưa hề phai nhạt.

 

Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga

Thanh Nga ra đi khi bà đang ở đỉnh cao của vinh quang, sự nghiệp, trong niềm tiếc thương của khán giả và đồng nghiệp. Hơn 30 năm trôi qua, những hồi ức và giai thoại đẹp về một bông hoa tài sắc vẹn toàn trên sân khấu vẫn chưa hề phai nhạt.

 

Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga
NSƯT Thanh Nga – Ảnh: gia đình cung cấp

 

Sự ngưỡng mộ, yêu mến và lòng thành kính dành cho bà gần như đã hóa thành đời sống tâm linh, soạn giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM đã nói: “Thanh Nga đã lên bàn thờ tổ của sân khấu miền Nam”.

Huyền thoại sân khấu cải lương

Tuy ông Năm Nghĩa không phải cha ruột nhưng chính ông là người đào tạo Thanh Nga từ lúc còn thơ bé. NSƯT Bảo Quốc nói: “Trong nhà chắc tôi là đứa bị đánh nhiều nhất, chứ anh hai, chị ba ông già thương lắm, không thấy bị ông đánh bao giờ. Đào tạo anh hai Hữu Thình kế nghiệp không được, ông già dốc lòng truyền thụ chị ba Thanh Nga, dạy từng điệu bộ, cách đưa hơi, nhả chữ”. Quả thật, cái tên Thanh Nga đã trở thành một huyền thoại của sân khấu cải lương. Thanh Nga bước lên sân khấu từ lúc 8 tuổi qua vai diễn Nghi Xuân trong vở Phạm Công Cúc Hoa và sau hàng loạt vai đào con khác, bà được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt, đặt cho biệt hiệu thần đồng. Vai chính sơn nữ Phà Ca trong vở Người vợ không bao giờ cưới khi mới 16 tuổi đã đưa Thanh Nga bước thẳng đến chiếc HCV đầu tiên của giải Thanh Tâm 1958.

Khán giả cứ nhớ hoài lớp đối đáp giữa Quỳnh Nga và công chúa Bích Vân trong Bên cầu dệt lụa, Thanh Nga đã thể hiện đúng cốt cách của một nàng tiểu thư có học, vừa cao sang, tự tin nhưng cũng bình dị, khiêm tốn. Và cả cách nhả chữ tuyệt vời trongTiếng trống Mê Linh: “Xin chàng hiểu nỗi lòng của thiếp”. Chữ “thiếp” không nghe mà vẫn như nghe rõ, hoàn toàn bộc lộ hết nỗi đau đang giằng xé trái tim Trưng Trắc khi phải tế sống chồng trước khi ra lệnh tấn công. Và còn một câu “Hỡi đồng bào trăm họ” của Trưng Trắc khi cất lên khiến người ta rúng động tâm can. Nhiều nghệ sĩ đã tâm phục nghệ thuật nhả chữ của bà.

Ít ai biết Thanh Nga còn có khả năng sáng tác. Trong cảnh cuối tế sống Thi Sách, chính bà đã viết thêm vào một số chi tiết khiến vở diễn càng thêm đầy đặn. Và bài ca mà Trưng Trắc hát cùng Thi Sách trong buổi tiễn đưa cũng chính do bà tìm được giai điệu rồi tự đặt lời, đã vượt qua khuôn khổ một bài dân ca nước ngoài mà trở thành âm hưởng Việt Nam rất rõ, khán giả đặt tên là Mê Linh biệt khúc, mỗi lần cất lên cứ như có ngàn sợi tơ hồng quấn lấy trái tim người ta. “Trong giây phút chia tay, tim nguyện ghi lời thề – Khi xa nhau muôn dặm dài, như có nhau kề vai trong chinh chiến, dẫu muôn đắng cay chi sờn – Bầu trời nam u tối, quân thù gieo bạo tàn. Ta vui riêng đâu đành lòng, đem máu xương cùng muôn dân son sắt, nhớ nhau chớ quên câu thề. Đêm nay có xa nhau, cho ngày mai ta lại gần – Ôi trăng sao trên bầu trời, như sáng soi đường ra biên ải, có em dõi theo chân chàng. Kìa hồn thiêng sông núi, nghe lòng ta dạt dào. Ta chung lo ngăn giặc thù, mai mốt đây nhìn non sông tươi thắm. Ngày… về… vinh… quang”.

Hoặc bài hát mà tiểu thư Quỳnh Nga khi ngồi quay tơ đã ngân nga như tự tình với cuộc đời, cũng do Thanh Nga đặt lời cho một giai điệu mà bà tự sưu tầm rồi đưa vào vở diễn. Bài hát đã động viên biết bao khán giả vượt qua nghịch cảnh để sống được như Quỳnh Nga, tự lực, tự tin, kiên trì, nhẫn nại. Lời lẽ ca từ sao mà thấm thía, ngọt ngào, ẩn chứa một nghị lực phi thường. Xem văn biết người. Thì đây, người phụ nữ của Thanh  Nga tưởng xa xưa, yếu mềm, nhưng thật ra rất hiện đại, mạnh mẽ.

“Dòng tơ tươi thắm đau thân tằm se mình. Lòng vương tơ với tâm tư vì cuộc đời. Người ta khi sống yên cuộc đời như tằm, dầu cho nắng sương vẫn vẹn niềm vui. Từng dòng tơ mướt thắm, là tằm đang rút máu, để điểm tô cho đời vui. Hồn người khuê nữ đã quyết sống cho ân tình, lấy khó thương vui xây niềm tin. Người sinh ra phải đâu đợi chờ căn phần. Cần kiên tâm đấu tranh giựt giành mộng đời. Vì hạnh phúc phải do tay người dựng gầy. Đừng mơ ước không thể đợi trời cho”.

Thanh Nga cũng có lấn sân điện ảnh và tài nghệ, vẻ đẹp đài các và thanh tú của bà đã in đậm trong trí nhớ khán giả qua các phim Loan mắt nhung, Đôi mắt người xưa, Hai chuyến xe hoa, Xa lộ không đèn… Bà được vinh danh Diễn viên xuất sắc nhất tại Đại hội Điện ảnh Á châu tổ chức năm 1973 tại Đài Bắc, được cố Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi đón tiếp tại Đại hội Điện ảnh Ấn Độ năm 1969. Sau 1975, nhiều đạo diễn tài danh ở miền Bắc như Trần Phương, Hải Ninh đã lên kế hoạch mời Thanh Nga đóng phim nhưng không thành vì sự ra đi đột ngột của nữ nghệ sĩ tài hoa.

Tài hoa bạc mệnh

Thật sự đằng sau ánh hào quang của Thanh Nga là hình bóng hy sinh thầm lặng của người chồng, luật sư Phạm Duy Lân. Ông là Chánh văn phòng Đoàn luật sư Sài Gòn, là người phê duyệt cho đoàn Thanh Minh – Thanh Nga đi Pháp biểu diễn rồi quen nhau từ dịp ấy. Chức cao vọng trọng nhưng khi cưới Thanh Nga rồi, ông sẵn sàng lui về hậu phương, từ bỏ sự nghiệp của mình để làm đài trưởng cho đoàn với khoản lương khiêm tốn. Tình yêu của ông dành cho Thanh Nga có thể tìm thấy trong những cử chỉ nhỏ nhặt nhất. Ông luôn túc trực bên cạnh vợ trong từng suất diễn, bộ phim, để chờ che dù, đưa nước. Khi diễn xong quá mệt, Thanh Nga ngả người vào lòng ông như một đứa bé được vỗ về. Trong ấn tượng của những người trong gia đình, ông là người con rể, em rể rất tốt, lúc nào cũng ăn nói dịu dàng, lễ phép. Vai trò đài trưởng của ông khá quan trọng, chăm lo nhắc nhở kiểm tra từng li từng tí từ diễn viên tới đạo cụ, âm thanh, ánh sáng, điện đóm… sao cho buổi diễn được suôn sẻ. Ông kỹ tính, chặt chẽ, nên làm công việc đó quả là phù hợp, nhưng dù sao vẫn là một sự hy sinh để người vợ của mình được tỏa sáng. Và đôi vợ chồng ấy khi sống đã đồng tịch đồng sàng, đến chết vẫn đồng quan đồng quách. Rồi họ cùng nằm cạnh nhau ở Nghĩa trang Nghệ sĩ như chưa bao giờ xa nhau một giây phút nào.

Tiếc rằng, Thanh Nga mất đi khi đang độ chín của tuổi đời và tuổi nghề. 36 tuổi mặn mà nhất của người phụ nữ. Và 36 năm nay, khán giả vẫn nhớ mãi tên bà. Ngày bà mất, khán giả đến viếng nườm nượp, đông nghẹt các nẻo đường Sài Gòn. Nhiều người ở tỉnh đem cả bếp lò lên trụ sở Liên hiệp Các Hội văn học nghệ thuật TP.HCM (81 Trần Quốc Thảo) ăn ngủ ngoài lề đường chờ tới lượt vô thắp nhang. Mấy chục năm trôi qua, nhưng hễ cứ đến ngày giỗ Thanh Nga, nhiều khán giả vẫn đến viếng bà tại Nghĩa trang Nghệ sĩ ở Gò Vấp hoặc tại nhà của Hà Linh con trai bà. Bàn thờ của Thanh Nga hiện đang có 3 nơi cùng thờ, là nhà Hà Linh, nhà Bảo Quốc, nhà Hữu Châu. Nhưng khán giả vẫn “thờ” bà bằng những bộ album sưu tập hình ảnh rất đẹp, và bây giờ trên Facebook có hẳn những bạn trẻ lấy hình bà làm hình ảnh đại diện.

Một ngôi sao dường như chỉ xẹt qua cuộc đời này một chút thôi, để lại những tia sáng rất mong manh nhưng rực rỡ.

 

Thanh Nga (1942-1978) là một nghệ sĩ cải lương tài sắc được mệnh danh Nữ hoàng sân khấu của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Bà tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga, con gái bà bầu Thơ, trưởng đoàn hát Thanh Minh nổi tiếng một thời. Gia đình bà có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Năm Nghĩa, Bảo Quốc, Hữu Châu, Hữu Lộc và con trai Hà Linh nay là nghệ sĩ hài kịch.

 

Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga
NSƯT Thanh Nga và chồng

 

Thanh Nga cùng chồng là ông Phạm Duy Lân bị sát hại trước cửa nhà ở đường Ngô Tùng Châu, nay là đường Lê Thị Riêng, TP.HCM. 28 năm đứng trên sân khấu, bà đã tham gia hơn 200 vở cải lương cùng nhiều tác phẩm điện ảnh, trong đó có những vai diễn để lại dấu ấn sâu sắc không thể thay thế như Trưng Trắc (Tiếng trống Mê Linh), Quỳnh Nga (Bên cầu dệt lụa), Sơn nữ Phà Ca (Người vợ không bao giờ cưới), Giáng Hương (Sân khấu về khuya)… Giải thưởng tiêu biểu: giải Thanh Tâm triển vọng 1958, giải Thanh Tâm xuất sắc 1966 và danh hiệu NSƯT 1984.

 

Vũ Anh