Học làm cha mẹ
Hầu hết mọi người khi trở thành cha mẹ sẽ phấn khích với “thành quả” sau 9 tháng 10 ngày mong đợi cho đến khi con cái khôn lớn trưởng thành. Nhưng những áp lực của cuộc sống ngày nay có thể làm cha mẹ khó khăn và cô lập. Các lớp học làm cha mẹ cung cấp cơ hội để học hỏi và nâng cao kỹ năng nuôi dạy con cái, đồng thời là nơi gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm giữa các bậc phụ huynh.
Học làm cha mẹ
Các học viên trong một lớp học làm cha mẹ – Ảnh: P.V.
Hồi còn làm việc tại TP.HCM, tôi tham gia rất nhiều lớp chuyên đề “Tình yêu, hôn nhân và gia đình” do Nhà văn hóa Điện ảnh tổ chức. Khi đó tôi đã từng mong muốn được tham dự các lớp chuẩn bị làm cha, làm mẹ để hiểu biết thêm về cuộc sống gia đình nhưng lại chưa có những lớp học tương tự như vậy. 10 năm sau, tôi đã phần nào toại nguyện khi được tham dự các lớp hướng dẫn về kỹ năng làm bố mẹ (parenting class) tại Hoa Kỳ.
Tự tin làm cha
Hầu hết mọi người khi trở thành cha mẹ sẽ phấn khích với “thành quả” sau 9 tháng 10 ngày mong đợi cho đến khi con cái khôn lớn trưởng thành. Nhưng những áp lực của cuộc sống ngày nay có thể làm cha mẹ khó khăn và cô lập. Các lớp học làm cha mẹ cung cấp cơ hội để học hỏi và nâng cao kỹ năng nuôi dạy con cái, đồng thời là nơi gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm giữa các bậc phụ huynh. |
Tôi đã tham gia thực tế nhiều lớp về chủ đề: Làm thế nào để kiểm soát cơn giận của mình đối với con cái: các tình huống, hoàn cảnh dễ phát sinh nóng giận, mất kiểm soát hành vi, cách kiềm chế và đẩy lùi cơn giận, cách nói chuyện với con cái khi cơn giận đi qua; Doctor dad (Bố cũng là bác sĩ): dành riêng cho các ông bố nhằm hướng dẫn cách phòng ngừa tai nạn dễ xảy ra trong gia đình, cách sơ cứu các chấn thương nhẹ, những việc cần làm khi em bé bị bệnh, cách hỗ trợ bà mẹ cùng chăm sóc con cái, kiến thức và phong cách làm bố đối với từng tính cách của con cái…
Sau khi học xong chuyên đề bốn buổi, không những tôi mà các thành viên khác đều thấy tự tin hẳn khi làm bố, đồng thời cũng hiểu được vì sao tại Hoa Kỳ phụ nữ có thể trở lại làm việc sau khoảng một tuần sinh con, có thể đưa con ra ngoài đường sau 10 ngày tuổi và khi con cái chỉ vài tháng đã có nhiều phụ huynh cho con đi học bơi.
Đến tham gia lớp khác về “Chăm sóc trẻ từ lứa tuổi 0 – 12”, tôi lại có thêm những trải nghiệm thú vị. Có bà mẹ mang cả đứa con đỏ hỏn 3 tháng tuổi trong nôi đến học cùng, có cặp vợ chồng đang chuẩn bị đón thành viên mới, cũng có thêm bốn cô gái trẻ tuổi muốn học để có kiến thức cho công việc “baby sister” (trông trẻ theo giờ) của mình. Tất cả tạo nên một lớp học nhiều mục đích, nhiều ví dụ đa dạng sinh động. Sau bốn buổi học được chia ra bốn nhóm tuổi của trẻ: 0-3 tháng, 3-6 tháng, 6-9 tháng và 9-12 tháng, mọi người đã nắm được cách cho ăn uống, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc trẻ khi ốm, theo dõi phát triển tâm sinh lý của trẻ theo từng tuần, cách giao tiếp với trẻ theo từng mức độ tuổi. Để rồi sau thời gian một năm, bé có thể phát triển một cách hoàn thiện và bố mẹ yên tâm cho ra đời đứa tiếp theo.
Sự cần thiết tại VN
Ở một số quốc gia việc đăng ký kết hôn luôn kèm với giấy chứng nhận đã tham gia các lớp làm cha mẹ nên tôi đã từng nghĩ đến việc áp dụng tại VN trong tương lai. Phụ huynh sẽ học những gì ở một lớp học làm cha mẹ? Dĩ nhiên không phải là toàn bộ kiến thức làm cha mẹ mà sẽ được chia thành nhiều chủ đề để họ tự lựa chọn.
Các chủ đề của các khóa học “parenting class” bao gồm sự giao tiếp với trẻ sơ sinh, các mối quan hệ, học tập, phong cách nuôi dạy con cái và phát triển các kỹ năng giúp các bậc cha mẹ và con cái của họ nhận thức được nhiều hơn về nhau, cách cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình…
Một số khóa học được thiết kế cho các nhóm cụ thể hơn như là cha mẹ mới sinh con đầu lòng, bố mẹ cùng giới và từng hoàn cảnh của phụ huynh như bố – mẹ đơn thân. Thế nên làm thế nào để nâng cao nhận thức, bổ sung kiến thức làm cha mẹ cho các bạn trẻ ở VN trước khi kết hôn tương tự như giáo dục giới tính tiền hôn nhân là điều cực kỳ quan trọng. Từ đó sẽ không còn quan niệm “Trời sinh voi sinh cỏ” như ngày xưa mà con cái sẽ được sinh ra và trưởng thành do chính môi trường bố mẹ tạo nên.
PHAN QUỐC VINH (Lubbock, Texas, Hoa Kỳ)