12/01/2025

Không thể quay lưng với thân phận con người

Đã tròn 30 năm kể từ ngày bộ phim tài liệu “nổi đình nổi đám” về nhiều phương diện Chuyện tử tế ra đời, đạo diễn Trần Văn Thủy vẫn đau đáu đọc lại từng chữ những câu bình luận đầy chất dự báo: “Nếu không có lòng tin thì con người không thể sống với con người được. Mất lòng tin là mất tất cả”.

Không thể quay lưng với thân  phận con người

Đã tròn 30 năm kể từ ngày bộ phim tài liệu “nổi đình nổi đám” về nhiều phương diện Chuyện tử tế ra đời, đạo diễn Trần Văn Thủy vẫn đau đáu đọc lại từng chữ những câu bình luận đầy chất dự báo: “Nếu không có lòng tin thì con người không thể sống với con người được. Mất lòng tin là mất tất cả”.

Từ trái qua: TS Nguyễn Thụy Anh, đạo diễn Trần Văn Thủy, họa sĩ Đỗ Phấn và PV Tuổi Trẻ - Ảnh: V.Dũng 

Chỉ khác, trên gương mặt ông, nỗi đau hình như sâu hơn. Sau 30 năm, vấn đề ông đặt ra thời ấy đã trở thành vấn đề lớn, quan trọng được các cấp lãnh đạo cao nhất đặt ra trên bàn nghị sự, trên diễn đàn Quốc hội và cả quốc tế. Hai người còn lại bên bàn cà phê, họa sĩ – nhà văn Đỗ Phấn cùng tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Anh, cũng đồng lòng tham gia câu chuyện đầu năm quanh chủ đề này.

Phải sống tử tế

 

 

Ảnh: V.Dũng

 

“Dù hôm nay có vất vả, tôi vẫn luôn tin rằng cuộc sống rồi sẽ tốt hơn, mỗi người nên cố gắng bằng cách của mình, công việc của mình để mọi việc tốt đẹp hơn”

TS Nguyễn Thụy Anh

 

* Họa sĩ Đỗ Phấn: Niềm tin có vẻ suy thoái theo tuổi tác. Ba người chúng ta ở đây tình cờ ở đúng ba thế hệ, suy ra cô Thụy Anh có lẽ còn nhiều niềm tin nhất trong chúng ta.

* TS Nguyễn Thụy Anh: Vâng, tôi thấy trong tôi niềm tin vẫn còn đầy, chưa bao giờ phải nghĩ đến việc củng cố nó. Vấn đề là tin vào cái gì, biết đích xác mình muốn cái gì, mình sẽ thực hiện như thế nào?

Nếu mọi việc đều tốt đẹp cả thì chắc cũng không còn gì để nói nữa. Dù hôm nay có vất vả, tôi vẫn luôn tin rằng cuộc sống rồi sẽ tốt hơn, mỗi người nên cố gắng bằng cách của mình, công việc của mình để mọi việc tốt đẹp hơn.

Khi tôi ở Nga, chứng kiến giới trẻ bên ấy cũng mất niềm tin, sau đó bằng nhiều cách, họ tìm lại được niềm tin.

* Họa sĩ Đỗ Phấn: Đặt vấn đề về niềm tin không phải còn hay mất, nhiều hay ít, rộng rãi hay nhỏ bé, mỗi lứa tuổi đều có niềm tin của mình. Vấn đề của xã hội chúng ta là trước đây chúng ta có một niềm tin chung cho tất cả. Bản thân tôi đã lớn lên trong niềm tin ấy, sống cho niềm tin ấy, làm tất cả những nghĩa vụ của một thanh niên ở Hà Nội với bao nhiêu lý tưởng. Rồi cái màu xanh ngời ngời hi vọng ấy cứ phai dần.

Đến hôm nay, nhìn vào xã hội, ít khi có ba người chung một niềm tin, và nếu có chung thì nhiều khả năng đấy lại là tin vào những chuyện tiêu cực. Sáng tôi thường đi uống cà phê, chứng kiến nhiều chuyện rất đau đớn đang trở thành rất bình thường: như một ông chủ quán cà phê cóc bên đường phải đóng 200.000 đồng cho công an phường mỗi tháng. Đóng như thế, họ tin sẽ không bị làm phiền bởi các quy định về trật tự đường phố nữa.

Những việc xấu, việc ác từ nhỏ đến lớn đang diễn ra hằng ngày mà không còn làm ai ngạc nhiên nữa. Khi cái ác trở thành bình thường thì thật là đáng sợ. Những niềm tin tốt đẹp ngày xưa đã đi đâu rồi?…

* Đạo diễn Trần Văn Thủy: Tôi thấy như thế vẫn còn là lạc quan.

* Họa sĩ Đỗ Phấn: Đúng vậy, vì tôi vẫn còn là người đang làm việc, thậm chí làm nhiều việc.

* Đạo diễn Trần Văn Thủy: Đây là đề tài rất nóng của xã hội hiện nay. Đoạn luận về lòng tin trong bộ phim Chuyện tử tế cách nay 30 năm viết: “Mất lòng tin là mất tất cả”. Ấy thế mà ngày ấy tôi còn trẻ, tôi là đảng viên, cũng có cuộc sống sung túc. Lúc ấy xã hội tốt đẹp hơn bây giờ, đạo đức chưa suy thoái như bây giờ, đời sống tinh thần của tất cả mọi người cũng tốt hơn bây giờ. Dù về vật chất là vô cùng khó khăn, ai ai cũng vẫn tin ngày mai sẽ là một ngày đẹp.

Cần phải nhận diện xã hội chúng ta đang sống một cách thật trung thực, rồi từ đó sẽ đặt ra giải pháp.

Người VN có ưu điểm là quá gắn bó, quá tha thiết với dân tộc, với quê cha đất tổ, và chính điều ấy khiến người ta phải đau khổ.

Tôi nôn nóng nhìn đất nước mỗi ngày, dù về mặt cá nhân thì tôi không có gì để than phiền, đòi hỏi. Niềm tin ngày xưa khiến tôi sốt ruột như vậy, vì vẫn tin rằng phải có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc cho những người VN đã phải chịu quá nhiều đau khổ, mất mát.

Ngồi với mọi người hôm nay, tôi thấy mình như trẻ lại. Tôi đã như tờ giấy than rồi, Đỗ Phấn còn nhờ nhờ, Thụy Anh còn như tờ giấy trắng. Hãy giữ lấy niềm tin trong sáng của cháu nhé.

* TS Nguyễn Thụy Anh: Chú Thủy có ưu thế về trải nghiệm, chúng cháu có ưu thế về thông tin, vì thế cháu biết nên đặt lòng tin ở đâu để tránh những đổ vỡ nguy hiểm cho cá nhân và với cả xã hội.

* Đạo diễn Trần Văn Thủy: Đúng vậy. Lòng tin không thể nhồi nhét một cách chủ quan, không thể xây dựng trên những nền tảng giả dối. Trước đây, cả nước có chung một niềm tin, chung một người để tin, ấy là vì lý tưởng cao đẹp, sự liêm khiết, trong sạch của các lãnh đạo khiến người ta ngưỡng mộ, người ta phải tin.

Và hôm nay tôi tin rằng người ta sẽ buộc phải sống tử tế nếu còn niềm tin ngày ấy. Mỗi chúng ta đều không là gì so với sự trường tồn của dân tộc này. Đi qua chiến tranh, hai tay tôi đã từng chôn nhiều người rồi. Với bao nhiêu xương máu của những người ngã xuống, không lý do gì mà xã hội không tốt đẹp lên.

Để giữ lại niềm tin rất đẹp ấy, lãnh đạo bây giờ phải thay đổi cách sống, cách làm việc, phải thật sự vì lợi ích của dân, phải thiết tha với cuộc sống tốt đẹp của người dân. Nếu không, chúng ta không thể có một xã hội tốt đẹp, ông cha đã từng nhắc: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”.

* TS Nguyễn Thụy Anh: Vâng, nếu niềm tin được xây dựng từ trên xuống dưới, được giữ vững từ dưới lên trên thì thật là một cuộc sống tốt đẹp.

Thời gian gần đây, tôi có làm một khảo sát về ước mơ với đối tượng trẻ em. Phần lớn các em nêu những mơ ước thiên về vật chất, địa vị, tài sản (như mơ được làm giám đốc, mơ có ôtô…). Những hoài bão đẹp mà tuổi trẻ cần phải có gần như không còn. Tôi cho đấy cũng là một khía cạnh thể hiện cấp độ và màu của niềm tin trong xã hội.

Chọn niềm tin – chọn con người

 

 

Ảnh: V.Dũng

 

“Gia đình tôi bốn, năm đời dạy học, đến tôi thì đành hết. Truyền thống giáo dục trong gia đình tôi đành “tị nạn” sang lĩnh vực khác, hình thái khác”

Họa sĩ Đỗ Phấn

 

* Đạo diễn Trần Văn Thủy: Tôi làm văn nghệ, và ngay từ khi mới vào nghề trong khói lửa chiến tranh, linh tính đã mách bảo tôi hướng về thân phận con người, bất công với con người. Và tôi rất hãnh diện về điều ấy.

Cuộc đời nhiều thăng trầm, cam go dạy cho tôi hiểu: niềm tin không thể quay lưng với thân phận con người.

Vì thế tôi thấy lĩnh vực cần được đổi mới và củng cố nhất ở VN là giáo dục; thứ hai là y tế; ba là văn hóa, đạo đức. Con người phải được đào tạo để làm chủ, không phải là làm đinh ốc như hiện nay chúng ta đang làm.

* Họa sĩ Đỗ Phấn: Đấy không phải nền giáo dục mà phải gọi là nền bảo ban. Nâng cao dân trí một cách đúng nghĩa là điều cần làm đầu tiên. Cả trăm năm trước Phan Chu Trinh đã kêu gọi cả nước khai trí, và đó cũng là con đường mà hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều đã chọn.

* TS Nguyễn Thụy Anh: Trong phương pháp giáo dục mới, chúng tôi dạy trẻ em về lòng tự trọng, trách nhiệm cá nhân, tự hào về những điều tốt, giá trị của bản thân để không bị tiêm nhiễm rất nhanh những thói quen, những điều xấu ngoài xã hội. Chúng tôi chú ý vào cảm nhận, cảm xúc của từng cá nhân, chứ không phải là những giá trị ảo (như điểm số trong trường học). Niềm tin cần được xây dựng trước nhất là tin vào bản thân mình, và để có bản lĩnh ấy, các em cần được trang bị ở rất nhiều mặt.

* Đạo diễn Trần Văn Thủy: Quay về lịch sử của đầu thế kỷ 20 mới thấy dân trí là tối thượng. Những vô vọng, những lỗi lầm của ngày hôm nay đã khởi nguồn từ đó, khi mà người VN đã không nhận thức được tầm quan trọng tối thượng của việc khai trí. Chúng ta phải chịu trách nhiệm đầu tiên, và phải sửa chữa điều đó.

Xin hãy thôi những lời tự ca ngợi. Chúng ta hãy soi xét những điều chưa được, nhược điểm của mình để sửa chữa. Chính quyền cần phải soi lại mình mà tìm ra con đường đi.

Mỗi người dân hãy thể hiện lòng yêu nước qua việc làm của mình, cuộc đời của mình. Cuộc đời nhất định phải tốt đẹp. Dân giàu, nước mạnh phải có thời gian, dân chủ cần có điều kiện pháp chế, dân trí, nhưng văn minh thì có thể đến ngay ngày mai thôi. Ấy là khi mỗi người được nói ra điều mình nghĩ, chứ không phải nói điều người khác nghĩ.

* TS Nguyễn Thụy Anh: Tôi cho rằng từ cấp tiểu học, trẻ em cần được học về khái niệm “trách nhiệm công dân” để hiểu rõ trách nhiệm của mình với gia đình, với xã hội. Trong gia đình cũng như xã hội, nếu yêu thương mái ấm của mình thật sự phải tìm cho ra những cái hạn chế, cái chưa hoàn thiện của mình để từ đó tìm được giải pháp tốt nhất để đất nước được tốt hơn.

* Họa sĩ Đỗ Phấn: Lịch sử đã để lại cho chúng ta quá nhiều bài học vô giá, có thành công, có sai lầm. Những bài học ấy cần được tận dụng.

* Đạo diễn Trần Văn Thủy: Tôi làm phim tư liệu, hơn ai hết tôi hiểu lịch sử là vô giá. Nhưng chỉ là vô giá khi nào xã hội này tử tế lên, cuộc sống của người dân này thật sự hạnh phúc.

Con người phải là mục đích của phát triển xã hội, mục đích của niềm tin. Nếu con người bị biến thành công cụ, bị sử dụng như công cụ thì sẽ không bao giờ có lòng tin.

Cần phải giữ lòng tin vào những giá trị của con người, của nhân loại, như là tin cái tốt sẽ thắng xấu, thiện phải thắng ác. Nếu không tin vào những điều này nữa thì xã hội sẽ đi về đâu, chúng ta sẽ lấy gì để sống trong đời?

Riêng tôi, tôi tin rằng sự công bằng sẽ đến. Tôi tin vào sự phán xét của lịch sử. Cái ác, cái xấu không thể ngự trị được.

Tôi đôi khi nóng tính, đôi khi nặng lời, cũng vì quá sốt ruột khi nhìn về tương lai của đất nước, từng ngày, từng giờ một. Càng đi ra ngoài nhiều, càng tiếp xúc, càng biết nhiều thì càng sốt ruột. Từ bao năm nay, tất cả thời gian, sức lực của tôi đều dành để xây dựng quê hương của chính mình.

Cốt lõi là giáo dục

 

 

Ảnh: V.Dũng

 

“Bi kịch của nền giáo dục là khi cha mẹ không tự tin vào việc dạy con sự trung thực, sự tử tế nữa, và nếu dạy thì trẻ con không tin nữa. Để con người có lòng tin, phải tập trung vào ba lĩnh vực: giáo dục, luật pháp, văn hóa”

Đạo diễn Trần Văn Thủy

 

* TS Nguyễn Thụy Anh: Tôi luôn nhìn mọi việc qua lăng kính giáo dục cho con trẻ. Hiện giờ nhiều người cũng không tin cả vào giáo dục nên đã xuất hiện một từ mới, hiện tượng mới: “tị nạn giáo dục”. Thật là đau cho các nhà giáo dục trước câu chuyện này, nhưng các phụ huynh đang chắt bóp cho con em “tị nạn giáo dục” cũng có lý của họ khi mà họ không tin nền giáo dục này, môi trường xã hội này có thể đào tạo con mình trưởng thành và cho con một tương lai tốt đẹp.

* Đạo diễn Trần Văn Thủy: Tôi rất ấn tượng với thuật ngữ “tị nạn giáo dục”: rất hay, rất đúng và rất đau.

* TS Nguyễn Thụy Anh: Một môi trường giáo dục tốt đẹp là điều ai cũng hướng tới, nhưng chúng ta vẫn phải sống trong những gì chúng ta đang có. Giáo dục VN có rất nhiều vấn đề, và chúng ta phải làm thế nào để cải thiện được tình hình, cố gắng để đạt đến kết quả cao nhất. Cả việc “tị nạn giáo dục” cũng có vấn đề, ở các xã hội tiên tiến mọi người cũng chưa hài lòng với xã hội và giáo dục.

* Họa sĩ Đỗ Phấn: Tôi đã từng giảng dạy mười năm ở Đại học Xây dựng, nhưng rồi không thể chịu nổi những nỗi nhục nhã khi thấy những tiêu cực xung quanh: con ông cháu cha học hệ B, đến kỳ thi thì mang phong bì đến nhà thầy xin điểm… Tôi rời giảng đường. Đấy cũng là những năm cuối thập niên 1980, khi các nền tảng xã hội chưa bị những lỗ thủng, mảng vỡ lớn đến mức như bây giờ. Gia đình tôi bốn, năm đời dạy học, đến tôi thì đành hết. Truyền thống giáo dục trong gia đình tôi đành “tị nạn” sang lĩnh vực khác, hình thái khác.

* Đạo diễn Trần Văn Thủy: Dù mỗi chúng ta có nỗ lực đến tột đỉnh nhưng nếu xã hội này không vì con người thì cũng không được gì.

Bi kịch của nền giáo dục là khi cha mẹ không tự tin vào việc dạy con sự trung thực, sự tử tế nữa, và nếu dạy thì trẻ con không tin nữa. Để con người có lòng tin, phải tập trung vào ba lĩnh vực: giáo dục, luật pháp, văn hóa.

Đây phải là nỗ lực của cả hệ thống. Không được để con người bị đẩy vào ngõ cụt, bị cô đơn ở mọi nơi, cả nước mình cũng như nước người.

* TS Nguyễn Thụy Anh: Cô đơn ngay trên nước mình kinh khủng hơn nhiều lần cô đơn trên nước người. Chính tôi và con tôi đã trải qua một thời gian stress rất dài sau khi quyết định về VN sau một thời gian sống và học ở Nga. Rồi mình lại phải tự điều chỉnh mình để có thể sống được.

* Đạo diễn Trần Văn Thủy: Tôi đã thấy ở cái tứ “cô đơn ở nước mình” này một kịch bản phim nữa. Bao năm nay giáo dục của chúng ta đào tạo người biết vâng lời, không vì những giá trị cao cả, bao nhiêu người tốt, người tài không được trọng dụng, họ bơ vơ và cô đơn.

Những nghịch lý ấy cần được chấm dứt.

* TS Nguyễn Thụy Anh: Làm giáo dục, chúng tôi không dạy trẻ em theo kiểu dắt tay, áp đặt bắt trẻ phải tin vào điều này, điều kia, kể cả dạy về cái thiện – ác tôi cho là cũng không cần thiết. Chúng tôi để cho trẻ tự trải nghiệm, tự rút ra kinh nghiệm, tự tìm thấy cái tốt, cái tử tế, tìm thấy và biết lòng tin của mình nên đặt ở đâu. Như thế các em sẽ vững vàng hơn, không dễ bị sụp đổ.

Nhưng chúng tôi chỉ là cá nhân. Tính trên bề rộng xã hội, kể cả giáo dục gia đình cũng đang bị coi nhẹ.

* Họa sĩ Đỗ Phấn: Đúng. Cả nền tảng gia đình cũng đang bị phá vỡ, tan rã. Ví dụ như ngay cả tôi cũng thấy khó mà nói với con là nên làm cái này hay hơn, ứng xử như thế kia hay hơn… Nền tảng gia đình vỡ từ những chuyện li ti trở đi, và khi gia đình như thế thì nền tảng xã hội sẽ bị phân tán. Cần phải có một ý thức lớn để sửa chữa từ những chuyện nhỏ.

* TS Nguyễn Thụy Anh: CLB đọc sách của chúng tôi chủ yếu là để tiếp cận với cha mẹ, để các bậc cha mẹ ý thức việc dành thời gian cho con. Chúng tôi hướng dẫn cho họ có 30 phút cùng con mỗi ngày thật là chất lượng. Chúng tôi đã có rất nhiều người tham gia.

Trong cuộc nói chuyện này, kể cả có lúc cay đắng như chú Thủy, tôi thấy vẫn còn rất nhiều lòng tin. Bất kỳ xã hội nào cũng sẽ có thời khủng hoảng như thế. Thời 1992, lúc tôi vừa sang Nga cũng chứng kiến tình trạng ấy, người ta không còn tin nhau nữa. Phải một thời gian rất lâu sau tính cách Nga mới được hồi phục…

 

PHẠM VŨ