15/01/2025

Tết tha phương

Có những công nhân gần 10 năm chưa về quê ăn tết. Và năm nào cũng vậy, cứ đến thời khắc giao thừa, họ lại thổn thức nỗi nhớ nhà như mới lần đầu tha phương.

 

Tết tha phương

Có những công nhân gần 10 năm chưa về quê ăn tết. Và năm nào cũng vậy, cứ đến thời khắc giao thừa, họ lại thổn thức nỗi nhớ nhà như mới lần đầu tha phương.

 Đây là năm thứ 7, đôi vợ chồng Bùi Thị Kiêu - Vũ Văn Vinh ăn tết xa quê - Ảnh: Như Lịch
Đây là năm thứ 7, đôi vợ chồng Bùi Thị Kiêu – Vũ Văn Vinh ăn tết xa quê – Ảnh: Như Lịch

Đêm giao thừa, khóc thầm…

Đây là năm thứ 9, chị Đậu Thị Châu, quê Hà Tĩnh, công nhân may mặc tại KCX Linh Trung 1, TP.HCM không về quê ăn tết. Với thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/tháng, chị luôn phải chi tiêu dè sẻn để có tiền phụ giúp mẹ. “Vừa rồi, có người ra quê sớm, mình gom được vài triệu đồng gửi cho mẹ sắm tết”, chị Châu khoe.

Nhắc đến đêm giao thừa, chị Châu rớm lệ: “Dù đã trải qua bao nhiêu cái tết xa nhà, nhưng lần nào cũng vậy, cứ tới giao thừa là tôi nằm trong phòng trọ khóc vì nhớ mẹ, nhớ quê”. Nặng gánh gia đình, suốt ngày chỉ lo mưu sinh, tuổi xuân vùn vụt trôi đi mà chị vẫn còn phòng không chiếc bóng.

Trong khi đó, vợ chồng anh Phạm Văn Trung – Nguyễn Thị Phúc (cùng quê Thanh Hóa, ở trọ tại P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM) đã trải qua 4 cái tết xa quê với nhiều nỗi niềm. Tốt nghiệp đại học sư phạm, ra trường tìm việc không được, cuối cùng chị Phúc đành xin vào làm công nhân may. Còn anh Trung là bộ đội xuất ngũ, hiện làm tổ trưởng tổ bảo vệ cho một công ty xây dựng. Đứa con gái đầu lòng của anh chị không may bị bệnh tim bẩm sinh. Thế nên, bao nhiêu tiền tích cóp và vay mượn đều đã đổ hết vào cuộc đại phẫu cho bé.

Anh Trung than ngày tết đã cận kề, song hai tháng nay công ty vẫn chưa phát lương. Mọi chi phí (kể cả tiền phòng trọ 1,1 triệu đồng/tháng, tiền sữa cho con…) đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi của vợ và sự “viện trợ” từ bạn bè. Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, chị Phúc ngừng lại vài lần để liên lạc với một tài xế đang trên đường từ Thanh Hóa vào. Chị phân trần: “Ba mẹ mình ngoài quê gửi theo xe cho cháu ít quà. Nói thật, tụi mình chẳng có gì để biếu lại ông bà”.

Nhớ lại những cái tết trước đó, chị Phúc nghẹn giọng: “Đêm giao thừa nào bố nó cũng phải đi trực, còn hai mẹ con lủi thủi trong phòng trọ. Tủi thân lắm nhưng chẳng biết làm sao”.

Đường về không xa

Căn phòng trọ đầu tiên trong khu lưu trú số 9, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức được đôi vợ chồng cùng quê Thanh Hóa thuê mấy năm nay. Đó là anh chị Vũ Văn Vinh (công nhân ngành thép, KCN Sóng Thần, tỉnh Bình Dương) và Bùi Thị Kiêu (công nhân giày da, KCX Linh Trung 1). Chị Kiêu sinh con mới được hơn 3 tháng nên vẫn chưa đi làm. Còn con trai đầu của anh chị gần 4 tuổi, đã đi nhà trẻ.

Anh Vinh cho biết đây là năm thứ 7 vợ chồng anh chưa có điều kiện về quê ăn tết. Đang là trụ cột gia đình, nhưng thu nhập của anh chỉ khoảng 2,5 – 3 triệu đồng/tháng. Trái ngược với nỗi lo toan chi tiêu như nhiều người khác, anh Vinh tỏ ra lạc quan: “Thì mình phải tiết kiệm thôi. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm mà. Chẳng hạn, dịp tết nhất nhà người ta mua thịt nạc thăn, còn nhà mình cũng có thịt, là thịt ba chỉ”. Theo anh Vinh, vợ chồng anh đã quyết định sẽ trở về quê sống hẳn sau vài năm nữa, khi con cái cứng cáp một chút.

Tương tự, vợ chồng anh Phạm Văn Trung cũng ấp ủ dự định không lâu nữa sẽ trở về Thanh Hóa. Anh Trung nhìn nhận: “Việc làm ở quê bây giờ cũng đã có nhiều, nhất là những công ty giày da, may mặc đã mở ngoài đó. Vì vậy, tụi mình nhất định sẽ quay về”. Anh Trung tính toán, đến lúc ấy, anh sẽ tận dụng vườn tược của gia đình để chăn nuôi thêm con lợn con gà.

 

Chăm lo tết cho công nhân xa quê

Theo ông Nguyễn Thành Tâm, chủ khu lưu trú công nhân số 26, P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM, năm nay một số công nhân không có việc làm nên đã trả phòng, về quê sớm. Ông Tâm cho biết khu này có 100 phòng trọ, với 254 công nhân (không kể trẻ em), trong đó có hơn 50% số phòng đăng ký ở lại ăn tết xa quê.

Trước tình hình khó khăn chung, nhiều chủ trọ đã và đang lên kế hoạch chia sẻ với công nhân. Theo đó, vào ngày 19.1, tại khu lưu trú số 26, chủ nhà trọ sẽ họp mặt tất niên và hỗ trợ 100 phần quà cho công nhân. Mỗi suất quà trị giá 300.000 đồng, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. 

Bà Huỳnh Thị Thành, chủ khu lưu trú số 9 (đường 3, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) cho hay ngày 15.1, gia đình bà tặng quà cho tất cả các phòng trọ, mỗi suất trị giá khoảng 100.000 đồng. Ngoài ra, như thường lệ, trong đêm đón giao thừa, gia đình tổ chức họp mặt để công nhân giao lưu và hát karaoke với nhau.

Từ ngày 19 – 26.1, Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM tổ chức 12 chương trình văn nghệ và tặng quà “Vui Tết Giáp Ngọ 2014 cùng thanh niên công nhân xa quê” tại những khu lưu trú văn hóa. Bên cạnh đó, trung tâm phối hợp với một số đơn vị bán hàng ưu đãi, tặng vé tham quan các điểm du lịch, cắt tóc miễn phí, tổ chức City tour vui xuân mới, Ngày hội Bánh chưng xanh…

Như Lịch

 

Như Lịch