26/11/2024

Biến tướng quà tết ở Trung Quốc

Những ngày đầu năm 2014, do chính quyền Bắc Kinh (Trung Quốc) cấm dùng công quỹ tặng quà tết cho giới quan chức nhà nước, một số đơn vị và cá nhân đã lách quy định bằng chiêu dùng phiếu quà tặng điện tử.

Biến tướng quà tết ở Trung Quốc

Những ngày đầu năm 2014, do chính quyền Bắc Kinh (Trung Quốc) cấm dùng công quỹ tặng quà tết cho giới quan chức nhà nước, một số đơn vị và cá nhân đã lách quy định bằng chiêu dùng phiếu quà tặng điện tử.

Mỹ cũng tham gia mùa Tết Nguyên đán ở châu Á với việc phát hành đồng 1 USD may mắn có chuỗi bốn số 8 trong bao lì xì đỏ nhắm vào thị trường Trung Quốc - Ảnh: Reuters 

Theo Tân Hoa xã, với hình thức phiếu quà tặng điện tử này, người tặng cũng như người nhận quà không cần gặp mặt nhau nhưng quà vẫn được trao tay và còn có thể tránh tai mắt người dân và cơ quan kỷ luật đảng. Trong những ngày này, các cửa hàng bán quà tặng ở những trung tâm thương mại trên khắp Trung Quốc hầu như vắng bóng khách hàng.

Sét đánh cũng không thay đổi được lệ

Anh Diêu Viễn – người thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông – kể năm nay không còn phải đến cửa hàng quà tặng để mua rượu và trà Long Tĩnh với giá từ 2.000-6.000 nhân dân tệ (330-990 USD) làm quà tặng. Lãnh đạo nơi anh làm việc đã chỉ đạo nhân viên tài vụ chuyển sang hình thức mua “phiếu quà tặng” để tặng cấp trên.

Trước đó một năm, khi mới về nhận nhiệm sở, Diêu Viễn tò mò hỏi vì sao phải tặng quà cho nhiều vị cấp trên thì trưởng phòng của anh tỏ ra lọc lõi ở chốn quan trường: “Mỗi năm đều như thế, Tết Trung thu và Tết Nguyên đán đều phải tặng quà. Sét đánh cũng không thể đổi lệ mà! Các địa phương khác đều làm thế, ta không làm có yên thân không. Huyện thì tặng thành phố, thành phố thì tặng tỉnh!”.

Thực tế các cửa hàng bán quà tặng cao cấp tại Bắc Kinh, Trùng Khánh và Hồ Nam cho biết trong hơn hai tuần qua họ hầu như không bán được hàng trực tiếp. Nhưng hàng hóa của họ đăng lên một số trang web mua bán lại “cháy” hàng. Các trang web này làm việc hầu như không nghỉ do lượng giao dịch bằng “phiếu quà tặng” tăng vọt. Trang web bán hàng quà tặng qua mạng ở đông Bắc Kinh có ngày giao dịch lên đến gần 1.000 lượt. Khoảng 1,9 triệu phiếu quà tặng đã được bán sạch trong một tuần đầu của năm 2014.

Trần Hoa, nhân viên kinh doanh của một trang web bán quà tặng ở Bắc Kinh, cho biết người tặng quà trước hết xác định giá trị muốn tặng rồi trả tiền cho cửa hàng và để lại địa chỉ của người được tặng. Sau đó, nhân viên của trang web này sẽ gửi cho người được tặng quà một phiếu quà tặng có mã số riêng và họ chỉ cần đăng nhập vào trang web, chọn quà tặng tương ứng giá trị tiền trên phiếu và quà sẽ chuyển đến tận nhà.

“Mức kỷ luật dùng tiền công tặng quà trong dịp tết ngày càng cao nên phiếu quà tặng là một hình thức khá an toàn vì trên phiếu không ghi tên người tặng lẫn người được tặng. Quà tặng năm nay có giá trị từ vài trăm nhân dân tệ đến vài chục ngàn nhân dân tệ. Ai mà kiểm soát nổi kiểu tặng quà này chứ! Gần đây có rất nhiều cơ quan nhà nước được tặng phiếu quà tặng lên đến cả triệu nhân dân tệ” – Tân Hoa xã dẫn lời anh Trần.

Cấm không xuể

Theo Tân Hoa xã, truyền thống tặng quà của người Trung Quốc trong ngày lễ tết nay đã biến tướng thành việc tặng quà cho quan chức nhà nước và tệ quà cáp này được xem là một thách thức lớn cho công cuộc chống tham nhũng ở Trung Quốc.

Theo các chuyên gia nghiên cứu chống tham nhũng, dù đã ban hành lệnh cấm nhận quà tết nhưng cơ quan kỷ luật đảng rất khó bắt tận tay day tận mặt những quan chức nhận quà và cũng rất khó xác định liệu quà biếu dịp lễ tết có phải là tiền hối lộ hay không, bởi thông thường những người biếu quà không đặt mục tiêu thu hồi vốn ngay lập tức mà coi đó là những khoản đầu tư dài hạn. Đồng thời không khí lễ tết đã tạo cho các quan chức vỏ bọc hợp lý để chìa tay ra nhận quà bằng bất kỳ hình thức nào.

Giáo sư chính trị học ĐH chính trị Tây Nam Trung Quốc Vương An Bạch nhận định nếu còn chưa minh bạch trong thu chi, chưa có chế độ hạch toán tài chính rõ ràng trong các cơ quan nhà nước thì việc “quà cáp” này sẽ không dẹp được.

Dư luận Trung Quốc vẫn chưa hết phẫn nộ với chuyện hàng loạt quan chức ăn hối lộ để có lối sống xa hoa bằng sử dụng hàng đắt tiền. Nhật Báo Phương Nam từng tố cáo vụ Dương Đạt Tài, giám đốc Sở An toàn lao động tỉnh Thiểm Tây, ăn hối lộ và bị cách chức sau khi người dân phát hiện ông này sở hữu bộ sưu tập các loại đồng hồ siêu sang được cho là có giá đến vài chục ngàn USD.

Lần đó, Nhật Báo Trung Quốc bình luận: “Với lương chỉ khoảng 5.000 nhân dân tệ (790,6 USD)/tháng thì công chức nhà nước không thể có đủ tiền mua những loại hàng xa xỉ đắt tiền đến thế. Do đó những công bộc của dân đang sở hữu hàng hiệu sang trọng thì phải lý giải cho ra lẽ mớ tài sản mà họ đang sở hữu này là từ đâu”.

 

 

Hiệu quả đến đâu không ai biết được

Lệnh cấm dùng công quỹ mua quà cáp đã có từ năm 2012 và mới được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại ngày 1-11-2013. Song hiệu quả đến đâu thì không ai biết được. Một bạn đọc tên Nghi Vũ từ Hà Bắc cho rằng người dân trông chờ chủ trương cấm dùng công quỹ mua quà cáp này từ rất lâu, song liệu có tác dụng đến đâu thì còn phải chờ.

 

 

MỸ LOAN