26/11/2024

Khi thần công lý tháo băng che mắt

Mặc dầu chiếc cân công lý tự thân nó đã chính xác khi cân đong đo đếm các tình tiết tội phạm, nhưng tương truyền thần công lý còn bịt mắt bằng dải băng đen để khi cầm chiếc cân phán xét sẽ được hoàn toàn vô tư.

 

Khi thần công lý tháo băng che mắt

Mặc dầu chiếc cân công lý tự thân nó đã chính xác khi cân đong đo đếm các tình tiết tội phạm, nhưng tương truyền thần công lý còn bịt mắt bằng dải băng đen để khi cầm chiếc cân phán xét sẽ được hoàn toàn vô tư.

Trong vụ Viện KSND TP Biên Hòa phê chuẩn quyết định khởi tố và bắt tạm giam hai người chạy xe ba gác “hôi bia”, công lý đã được áp dụng triệt để. Hai người chạy xe ba gác nói trên bị tạm giam vì đã “hôi” gần 11 thùng bia, trị giá trên 3 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đã triệu tập hơn 20 đối tượng tình nghi, bước đầu có 10 người đã thừa nhận có “hôi bia”.

“Tất cả công dân đều bình đẳng trước pháp luật” là câu mà thượng tá Trần Tiến Đạt, chánh văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai, trả lời báo chí khi được hỏi liệu việc khởi tố, bắt giam những người “hôi bia” có nặng không? Câu nói này đưa trong bối cảnh của vụ “hôi bia” là chính đáng, phù hợp, cũng như lẽ ra phải là “kim chỉ nam” của những người thi hành pháp luật, tiếc thay trong nhiều vụ việc ta không thấy được như vậy.

Đó là việc các ông Nguyễn Tuấn Cảnh, nguyên phó giám đốc Sở Tư pháp; Trương Văn Phẩm, nguyên phó giám đốc Sở Tài chính và Trần Minh Luân, nguyên giám đốc Quỹ phát triển đất tỉnh Bình Phước vừa mới được đình chỉ điều tra, đình chỉ bị can, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự dù phạm tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, làm thất thu ngân sách 3 tỉ đồng!

Đó là việc ông Mai Nam Dương, nguyên phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự dù phạm tội rất nghiêm trọng: lái xe trong lúc uống rượu (nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép) làm chết một người, bị thương nặng ba người.

Đó là phiên tòa ở An Giang tháng 11 năm ngoái xét xử vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai với 23 bị cáo hầu hết là quan chức địa phương. Án lớn, xôn xao dư luận nhưng xử lý thì: năm bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự, ba được cải tạo không giam giữ, sáu được hưởng án treo (trong đó có hai phó chủ tịch UBND TP Long Xuyên)…

Những “bản án” kiểu này nhiều đến nỗi có báo đã viết “Cứ quan chức là… treo”! Còn TAND tối cao đã thống kê tỉ lệ bị cáo phạm tội liên quan tham nhũng được hưởng án treo từ năm 2011 đến nay trung bình mỗi năm chiếm đến 30% (trong khi tỉ lệ này ở các loại án khác chỉ khoảng 20%). Đến nỗi TAND tối cao phải ban hành nghị quyết 01/2013 (có hiệu lực từ ngày 15-12-2013), nêu “không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án, đặc biệt là các tội phạm về chức vụ…”.

Nếu làm phép so sánh, tội của hai người lái xe ba gác là loại tội ít nghiêm trọng, còn các loại tội phạm về tham nhũng… thường thuộc trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nghĩa là phải xử nặng hơn. Xử lý nghiêm khắc, chính xác với người phạm tội nhẹ nhưng lại nương nhẹ với những người phạm tội nặng thì khác nào thần công lý đã tháo băng che mắt và làm cho cán cân thiên lệch mất rồi. “Cân” như thế chẳng khác nào chỉ cầm cân cho có. Mà khi cân công lý không chuẩn mực thì niềm tin rất dễ bị xói mòn!

THỦY CÚC