16/01/2025

Vợ chồng già

Những đôi vợ chồng già, khi đã bước qua ngưỡng cửa tuổi 50 trở đi, bỗng nhiên có thì giờ nhìn nhau “qua kính hiển vi”, tính tốt thì chả đoái hoài, bao nhiêu tính xấu của nhau vốn trước đây đã xấu thì nay lại càng thấy xấu tệ.

 

Vợ chồng già

Những đôi vợ chồng già, khi đã bước qua ngưỡng cửa tuổi 50 trở đi, bỗng nhiên có thì giờ nhìn nhau “qua kính hiển vi”, tính tốt thì chả đoái hoài, bao nhiêu tính xấu của nhau vốn trước đây đã xấu thì nay lại càng thấy xấu tệ.

 

Vợ chồng già
Minh họa: DAD

 

Bạo lực tinh thần

Thỉnh thoảng tôi hay đến chơi nhà người bạn ở phố cổ. Mỗi lần vào nhà bạn phải đi qua một cái ngõ hẹp. Lần nào từ nhà bạn về qua cái ngõ ấy, tôi cũng thấy hai cụ già đang cặm cụi cơm cơm, nước nước. Và lần nào cũng thấy hai cụ đang cằn nhằn nhau. Lần thì cụ ông cau có: “Bà cho ít muối vào canh thôi, bữa nào canh cũng mặn chát! Bà ăn được mặn thì nấu riêng ra mà ăn một mình!”. Hôm thì cụ bà vặc cụ ông: “Ông rửa nồi bẩn thế này thì nước luộc rau váng mỡ lên à? Chẳng giúp được việc gì, suốt ngày ôm cái điếu, người ngợm, nhà cửa hôi rình lên!”. Những tiếng làu bàu ném qua ném lại suốt từ lúc tôi bước chân từ cửa nhà bạn ra đến tận ngoài đường vẫn chưa thấy dứt.

Bạn tôi bảo, thỉnh thoảng cậu mới đến còn thấy thế, chứ ngày nào hai cụ chẳng “khẩu chiến” với nhau dăm trận. Cụ ông “mắng” cụ bà nói nhiều, nói ra rả cả ngày, nói không biết chán, nói dai, nói dài thành ra nói dại! Cụ bà “chê” cụ ông lười tắm, bừa bộn, thuốc lào rít sòng sọc suốt ngày…

Lại nhớ ở một xã ngoại thành có câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình. Ông chủ nhiệm câu lạc bộ rất nhiệt tình đi vận động, hòa giải cho các đôi vợ chồng đang có chuyện xích mích. Thế nhưng trong một lần vui chuyện, hơi ngà ngà, ông thừa nhận với tôi: “Đúng là dao sắc chưa chắc đã gọt được chuôi! Tôi luôn cố gắng gương mẫu để nói bà con còn nghe, nhưng mà ngay trong gia đình mình đây nhiều lúc cũng còn muốn nổi xung thiên lên! Bà nhà tôi, từ khi con gái sinh cháu ngoại, bà ấy bỏ bê nhà cửa, chồng con lên tuốt nhà thằng con rể, ở chầu ở chực nhà nó cả tháng trời để chăm nom con cho nó. Ừ thì cũng là cháu của mình, nhưng cháu thì còn có bố, có mẹ nó chăm sóc, chứ như tôi đây, một bố, một con trai mười mấy tuổi, ai lo?! Cơm nước thì trễ nải, bữa đực bữa cái, chả bữa nào ra hồn! Hành vi này của bà vợ tôi được xếp vào thể loại bạo lực tinh thần đấy chứ chả chơi! Tôi là tôi gương mẫu, chứ gặp đứa vũ phu là xảy ra bạo lực thân thể đấy! Bạo lực gia đình chia ra làm ba thể loại, một là…”.

Giận dỗi tuổi già

Hôm nghỉ lễ, mấy gia đình bạn bè tôi rủ nhau mời ông bà nội ngoại của bọn trẻ đi biển nghỉ mát. Vui thì vui thật, nhưng để ý thấy có năm đôi ông bà thì hết ba đôi có “vấn đề”, ngoài mặt “vui thì vui gượng kẻo là…”! Một “cụ ông” mới chạm ngưỡng 60, trông vẫn còn tráng kiện lắm, còn “cụ bà” lại hơn “cụ ông” một tuổi nên nhìn đúng ra là hai… chị em! Mấy cô tre trẻ trên dưới ba mươi ở đâu ra tắm, thấy “cụ ông” vui tính cứ “chú chú, cháu cháu” ríu ra ríu rít! Đã thế “cụ ông” cũng “hòa chung niềm vui”, chuyện nở như ngô rang khiến cho “cụ bà” như ngồi trên “ổ kiến lửa”, cứ hai phút lại lườm nguýt một lần! Tối về “cụ bà” kêu rét, dỗi cơm, ai mời cũng không đi.

Khi còn trẻ, tình cảm thanh xuân còn dào dạt, nhẹ thì hờn dỗi, nặng thì xung đột, mâu thuẫn thường ở bề nổi, ồn ồn ã ã, mà các cặp vợ chồng gọi là “chiến tranh nóng”. Khi bước vào tuổi xế chiều, lẽ ra các cụ nên nâng niu quãng thời gian bên nhau không còn rộng dài như thời còn trẻ nữa, thế nhưng bao nhiêu giận hờn, khó chịu chất chứa, tích tụ theo năm tháng đến lúc này càng ngày càng đầy ứ lên, lúc nào cũng chỉ chực trào ra, như nồi cháo sôi sùng sục sắp trào. Ở tầm tuổi mà tình cảm và kinh nghiệm sống đã trải qua nhiều cung bậc trong cuộc đời, tính cách đã trầm đi, đã đằm xuống thì mâu thuẫn của các đôi vợ chồng già lại biểu hiện theo xu hướng “sâu lắng” hơn, kiểu “chiến tranh lạnh”, nghĩa là hạn chế đối thoại với nhau để tránh xung đột.

Cũng trong chuyến đi nghỉ mát này, có một cặp ông bà ngoại khác cũng còn trẻ, mới trên 50, đã có “tiền sử” “chiến tranh lạnh” với nhau bởi một “phát ngôn bất hủ” của “cụ bà”, rằng “Tôi lấy ông phí cả một đời!”. Để “hâm nóng” “quan hệ song phương” của ông nhạc, bà nhạc, anh con rể mời cả đoàn đi hát karaoke. Trong không khí vui vẻ, mọi người nhiệt tình xúm vào chọn bài Lời của gió cho “hai cụ” song ca. Nể con rể và bạn bè của các con, “hai cụ” miễn cưỡng lên “sân khấu”. Hai màn hình ở hai phía đối diện thì mỗi “cụ” nhìn về một hướng, không ngớt hỏi nhau “Có nghe thấy gió nói gì không?”! Sau một hồi “mang thương nhớ gửi vào trong gió”, “hai cụ” quay về chỗ ngồi, mỗi cụ lại ngồi một nơi! Hết cách! Bó tay!

Bùi Thúy Hạnh