16/01/2025

Trung Quốc lại làm nóng Biển Đông

Các nước yêu cầu Trung Quốc làm rõ quy định mới buộc tàu bè nước ngoài phải xin giấy phép nếu muốn đánh bắt cá hoặc nghiên cứu trên Biển Đông.

Trung Quốc lại làm nóng Biển Đông

Các nước yêu cầu Trung Quốc làm rõ quy định mới buộc tàu bè nước ngoài phải xin giấy phép nếu muốn đánh bắt cá hoặc nghiên cứu trên Biển Đông.

Vừa chuyển những rổ cá dưới tàu lên, hai ngư dân này tâm sự rằng dù có khó khăn nhưng vì cuộc sống, lòng tự trọng nhiều đời bám biển chúng tôi không bao giờ từ bỏ vùng biển của Tổ quốc – Ảnh: Hữu Khá 

Bộ Ngoại giao Philippines vừa lên tiếng yêu cầu phía Trung Quốc làm rõ thông tin tỉnh Hải Nam nước này ra quy định yêu cầu tàu cá nước ngoài phải xin phép khi đi vào vùng biển của tỉnh này quản lý.

Điều gây quan ngại cho Philippines và các nước trong khu vực là chính quyền Hải Nam đòi áp dụng đạo luật trên vùng biển mà bao gồm phần lớn ở khu vực Biển Đông.

Cần nói thêm là đến giờ Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra bản đồ chỉ ra cụ thể của khu vực áp dụng bộ luật mới và trong bộ luật chỉ ghi là phần biển của đảo Hải Nam quản lý chứ không nêu chi tiết.

Trung Tân xã của Bắc Kinh nói phần biển Hải Nam quản lý bao gồm 2 triệu km2 vùng biển ở biển Đông (trên tổng diện tích khoảng 3,5 triệu km2). Theo Reuters, hành động này nếu áp dụng trên diện rộng sẽ gây căng thẳng với các nước trong khu vực.

Các nước yêu cầu Trung Quốc làm rõ quy định mới về đánh cá

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez nói Manila đã yêu cầu sứ quán tại Bắc Kinh lấy thêm thông tin về đạo luật có hiệu lực từ ngày 1-1.

Theo Reuters, quy định của tỉnh Hải Nam không đưa ra mức phạt nhưng các điều kiện thì tương tự như luật từ năm 2004 của Trung Quốc, trong đó nói tàu vào vùng biển có thể bị thu ngư cụ và chịu án phạt tới 500.000 nhân dân tệ (83.000 USD).

Reuters nói các quan chức của Hải Nam chưa có phản hồi về chuyện làm rõ thông tin đạo luật, còn người phát ngôn của Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng việc quy định về sử dụng nguồn thủy sản trên biển là hành động bình thường.

Một quan chức hải quân của Philippines nói bộ luật chỉ có hiệu lực trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc: “Tôi không biết dự luật sẽ được triển khai thế nào nhưng chỉ có hiệu lực trong vùng 200 hải lý từ đảo Hải Nam thôi (vùng EEZ theo luật).”

Theo ông, những phần bên ngoài nếu áp dụng là vi phạm Công ước của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez nói chính quyền Philippines cũng sẽ áp dụng quy định đối với đánh cá trên vùng EEZ của nước mình.

Báo Global Post hôm 9-1 ở Đài Loan tuyên bố không thừa nhận quy định của tỉnh Hải Nam. Một người phát ngôn chính quyền Đài Loan mô tả đây là “hành vi đơn phương” và kêu gọi các bên tranh chấp chủ quyền trên biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, không có những hành động phá hoại hòa bình và ổn định khu vực. Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đang xác minh các thông tin trên, sau đó sẽ có phản ứng.

Theo báo chí Trung Quốc, từ ngày 1-1-2014 tỉnh Hải Nam đã ban hành quy định về việc “thực hiện Luật ngư nghiệp của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”.

Theo đó, người nước ngoài, tàu cá nước ngoài đi vào vùng biển do tỉnh Hải Nam quản lý để đánh bắt cá hoặc thực hiện các hoạt động điều tra tài nguyên ngư nghiệp tại đây phải được sự cho phép của cơ quan quản lý có liên quan thuộc Chính phủ Trung Quốc. Đây là quy định được thông qua ở tỉnh Hải Nam hôm 29-11-2013.

Quy định có hiệu lực từ đầu năm 2014 của phía Trung Quốc khẳng định rõ người nước ngoài, tàu cá nước ngoài khi đi vào vùng biển do tỉnh Hải Nam quản lý “phải tuân thủ pháp luật, quy định và các quy định của tỉnh về ngư nghiệp, bảo vệ môi trường, xuất nhập cảnh”.

Theo điều 46 Luật ngư nghiệp Trung Quốc (có hiệu lực từ năm 1986 và được sửa đổi năm 2004), người nước ngoài, tàu cá nước ngoài vi phạm quy định nếu tự ý đi vào khu vực biển dưới sự quản lý của Trung Quốc để đánh bắt cá hoặc thực hiện các hoạt động điều tra tài nguyên ngư nghiệp tại đây thì nhà chức trách ra lệnh hoặc trục xuất người, tàu ra khỏi khu vực trên.

Nhà chức trách còn có thể tịch thu các sản phẩm đánh bắt được, ngư cụ, phạt tiền lên đến 500.000 nhân dân tệ (gần 83.000 USD).

Việt Nam từng xem quy định của Trung Quốc là “vô giá trị”

Từ năm 1999 đến nay, năm nào Trung Quốc cũng đều đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá vào mùa hè ở khu vực Biển Đông.

Như năm 2013, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã đơn phương công bố lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực từ 12g ngày 16-5 đến 12g ngày 1-8 trên biển Đông.

Lệnh cấm đơn phương này được Trung Quốc cho biết áp dụng với cả ngư dân Trung Quốc và ngư dân nước ngoài, trong đó có các nước đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.

Trong thời gian áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương, Trung Quốc sẽ tịch thu tàu thuyền, thiết bị và cá của những ngư dân vi phạm. Trung Quốc cũng sẽ triển khai một số tàu cỡ lớn thuộc lực lượng ngư chính, hải giám xuống hoạt động tại khu vực biển Đông.

Lúc đó trả lời báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã nhấn mạnh: “Việt Nam phản đối và coi quyết định đơn phương nói trên của Trung Quốc là vô giá trị”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông với phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vi phạm UNCLOS, không phù hợp với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

HIẾU TRUNG – ĐÔNG PHƯƠNG