26/11/2024

“Siêu lừa” Huyền Như: Nhiều người đưa tiền vì lãi suất hấp dẫn

Huyền Như thừa nhận chính mình đã làm giả con dấu VietinBank chi nhánh Nhà Bè rồi giả nhiều chữ ký để chiếm đoạt tiền của khách hàng gửi tiền. Trong số các khách hàng bị Huyền Như chiếm đoạt tiền, có nhiều ngân hàng cũng là nạn nhân khi đem tiền gửi cho Huyền Như để hưởng lãi suất cao.

“Siêu lừa” Huyền Như: Nhiều người đưa tiền vì lãi suất hấp dẫn

Ngày 7-1, TAND TP.HCM bắt đầu thẩm vấn làm rõ các thủ đoạn của “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như – nguyên phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh TP.HCM.

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như sau phiên tòa trưa 7-1 Ảnh: Quang Định 

Huyền Như thừa nhận chính mình đã làm giả con dấu VietinBank chi nhánh Nhà Bè rồi giả nhiều chữ ký để chiếm đoạt tiền của khách hàng gửi tiền. Trong số các khách hàng bị Huyền Như chiếm đoạt tiền, có nhiều ngân hàng cũng là nạn nhân khi đem tiền gửi cho Huyền Như để hưởng lãi suất cao.

Trả lời tại toà về nguyên nhân khiến Như lao vào việc lừa đảo hàng loạt công ty, cá nhân với số tiền đặc biệt lớn, Huyền Như khai vì đã dốc toàn bộ tiền bạc của cá nhân, gia đình và vay thêm tín dụng đen ở bên ngoài để đầu tư bất động sản, cổ phiếu nhưng đến cuối năm 2007, đầu năm 2008 thì chứng khoán, bất động sản rớt giá thê thảm, Như bị các chủ nợ dồn ép, đòi nợ hằng ngày.

Theo Huyền Như, có chủ nợ (Nguyễn Thị Lành – bị xét xử chung trong vụ án về tội cho vay lãi nặng) doạ sẽ cho người “đập vỡ mặt” nếu Như không trả nợ đúng hạn. Chủ nợ khác (Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung) đe doạ cho người đến tận trụ sở ngân hàng nơi Như làm việc để quậy, số tiền nợ lên đến hàng ngàn tỉ đồng nên Huyền Như mới làm liều.

Để cho các công ty, cá nhân có tiền gửi tin tưởng, Huyền Như đã thuê người làm giả con dấu của VietinBank chi nhánh Nhà Bè rồi từ đó dùng con dấu giả đóng lên nhiều hợp đồng huy động vốn, tài khoản tiền gửi của khách hàng nhưng thực tế Như là người sử dụng tất cả khoản tiền mà khách hàng cứ tưởng là gửi vào VietinBank.

Toà hỏi vì sao khách hàng lại tin tưởng đổ tiền về cho Như như vậy? Huyền Như giải thích: đơn giản vì Như đưa ra mức lãi suất hấp dẫn. Cụ thể, vào thời điểm Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất huy động tối đa chỉ 14%/năm thì Như sẵn sàng trả thêm phần lãi chênh lệch 3,5-7%/năm, có trường hợp đặc biệt của Công ty CP chứng khoán Saigonbank-Berjaya, Huyền Như chấp nhận trả thêm lãi suất chênh lệch hơn 16-18%/năm (tức lãi suất tổng cộng 32-36%/năm).

Như cũng khai nhận cách mình làm khách hàng tin rằng đã gửi tiền cho VietinBank là khi công ty, cá nhân ký hợp đồng huy động vốn, gửi tiền cho VietinBank thì Như yêu cầu khách hàng mở tài khoản thanh toán tại VietinBank, sau đó chuyển tiền vào tài khoản đã mở để ngân hàng tự trích tiền sang tài khoản tiền gửi.

Tuy nhiên, sau khi tiền khách hàng chuyển vào tài khoản, Như đã làm giả lệnh chi của khách hàng (giả chữ ký, con dấu công ty) và lợi dụng chức vụ của mình (lúc đó là quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ – VietinBank chi nhánh TP.HCM) để chuyển tiền từ tài khoản của khách hàng đi trả nợ cho hệ thống tín dụng “đen” mà Như đã vay với lãi suất “khủng” và đang ôm số nợ khổng lồ.

Hôm nay, hội đồng xét xử tiếp tục thẩm vấn.

C.MAI