15/01/2025

Chuyện tình “cổ tích” thời nay

Nhiều người hỏi chị Hoàng Thị Kim Dung (34 tuổi, Hà Nội) tại sao chị lại sinh hai con trai với người chồng đã khuất, trong khi chị còn trẻ, tây học và từng được mẹ chồng khuyên đi bước nữa.

Chuyện tình “cổ tích” thời nay

Nhiều người hỏi chị Hoàng Thị Kim Dung (34 tuổi, Hà Nội) tại sao chị lại sinh hai con trai với người chồng đã khuất, trong khi chị còn trẻ, tây học và từng được mẹ chồng khuyên đi bước nữa.

Bé Hồ Sỹ Hoàng Hải và bé Hồ Sỹ Hoàng Đức trong vòng tay của chị Hoàng Thị Kim Dung - Ảnh: Nguyễn Khánh 

Những ngày cuối năm 2013, câu chuyện chị Dung sinh con từ tinh trùng của người chồng Hồ Sỹ Ngọc mất cách đây gần bốn năm đã làm nhiều người phải ngạc nhiên và cảm phục.

Anh Ngọc và chị Dung (cùng tuổi, cùng quê Nghệ An) yêu nhau từ khi là sinh viên năm 3 Trường đại học Bách khoa. Ngọc là một trong những sinh viên xuất sắc nhất của lớp kỹ sư tài năng toán tin ứng dụng. Dung học lớp chất lượng cao của Đại học Bách khoa.

Cổ tích tình yêu

 

Bước tiến về mặt kỹ thuật

Đó là ý kiến của bác sĩ Vũ Bá Quyết, phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương, người trực tiếp thực hiện ca sinh mổ đón hai con Hồ Sỹ Hoàng Đức, Hồ Sỹ Hoàng Hải của anh chị Ngọc – Dung. Theo bác sĩ Quyết, việc thành công trong trường hợp này đã mở ra cơ hội cho nhiều trường hợp hiếm muộn hoặc có nhu cầu sinh con sau này. Trong đó, trường hợp này đã mở ra những kinh nghiệm về thời gian tinh trùng sống sau khi người chủ qua đời, về việc trữ đông mô và chất lượng tinh trùng trong mô được trữ đông, về thụ tinh trong ống nghiệm từ tinh trùng lấy từ tử thi…

 

Năm 2004, khi cả hai người vừa tốt nghiệp đại học thì Dung đi du học ở Pháp để làm luận án tiến sĩ. Ngọc ở lại VN với lời hứa đợi chị về để làm đám cưới.

GS.TS khoa học Lê Hùng Sơn (nguyên chủ tịch hội đồng khoa học liên ngành toán tin Đại học bách khoa Hà Nội) nói: “Ngọc thật sự là một sinh viên xuất sắc. Năm 2005, tôi xin cho Ngọc một suất đi Áo để làm luận án tiến sĩ nhưng không hiểu sao Ngọc lại từ chối, nhường cho một người bạn rồi ra làm cho một công ty”.

Hoàn cảnh khó khăn nên Dung vừa du học ở Pháp vừa làm thêm nhiều việc như hái nho, lau dọn để kiếm thêm thu nhập. Vì không có điều kiện nên thời gian du học từ năm 2004-2009, Dung chỉ về thăm quê được vài lần. Bạn bè lần lượt lập gia đình, sinh con, riêng Ngọc vẫn đợi chị về.

Đầu tháng 1-2009, Dung về nước thăm gia đình và làm đám cưới. Sống với chồng được hơn một tháng, chị lại quay sang Pháp để bảo vệ luận án tiến sĩ. Tháng 6-2009, sau khi tốt nghiệp và mang thai ở tháng thứ bảy, Dung về nước sinh con. Con gái được 6 tháng tuổi thì anh Ngọc mất vì tai nạn. Chờ nhau biền biệt nhưng họ chỉ được sống chung với nhau chưa đầy một năm…

Ngồi trong căn phòng nhỏ ở khu đô thị Pháp Vân, bà Nguyễn Thị Thuận (mẹ Ngọc) kể câu chuyện về con trai và bật khóc. Giữa tháng 3-2010, bà Thuận từ TP Vinh ra Hà Nội thăm con. Trưa 20-3-2010, bà nấu cơm chờ con trai đi làm về ăn. Nhưng khi Ngọc về đến nhà thì nhìn thấy ổ khóa ở cánh cửa bancông bị hỏng, anh tất tả đi mua khóa về sửa, mặc dù mẹ và vợ khuyên anh ăn cơm trưa xong hãy đi. Anh ra khỏi nhà gần một tiếng đồng hồ thì có điện thoại báo về anh bị tàu hỏa đâm và tử vong. Sau này nhiều người kể lại khi anh băng qua đường sắt để mua ổ khóa, đoàn tàu đã đến gần và dù rất nhiều người gọi nhưng anh không nghe thấy…

Dung đưa tang chồng khi vẫn đang trong giai đoạn ở cữ sau khi sinh con gái đầu lòng. Nhìn chị đờ đẫn, nhìn bố mẹ Ngọc kêu khóc thảm thiết, nhìn đứa con anh chưa đầy 6 tháng tuổi… mọi người không ai cầm được nước mắt. Họ cùng quyên góp một khoản tiền giúp Dung nuôi con.

Sau khi lo đám tang con xong, vì thương con dâu còn quá trẻ mà mất chồng nên bà Thuận bảo Dung sang Pháp giảng dạy, xem có ai thương yêu thì lấy và làm lại cuộc đời nhưng Dung chỉ nói: “Mẹ bảo con sang Pháp làm kinh tế để kiếm tiền nuôi con thì còn được chứ đừng bảo con đi lấy chồng”. Nghe con dâu nói vậy, hiểu tình cảm của con nên bà Thuận không bao giờ nhắc lại điều đó nữa.

“Đứa con của bệnh viện”

 

 

Bác sĩ Lê Vương Văn Vệ – người có công lớn trong việc chào đời của hai bé Hồ Sỹ Hoàng Đức và Hồ Sỹ Hoàng Hải

 

“Người phụ nữ này khiến tôi xúc động. Cô ấy còn trẻ, yêu chồng, thương con, khi chồng chết thờ chồng và còn sinh con với người chồng đã qua đời. Đó là điều tuyệt vời mà tôi không thể tưởng tượng được! Cô ấy có thể là hình tượng về người phụ nữ trong câu chuyện cổ tích hôm nay cho thế hệ mai sau”

Bác sĩ Lê Vương Văn Vệ

 

Đó là cách gọi của bác sĩ Lê Vương Văn Vệ (giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội) về hai đứa con mới sinh của chị Dung. Bác sĩ Vệ kể: “Khi nhận được đề nghị kỳ lạ “lấy mẫu tinh trùng từ tử thi, bảo quản để sau này người vợ sinh con” của chị Dung, tôi đã thầm nghĩ đây là một trường hợp đặc biệt và quá kỳ lạ, nhất là người vợ cũng còn trẻ. Thời điểm đó, người chồng đã mất, thời gian gấp gáp, việc của tôi là chuẩn bị dụng cụ và đi ngay. Sau này khi chị Dung sinh con, tôi tìm lại cuốn sổ ghi chép thì biết được ngày hôm đó là 20-3-2010. Nơi tôi đến là nhà xác của Bệnh viện huyện Thanh Trì. Khi đó, tôi chưa biết chị Dung, chỉ biết tuổi chị còn trẻ mà không biết hoàn cảnh kinh tế và cũng không biết chị ấy là tiến sĩ.

Khi lấy được mô tinh hoàn của chồng chị, hoàn tất thủ tục và trở về kiểm tra thì thấy có tinh trùng, có thể làm được thụ tinh trong ống nghiệm. Lúc đó bệnh viện chúng tôi chưa làm kỹ thuật này, nhưng tôi tâm niệm sau này sẽ làm. Và hai năm sau đó chúng tôi đã triển khai làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Anh Ngọc quả là một trường hợp hiếm có, khi chúng tôi lấy mô tinh hoàn 5-6 giờ sau khi anh qua đời mà vẫn có tinh trùng. Bình thường thì phải lấy mô tinh hoàn ngay sau khi người đó qua đời, nhưng trường hợp này 5-6 giờ sau qua đời mà tinh trùng trong mô tinh hoàn vẫn sống, chứng tỏ đó là một thanh niên khỏe mạnh, không bệnh tật gì. Mẫu tinh hoàn đó chúng tôi đã cất giữ ở -196OC và bảo quản một cách đặc biệt.

Tôi không ngờ một người phụ nữ trẻ, tây học, có kiến thức lại giữ nét truyền thống như thế. Tháng 3-2013, sau khi mãn tang chồng, chị Dung đến bệnh viện chúng tôi đề nghị được thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai, khi kiểm tra tinh trùng thấy chất lượng còn tốt, chúng tôi đã tiến hành kỹ thuật. Chỉ có điều ngày dự định chuyển phôi đầu tiên không thành do chị Dung bị quá kích buồng trứng. Chúng tôi lại đưa phôi vào trữ đông và một thời gian sau mới tiến hành chuyển phôi lần hai. Lần này, việc chuyển phôi thuận lợi, chị ấy có thai và vừa sinh hai bé trai. Chúng tôi vẫn đùa rằng nếu hai bé này sau làm bác sĩ, chúng có thể kể với đồng nghiệp là đã vào tủ đá hai lần, đều ở nhiệt độ -196OC. Ở nhiệt độ ấy, đá cứng hơn cả sắt.

Hôm 9-12 vừa qua, khi chị Dung thông báo đã chuyển dạ và sinh con ở Bệnh viện Phụ sản trung ương, chúng tôi quyết định sau này sẽ đề nghị chị ấy tiến hành thử ADN. Đây là lần đầu tiên ở VN có hai bé sinh ra từ tinh trùng lấy từ tử thi, có thành công về mặt kỹ thuật, nhưng tôi luôn nghĩ phải thật cẩn trọng vì là người làm khoa học, chúng tôi muốn công bố thông tin một cách khoa học. Ngay sau đó, chúng tôi đã thống nhất với chị Dung và đề nghị một cơ sở xét nghiệm ADN chuyên nghiệp tới lấy mẫu mô tinh hoàn của chồng chị ấy đang được bảo quản, cùng mẫu niêm mạc miệng của chị ấy và hai cháu bé để xét nghiệm. Ngày 19-12-2013, kết quả xét nghiệm ADN cho thấy anh Hồ Sỹ Ngọc là cha và chị Hoàng Thị Kim Dung là mẹ của hai bé.

Chị ấy nói: “Xét nghiệm là để ông bà mừng, còn tôi thì luôn rất tự tin về hai đứa con của mình”.

Đoạn kết đẹp

Rất nhiều người đã hỏi chị Dung tại sao chị lại có một quyết định kỳ lạ: sinh hai con trai với người chồng đã khuất, trong khi chị còn trẻ, có học vấn, không phải là không có những cơ hội mới. “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó. Tất cả những điều tôi nghĩ cho đến nay là làm sao nuôi dạy các cháu nên người. Hai bé trai nếu được như cô chị (năm nay 4 tuổi rưỡi, bố mất khi bé mới được 6 tháng tuổi) thì cũng rất dễ nuôi. Tôi mong muốn tính cách của các cháu sẽ giống như bố cháu, hài hước và bao dung”- chị Dung nói.

Đã gần bốn năm trôi qua kể từ ngày 20-3-2010, nhưng có lẽ cái ngày ấy sẽ đi suốt cuộc đời chị Dung như một ngày định mệnh. Hôm đó, khi hai vợ chồng ở bên nhau, anh nói với chị về dự định sau này dù như thế nào cũng sẽ sinh thêm một cậu con trai cho ông bà nội. Gần trưa, Ngọc đi mua ống khóa mới để khóa cửa bancông. Trước khi đi, anh cứ đứng nhìn chị, khi thấy vợ thắc mắc thì anh đi mất. “Hình như anh ấy muốn nói gì với tôi mà không nói được, giây phút ấy khiến tôi day dứt mãi đến tận bây giờ” – chị Dung bồi hồi.

Và cũng bởi ý nguyện ấy của người chồng, ngay sau khi anh mất, chị đã nhờ thầy giáo, bạn bè, người quen tư vấn và tìm bác sĩ để cất giữ tinh trùng của chồng, dự định một ngày sẽ sinh thêm cậu con trai như mong ước của anh. Chị kể hồi đi học ở Pháp, chị từng đọc về một trường hợp sau khi người chồng qua đời, người ta đã vùi tinh hoàn trong tuyết và sau này người vợ cũng sinh được con. Câu chuyện ấy tưởng chỉ có trong tiểu thuyết, giờ trở thành câu chuyện thật của chị Dung.

Những ngày này, hai anh em sinh đôi Hồ Sỹ Hoàng Đức và Hồ Sỹ Hoàng Hải chuẩn bị đầy tháng. Dù chị Dung không nói ra nhưng những người bạn thân thiết của anh Ngọc đều nhớ. Họ ngồi với nhau để bàn việc đến thăm các cháu vào ngày đầy tháng, họ bàn việc quyên góp một quỹ nhỏ để đỡ đần chị Dung nuôi con. Trong câu chuyện, họ vẫn luôn miệng nhắc đến Ngọc và Dung, họ hỏi chị Dung ngủ mơ có thấy anh Ngọc về nữa không, họ trách anh Ngọc vắng mặt sớm trong những cuộc họp mặt bạn bè… như anh mới vừa đi vắng đâu đó.

LAN ANH – TÂM LỤA