03/01/2025

Bệnh nan y

Đầu tư xã hội cho hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông càng lớn thì các vụ “rút ruột” càng tinh vi, trong khi các cơ quan chức năng thì dường như chỉ đi giải quyết đối với những vụ việc cụ thể, sau khi dư luận phanh phui; ít có những giải pháp hiệu quả để khắc phục tận gốc vấn đề.

 Bệnh nan y

Phải thừa nhận, Bộ GTVT đã rất tích cực trong việc xử lý hành chính vụ “rút ruột” công trình đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây mà Báo Thanh Niên phanh phui từ tố cáo của bạn đọc. Cơ quan công an cũng đã tuyên bố vào cuộc để điều tra vụ việc.

Nhưng thật sự thì đang còn rất nhiều câu hỏi, nhiều nỗi băn khoăn xung quanh câu chuyện này.

Bức xúc lớn nhất chính là đầu tư xã hội cho hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông càng lớn thì các vụ “rút ruột” càng tinh vi, trong khi các cơ quan chức năng thì dường như chỉ đi giải quyết đối với những vụ việc cụ thể, sau khi dư luận phanh phui; ít có những giải pháp hiệu quả để khắc phục tận gốc vấn đề.

Việc phát hiện lỗi trong thi công như thi công ẩu, hay ăn bớt vật liệu, ở các công trình xây dựng cơ bản rõ ràng là không quá khó. Bằng chứng là PV Báo Thanh Niên, từ một lá thư của bạn đọc, bằng quan sát bình thường đã có thể phát hiện một vụ “rút ruột” nghiêm trọng, khiến nhà thầu buộc phải làm lại rất nhiều hạng mục, hàng loạt cán bộ của chủ đầu tư chịu án kỷ luật. Thế mà, trước đó, việc giám sát được chủ đầu tư nói là “chặt chẽ” đã hoàn toàn không thấy. Chắc chắn không thể có chuyện chủ đầu tư, tư vấn giám sát chuyên nghiệp lại nghiệp vụ kém hơn (PV Báo Thanh Niên). Câu trả lời ở đây: nặng là “thông đồng”, nhẹ là “thiếu trách nhiệm” của chủ đầu tư và nhà thầu thi công.

Bộ GTVT chưa bao giờ công bố con số cụ thể về định mức đầu tư bình quân cho mỗi cây số đường cao tốc, nhưng một thống kê độc lập công bố năm 2012 cho thấy chi phí làm đường cao tốc ở Việt Nam cao hơn 1,5 đến 2 lần so với các nước xung quanh như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, thậm chí cao hơn cả Mỹ. Nhưng cũng theo đánh giá này thì VN chưa có nổi một cây số đường đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tình trạng xuống cấp nhanh quá mức của nhiều công trình xây dựng nói chung, công trình giao thông nói riêng là điều mà bất kỳ ai cũng từng thấy nhưng vì sao như thế thì đến nay gần như vẫn bỏ ngỏ. Câu trả lời chỉ “chung chung” là do khâu thiết kế, kiểm định, giám sát…, chưa khi nào các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhìn thẳng vào sự thật: do tiêu cực, tham nhũng.

Thực tế nhiều vụ việc như cầu Chợ Đệm, hay vụ hối lộ đáng xấu hổ ở Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây TP.HCM… cho thấy “rút ruột” công trình chỉ là công đoạn cuối của chuỗi tham nhũng trong xây dựng cơ bản. Quá trình chạy chọt, một số lượng tiền rất lớn được chi. Dự án càng lớn, khả năng lợi nhuận càng cao thì tiền chi phí cho các khâu “chạy” càng nhiều. Một doanh nghiệp trong ngành xây dựng cho biết phần tiêu cực phí để tham gia đấu thầu hoặc chỉ định thầu phải chi thường được tính bằng phần trăm giá trị hợp đồng. Mức trung bình hiện nay là 10% trở lên.

Nếu ở giai đoạn đầu, chủ đầu tư là những người bị tham nhũng thì ở giai đoạn triển khai thực hiện, họ tất yếu trở thành kẻ tham nhũng, thông qua việc “rút ruột” công trình.

“Rút ruột” công trình hay tình trạng chất lượng kém ở các công trình xây dựng cơ bản chưa hẳn đã là bệnh nan y. Nó hoàn toàn có cách chữa, nếu như chúng ta có một thị trường xây dựng lành mạnh, cạnh tranh. Các dự án không còn là mục tiêu “chạy chọt” để hưởng “phết – phẩy”. Chỉ có điều, muốn vậy, các cơ quan quản lý đang giữ quyền cấp phát sẽ phải “hy sinh” nhiều lắm.

An Nguyên