07/01/2025

Rộ chiêu lừa trúng thưởng

Gần đây, đường dây nóng Báo Thanh Niên liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc ở phía nam về việc “bỗng dưng trúng thưởng” từ siêu thị điện máy ở… Hà Nội, với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

 

Rộ chiêu lừa trúng thưởng

Gần đây, đường dây nóng Báo Thanh Niên liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc ở phía nam về việc “bỗng dưng trúng thưởng” từ siêu thị điện máy ở… Hà Nội, với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Rộ chiêu lừa trúng thưởng

Minh họa: Dad

Bỗng dưng trúng thưởng

Ông Nguyễn Quốc Hùng, ở Q.4, TP.HCM, kể thứ bảy 14.12, ông nhận được một lá thư, trong đó có tờ giấy A4 in nhiều hình ảnh kèm nội dung: “Chương trình trúng thưởng và kỷ niệm 1 năm thành lập siêu thị điện máy Gome: đây là chương trình chi ân (để nguyên văn – PV)của chúng tôi đến khách hàng, để gửi lời biết ơn đến toàn thể khách hàng trong nước 1 năm qua đã nhiệt tình ủng hộ. Nay chúng tôi tổ chức hoạt động cào và trúng thưởng với nhiều phần quà hấp dẫn đến cho toàn thể khách hàng…”.

Bên dưới lời chào mời nhiều lỗi chính tả, lủng củng về câu từ này là thể lệ cào trúng thưởng kèm cơ cấu giải thưởng.

Sau khi cào thì ông Hùng thấy 4 ngôi sao, chiếu theo cơ cấu giải thưởng, ông trúng giải nhất trị giá 800 triệu đồng. Gọi vào số điện thoại in trên tờ quảng cáo, người nghe máy yêu cầu ông để lại số điện thoại, đầu tuần sẽ có người liên lạc lại.

Đầu tuần, một phụ nữ gọi từ số điện thoại 01225… vào máy ông Hùng, xưng tên Hồ Huỳnh Hương, yêu cầu ông Hùng khai họ tên, số CMND, điện thoại liên hệ, tài khoản ngân hàng… để làm hồ sơ nhận thưởng. Hôm sau, bà Hương gọi lại cho ông Hùng, thông báo hồ sơ của ông đã hoàn tất và đã chuyển sang công ty mẹ ở… Hồng Kông. Để nhận thưởng 800 triệu đồng, ông phải đóng cho công ty số tiền 8 triệu đồng. Lúc đầu, bà Hương nói đó là số tiền làm hồ sơ, nhưng gặng hỏi thêm thì lại được giải thích là tiền thuế thu nhập cá nhân mà khách trúng thưởng phải đóng (?!).

Ông Hùng hỏi trụ sở công ty để nhờ người quen ở ngoài Hà Nội đến trực tiếp đóng tiền, bà Hương nói công ty ở số 289 Bùi Thị Xuân, Q.Hai Bà Trưng, nhưng “công ty không có chức năng thu tiền, chỉ thu tiền qua tài khoản” (?).

Thấy nhiều dấu hiệu bất thường, ông Hùng nhờ người đến 289 Bùi Thị Xuân, Hà Nội kiểm tra thì đường Bùi Thị Xuân (phía sau Bệnh viện Mắt Hà Nội) rất ngắn, số nhà cao nhất chỉ đến 179 và không có công ty nào là Công ty Gome.

Một bạn đọc khác tên T.V.C ở đường Tôn Thất Thuyết, Q.4, TP.HCM cũng gặp tình cảnh tương tự, dù gia đình ông chưa bao giờ nghe đến tên siêu thị điện máy Gome, cũng chưa từng mua hàng từ đơn vị này. Đáng lưu ý, dù Gome ở Hà Nội nhưng bưu cục nơi gửi thư cho ông C. lại ở… Bà Rịa-Vũng Tàu. Khi ông C. tỏ ra nghi ngờ việc trúng thưởng, “nhân viên siêu thị” giúp ông làm hồ sơ nhận thưởng còn giới thiệu ông vào trang web của công ty là www.gome.com.vn để tham khảo. “Khi vào địa chỉ trang web này, thoạt trông nó rất giống với trang web chuyên kinh doanh điện máy, thiết bị điện tử với đầy đủ hình ảnh, giá cả… Tuy nhiên, để ý kỹ thì rất sơ sài. Đây được giới thiệu là trang web của Công ty cổ phần thương mại Gome, cũng ở địa chỉ ma 289 Bùi Thị Xuân, Hà Nội”, ông C. nói.

Biến tướng của “điện máy Phát Đạt”

Trước đó, khoảng tháng 11, chị Nguyễn Thị Diễm Lan (chủ cửa hàng sơn nước ở Bến Tre) cũng được bưu điện chuyển tới một lá thư của siêu thị điện máy Phát Đạt ở Hà Nội. Thư đóng dấu bưu điện gửi từ Bưu cục An Sương (TP.HCM), bên trong là một tờ thông báo chương trình trúng thưởng nội dung tương tự như điện máy Gome. Khi chị Lan cào phần tráng men, cũng trúng thưởng với 4 ngôi sao tương tự. Đăng nhập vào trang web ghi trên tờ giấy này, chị Lan cũng vào được một website giao diện giống như của các siêu thị điện máy.

Giữa tháng 12, chúng tôi thử gọi vào số điện thoại đường dây nóng nhận quà: 08.66818338 ghi trong thư gửi cho chị Lan thì chỉ nhận được thông báo từ hộp thư thoại và không ai bắt máy. Đăng nhập vào website điện máy Phát Đạt thì vào luôn điện máy Gome. Gọi vào số điện thoại trên website này 08.66818345, chúng tôi được một cô gái tiếp chuyện, giọng miền Tây đặc sệt, thông báo địa chỉ công ty ở 289 Bùi Thị Xuân, Hà Nội, trùng với điện máy Gome. Cũng bằng cách thức tương tự, cô gái yêu cầu chúng tôi cung cấp tên, số điện thoại và chờ 1 ngày để làm hồ sơ. Sau đó, cô gái gọi lại yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để được nhận thưởng…

Trước đó, đã có bạn đọc tin tưởng chuyển tiền cho nhóm này nhưng “tiền thưởng chẳng thấy đâu”. Trên một số diễn đàn, nhiều thành viên cũng cảnh báo việc họ bị một số website lừa đảo bằng hình thức cào trúng thưởng như dienmayphatdat, lovetime, dangkygiaithuong… và có người cho biết đã bị mất 20 triệu đồng vì tin vào “giải thưởng trời ơi”.

Không khó để xử lý

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định của luật Thuế TNCN, Nghị định 100/2008/NĐ-CP, Thông tư 84/2008/TT-BTC, nếu có phát sinh thuế, phí mà người trúng thưởng phải chịu thì đến khi chi trả thưởng đơn vị tổ chức mới trích lại, chứ không được bắt nộp thuế phí trước rồi mới trả thưởng sau.

Luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích: “Hành vi của nhóm người này đã cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan điều tra có đủ thẩm quyền, chức năng, phương tiện để đưa nhóm lừa đảo này ra ánh sáng. Bởi không khó định vị, xác định vị trí của kẻ lừa đảo qua số điện thoại di động; không khó truy tìm chủ thuê bao điện thoại bàn; không khó xác định người đăng ký tên miền trang web Gome, điện máy Phát Đạt. Bằng những nghiệp vụ điều tra đơn giản trong vai người trúng thưởng, không khó để thu thập bằng chứng. Vấn đề là cơ quan điều tra có muốn xử lý tận gốc hành vi này hay không mà thôi”. Đồng quan điểm này, luật sư Bùi Quốc Tuấn khuyến nghị: “Khách hàng bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền nên làm đơn tố cáo đến công an địa phương để có hướng xử lý. Cụ thể trường hợp lừa đảo qua trang mạng thì cơ quan  công an sẽ kết hợp Sở TT-TT để xác định chủ sở hữu đăng ký trang mạng. Xác định số tài khoản ngân hàng đã đăng ký với cơ quan chức năng. Từ đó có cơ sở để xử lý hành vi lừa đảo của nhóm người này”.

 

Công an quận, huyện xử lý vụ việc

 

Một cán bộ của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an TP.HCM cho biết: “Khoảng giữa năm 2013, thủ đoạn lừa đảo nói trên đã xuất hiện trên địa bàn TP. Do số tiền lừa đảo từ vài triệu đồng đến 10 triệu đồng nên các vụ việc này được công an quận, huyện tiếp nhận điều tra xử lý. Theo tôi được biết, khi trao thưởng, các công ty thường gửi thư mời khách hàng trúng thưởng đến trụ sở công ty nhận thưởng, không có thu tiền đặt cọc… Cho nên, người dân không nên chuyển tiền cho người lạ mà mình chưa rõ lai lịch, địa chỉ cụ thể”.

Ngoài thủ đoạn lừa mua hàng trúng thưởng, vị cán bộ này còn cho biết thời gian qua Công an TP cũng đã khởi tố một số vụ lừa đảo bán ĐTDĐ iPhone, xe gắn máy giá rẻ, khuyến mãi hấp dẫn qua mạng internet… “Nhiều người cũng đã bị “sập bẫy” này. Khi khách chuyển tiền đặt cọc hoặc mua hàng, bọn chúng đã không giao hàng, sau đó không nghe ĐT hoặc tắt máy luôn. Cơ quan công an khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác đối với những thủ đoạn lừa đảo nói trên để tránh thiệt hại về tài sản”, vị cán bộ này nói.

Đàm Huy

 

 

Thanh Đông – Lê Nga