28/12/2024

Vung tay quá trán

Chuyện sắm sửa cho nhà cửa khang trang để đón xuân là niềm vui nhưng cũng có thể là nỗi buồn đối với những cặp vợ chồng không tìm được “tiếng nói chung”.

 

Vung tay quá trán

Chuyện sắm sửa cho nhà cửa khang trang để đón xuân là niềm vui nhưng cũng có thể là nỗi buồn đối với những cặp vợ chồng không tìm được “tiếng nói chung”.

 
Minh hoạ: DAD

Lúa tháng giêng, tiền tháng chạp

Sau khi “khảo sát” căn phòng khách, chồng nói bộ sa lông gỗ quá nhỏ và quá cũ, chắc phải sắm bộ khác để tiếp khách đến chơi xuân cho đàng hoàng. Nghĩ là chồng nói để mà nói thôi chứ lương anh công nhân xây dựng có là bao mà hăm he sắm sửa. Đâu ngờ chỉ mấy hôm sau, xe của tiệm nội thất đỗ xịch trước nhà. Bộ sa lông to đùng được đưa xuống. Anh nhân viên bán hàng đon đả nói bà chị sướng nhé, ngồi tại nhà rinh quà cuối năm.

Từ công trường, anh điện về, nói em chỉ ký nhận vào hoá đơn thôi. Chuyện tiền nong để anh lo. Lương và thưởng tết sắp có.

Thừa nhận bộ sa lông giả da trông khá đẹp. Nhưng vì nó “tọa lạc” trong căn phòng chật cứng, bốn bức tường vôi cũ kỹ, nhiều chỗ bong tróc nên coi hổng giống ai. Với lại, liếc cái hóa đơn thấy đề giá gần hai chục triệu khiến chị hoa mắt, xót bụng và nóng mặt. Nhà đâu có khá giả gì, sao chồng lại xài tiền như một đại gia?

Thằng lớn học đại học ở Sài Gòn vừa điện về nói đang cần laptop để học thiết kế đồ họa. Con bé cũng nhấn đi nhấn lại cái xe đạp “ngon ngon” để đi học trường xa. Chị là công nhân sơ chế hải sản, làm đầu tắt mặt tối nhưng tháng nào cũng “hai triệu mấy”. Lúa tháng giêng, tiền tháng chạp. Mua sắm bừa phứa kiểu này lấy gì mà lo cho con?  

Bộ sa lông gỗ bị mấy gã bán hàng lôi ra để chỏng chơ ngoài hiên. Chị chưa biết xử trí ra sao thì em chồng, là chủ tiệm đồ gỗ, lái xe tải nhỏ tới, nói ảnh nhờ em đem về bán. Nhưng em mua em dùng, có khùng mới bán. Sa lông gỗ kiểu xưa em mê lắm.

Chị đứng tựa cửa mà tức nghẹn. Không cho chú nó chở thì mất mặt chồng. Cho chở thì… tức và tiếc. Không tức sao được khi chồng chẳng bàn bạc với mình lấy một câu. Còn tiếc là vì bộ sa lông cũ tuy không kiểu cách nhưng gỗ rất tốt, lại là vật kỷ niệm ba chị cho khi vợ chồng chị ra riêng. Nghĩ sao mà bán?

Vợ như… bà già xưa

Khó khăn lắm chị mới nói với em chồng: “Hay là chú thư thả chờ anh chú về cái đã, chị cũng chưa biết ất giáp ra sao”.

Em chồng nói chị không tin thì đây, ba mặt một lời. Anh bật điện thoại, nói anh ơi, chị chưa cho chở, từ từ chờ anh về, anh gặp chị nè. “Em sao đó? Đừng làm khó chú nó, cũng đừng làm bẽ mặt anh. Bộ sa lông cổ lổ sĩ đó đẩy đi là vừa. Vợ gì mà cứ cũ hoài, như bà già xưa có khác”. Câu nói vừa chê bai, vừa hăm dọa đó cứ ong ong trong đầu chị. Em chồng chở sa lông đi rồi chị vẫn ngồi thẫn thờ trước hiên.

Chồng về. Anh ngồi vào sa lông mới, nhún nhún coi bộ ưng ý lắm. Vợ và con gái dọn cơm chiều ngay trên… sàn nhà. Vợ nói mẹ con tui từ nay ăn cơm dưới đất, không dám làm bẩn bộ ghế sang trọng của anh. Bữa cơm “bệt” trôi qua một cách nặng nề.

Chuyện trò với vợ con, anh nhận ra việc đổi sa lông là vung tay quá trán, không thiết thực và vô cùng… trật lất. Nhưng “hành vi” mua sắm đã hoàn thành, giờ biết làm sao. Cả ngày chủ nhật chồng cứ đực mặt ra. Hai mẹ con tất tả qua nhà chú “thương lượng”.

Chiều, chú em đem trả bộ sa lông cũ, chất bộ mới lên xe, nói mua lại cho con trai nhân dịp nó tân gia. Chú khều ông anh đang giả đò ngủ, nói anh tạm chia tay giấc mơ… sa lông nệm là vừa. Chị và cháu đúng đó, nên dành dụm cho con ăn học. Còn chuyện đổi sa lông, tuy có êm mông nhưng không thực tế.

Ngồi vào bộ sa lông cũ ăn cơm tối, chồng tự nhiên thấy…tội, vợ thì thấy vui. Riêng con gái thấy êm ái làm sao.

Trần Cao Duyên