Đừng để người già cô đơn và bệnh tật
Bước qua tuổi 60, nhiều người dễ mắc các bệnh mãn tính, nhưng không phải ai cũng được chăm sóc sức khỏe tốt. Chưa kể họ còn dễ rơi vào tình trạng trầm cảm khi không được con cháu quan tâm.
Đừng để người già cô đơn và bệnh tật
Tập thể dục ở những nơi công cộng giúp người lớn tuổi có thêm nhiều bạn cao niên – Ảnh: Châu Anh
Bà Đoàn Thị Ngát (70 tuổi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) bị đau khớp gối, cao huyết áp và loãng xương gần năm năm nay.
Sống chung với bệnh
“Người già rất sợ cô đơn, dễ trầm cảm nên con cháu phải thường xuyên chăm sóc, hỏi han, nói chuyện, tâm sự. Việc con cháu quan tâm, chăm sóc sẽ giúp hạn chế bệnh tật hoặc tác động tích cực đến quá trình chữa bệnh của ông bà, cha mẹ mình. Tuổi thọ của người VN đã tăng lên nhưng điều quan trọng là phải làm cho người già thấy thoải mái, sống vui vẻ” Bác sĩ Đặng Phi Yến |
Bà Ngát kể: “Bác sĩ bảo mổ nhưng tôi sợ liệt nên không dám, cứ 10-15 ngày đi khám rồi mua thuốc uống. Đau nhức lắm, nhiều đêm không ngủ được. Đi lại rất khó khăn, bất tiện, đi xa không được. Đứng lên ngồi xuống cũng rất khó khăn”. Còn ông Nguyễn Ngọc Anh, 61 tuổi, cũng sống tại Q.Phú Nhuận, bị đau khớp và thoát vị đĩa đệm sáu năm nay. Ông cho hay: “Không có tiền phẫu thuật nên bệnh ngày một nặng. Nhiều bữa đau quá tôi phải ngồi chịu trận. Giờ thấy mình yếu quá, chẳng làm được gì. Đã vậy men gan lại cao do hồi đi làm tôi uống rượu nhiều, nên phải kiêng mỡ, đồ biển, tuyệt đối là rượu. Có bệnh gì là khổ cái đó”.
Bệnh tật dường như trở thành một áp lực lớn với những người cao tuổi. Bác sĩ Đặng Phi Yến, trưởng phòng truyền thông Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, thông tin: tỉ lệ người cao tuổi từ 80 trở lên mắc trong người ít nhất một bệnh mãn tính không lây (như đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch, giảm trí nhớ, loãng xương, xơ vữa động mạch…) là 95%. Trung bình cứ một người 60 tuổi ở VN mắc 2,69 bệnh.
Bác sĩ Yến nói thêm: “Bệnh ở người già có thể do di truyền, có thể do hồi trẻ chủ quan, hoặc do chế độ ăn uống không đúng (uống nhiều bia rượu, ăn quá ngọt, quá béo), ít vận động… Người từ 60 tuổi trở lên dù không có bệnh vẫn nên đi khám sức khỏe định kỳ”. Bác sĩ Yến cũng tư vấn người già gặp một số bệnh mãn tính như loãng xương không nên đi cầu thang, ở phòng dưới tầng trệt, không để sàn nhà ướt trơn trượt, tối đi vệ sinh phải có con cháu dìu đi… Những người bị huyết áp, tim mạch phải đo huyết áp thường xuyên bằng máy huyết áp điện tử. Những người bị bệnh giảm trí nhớ cần giao tiếp nhiều với con cháu trong gia đình, hàng xóm, đọc báo và xem tivi. Mỗi ngày nên vận động 30 phút.
Song, việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hiện nay còn nhiều khó khăn. Theo bà Tô Thị Kim Hoa – phó giám đốc Sở Y tế kiêm chi cục trưởng Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình TP.HCM: “Trong vòng đời của mình, người cao tuổi VN có khoảng 15 năm sức khỏe yếu, xuất hiện nhiều bệnh tật. Hiện nay mô hình gia đình VN chuyển từ truyền thống (nhiều thế hệ, sống với con cháu) sang gia đình hạt nhân (ít thế hệ) nên việc chăm sóc người cao tuổi lúc bệnh tật, già yếu gặp nhiều khó khăn”.
Cần có người sống chung và được xã hội quan tâm
Tại hội nghị tổng kết công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình năm 2013 và kỷ niệm Ngày dân số VN diễn ra tại TP.HCM sáng 25-12, PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh (giám đốc Sở Y tế TP.HCM) cho biết: “Tuổi thọ trung bình của người TP.HCM khá cao với 75,1 tuổi (cả nước là 73 tuổi). Với tuổi thọ trung bình ngày càng cao và tỉ lệ người từ 60 tuổi chiếm 6,02%, TP đang chuẩn bị bước vào thời kỳ già hóa dân số”. Trong khi đó, bà Kim Hoa nhấn mạnh: “Các dịch vụ xã hội dành cho người cao tuổi chưa được chú ý phát triển, chế độ an sinh xã hội chưa được đầu tư chăm lo đúng mức. 60 tuổi đã được coi là người cao tuổi nhưng trong chế độ trợ cấp xã hội thì chỉ dành cho người 80 tuổi trở đi”…
Cũng tại hội nghị, một kết quả khảo sát của đội tuyên truyền viên lưu động (Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình TP.HCM) trên 430 người tại địa bàn TP.HCM cho thấy có hai nhu cầu chiếm tỉ lệ cao nhất ở người cao tuổi hiện nay là “cần có người sống chung” (77,7%) và “cần được xã hội quan tâm nhiều hơn” (76%), kế đến là nhu cầu “cần được ưu tiên khám chữa bệnh” (35,6%).
Từ tháng 9-2013, Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình TP.HCM đã triển khai thí điểm mô hình tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng tại sáu quận huyện và sáu phường xã, thị trấn; tổ chức ra mắt câu lạc bộ “Người cao tuổi giúp người cao tuổi”, “Đội tình nguyện viên hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn”. Năm 2014 sẽ mở rộng mô hình này ra trên toàn 24 quận huyện.
MY LĂNG