26/12/2024

Muôn ngả những nỗi đau

“Sớm được đón con về” là mong mỏi của gia đình hai cô dâu Việt đang phải điều trị tâm thần ở Phúc Kiến, Trung Quốc sau khi bị gia đình chồng ruồng bỏ, đánh đập.

Muôn ngả những nỗi đau

“Sớm được đón con về” là mong mỏi của gia đình hai cô dâu Việt đang phải điều trị tâm thần ở Phúc Kiến, Trung Quốc sau khi bị gia đình chồng ruồng bỏ, đánh đập.

 

Dựa vào số thông tin ít ỏi có được, chúng tôi tìm về Bắc Giang gặp gia đình của hai cô dâu Việt bị đẩy sang Trung Quốc. Cung đường ngoằn ngoèo cả tỉnh lộ và đường đất đưa chúng tôi đến huyện Tân Yên rồi Lục Ngạn.

Tân Yên cách TP Bắc Giang khoảng 20km, còn Lục Ngạn phải đi thêm khoảng 60km. Qua lời kể của người thân và gia đình, số phận bi đát của hai cô gái lần lượt được tái hiện.

Kèm theo câu chuyện ấy là niềm hi vọng lẫn nỗi ray rứt của gia đình và mong sớm được đón các cô về nhà.

Tấm lịch cũ và nỗi khắc khoải

Đã năm năm trôi qua kể từ ngày chị Trịnh Thị Hoa (27 tuổi) mất tích, mẹ Hoa là bà Trịnh Thị Lan (55 tuổi, xóm Hòa Minh, xã Hợp Đức, huyện Tân Yên) vẫn giữ tờ lịch nhỏ bằng lòng bàn tay xé ra từ cuốn lịch treo tường. Tờ lịch đề “Thứ sáu, ngày 7-8-2009”, trên tờ lịch có nét chữ nguệch ngoạc của bà Lan: “Ngày con gái đi chơi trưa rồi biệt tăm”.

Trưa 7-8-2009, sau khi ăn trưa xong, Hoa xin mẹ cho đi chơi với bạn tối mới về. Rồi Hoa mất tích. Bà Lan đã trình báo công an xã rồi gọi cho bạn bè, người quen tìm Hoa khắp lượt nhưng không có hồi âm.

Năm năm kể từ buổi trưa hôm ấy, hôm nay bà Lan mới lại được nhìn thấy con gái mình. Đó là khuôn mặt thất thần của cô gái cắt tóc ngắn như con trai, mặc đồ bệnh nhân trong một bệnh viện tâm thần Trung Quốc. Run run cầm tờ báo Tuổi Trẻ và nhìn hình con gái trên tay, nước mắt bà Lan chảy dài.

“Năm năm qua, người ta cứ nói con tôi chắc bị người ta buôn bán nội tạng rồi. Có lúc tôi nghĩ nó đã chết rồi, nhưng trong thâm tâm của một người mẹ, tôi vẫn hi vọng con còn sống. Dù đói khổ nhưng xưa còn có mẹ có con, từ khi nó mất tích tôi lủi thủi một mình. Khổ lắm! Nhục lắm!” – bà Lan nghẹn ngào.

Hoa là con gái duy nhất của bà Trịnh Thị Lan. Bà Lan chỉ cao 1,35m, nặng chưa đầy 30kg, cũng vì vậy mà bà không thể lập gia đình. Bà sinh Hoa rồi làm mẹ đơn thân. Hoa học đến lớp 9 thì nghỉ vì gia cảnh khó khăn, cô ở nhà phụ giúp mẹ làm nương rẫy, chăn nuôi.

Hơn một tháng chưa đón được cháu

Năm 20 tuổi bỗng dưng Hoa phát bệnh, đêm nằm cứ giãy giụa, khóc lóc, không nhận ra người thân… Gia đình đưa Hoa đi chữa trị ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang. Bác sĩ kết luận Hoa bị tâm thần phân liệt.

Hoa được chữa trị ở đó ba tháng rồi về, dù không khôi phục được tình trạng sức khỏe như trước đây nhưng Hoa đã nhận ra người thân, biết nấu cơm và làm các việc nhẹ để giúp mẹ.

Cũng từ đó có nhiều người đàn ông đến nhà tìm hiểu Hoa. Bà Lan đau xót cho biết họ phần lớn là đàn ông quá lứa, có vợ mất hoặc đã ly dị vợ… Rồi một trong số những người đàn ông mà bà Lan không biết tên đã dẫn Hoa đi mãi không về…

Khi chúng tôi đến, anh em gia đình bà Lan và bà con lối xóm kéo đến rất đông. Ai cũng tưởng Hoa về nên đến chia vui. Ông Trịnh Văn Khanh (cậu của Hoa) cho biết từ khi Hoa mất tích, bà Lan suy sụp cả năm trời không làm được gì. Ngôi nhà cô quạnh của hai mẹ con càng thêm lạnh lẽo.

“Từ khi biết tin nó còn sống, UBND xã mang giấy tờ và hình ảnh nó vào cho gia đình xem, thấy Hoa mập mạp, khỏe mạnh hơn, gia đình tôi phấn khởi lắm! Tưởng chỉ vài hôm là được đón cháu về nhưng đến nay đã hơn một tháng trôi qua vẫn chưa đón được cháu. Khổ thân mẹ cháu mong ngóng từng ngày….”.

Gia đình bà Lan đã gửi giấy tờ của Hoa gồm chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu sang Trung Quốc. Trao đổi với Tuổi Trẻ về trường hợp chị Trịnh Thị Hoa, ông Nguyễn Văn Vũ, trưởng Công an xã Hợp Đức, huyện Tân Yên – xác nhận vào năm 2009 cơ quan công an có nhận được trình báo của gia đình.

Theo đó, vào thời điểm tháng 8-2009 gia đình chị Hoa trình báo chị Hoa đi theo một người đàn ông và nghi ngờ bị bán sang Trung Quốc.

Đến tháng 11-2013, khi UBND xã Hợp Đức nhận được thông tin về việc chị Hoa bị bán sang Trung Quốc và đang được điều trị tại một bệnh viện tâm thần ở Trung Quốc, cơ quan công an cũng như chính quyền địa phương đều tạo mọi điều kiện như xác nhận các thủ tục về nhân thân, tạo điều kiện cho gia đình nhanh chóng đón chị Hoa về đoàn tụ với gia đình.

 

 

20 triệu đồng và người chồng câm, không địa chỉ

Khác với chị Hoa bị lừa bán, trường hợp cô dâu VN thứ hai là chị Tô Thị Hà (thôn Mới, xã Nghĩa Hồ, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) lại tự nguyện lấy chồng Trung Quốc. Gia đình Hà chỉ biết chồng chị là một người đàn ông bị câm, làm thợ xây ở Phúc Kiến.

Kể lại câu chuyện của em gái mình, chị Tô Thị Nguyệt (chị gái của Hà) vẫn chưa hết xót xa và bàng hoàng. Cơn sốt cao năm học lớp 2 đã làm Hà bị liệt hẳn tay phải.

Tay trái và đôi chân của Hà bị cong queo rồi yếu dần. Năm học lớp 3, tay phải không cầm bút được nữa nên Hà nghỉ học. Cũng từ sau cơn sốt ấy, lúc trái gió trở trời Hà lại không được bình thường, chửi bố mẹ, la mắng, hò hét… Gia đình phải đưa Hà đi chữa trị ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang một thời gian.

Năm 2010, nhờ sự mai mối của người quen, Hà dẫn về nhà một người đàn ông Trung Quốc và xin gia đình tổ chức đám cưới. Cho đến bây giờ cả mẹ ruột và chị gái Hà vẫn không thể nhớ nổi tên người đàn ông đó là gì, quê ở đâu.

“Em tôi nghĩ nhiều lý do nên mới chịu lấy chồng sang bên ấy. Một phần vì gia đình quá khó khăn, một phần vì em tôi bị tật nguyền và bệnh tật nên mới lấy chồng mong sao có người nương tựa” – chị Nguyệt cho biết.

Chết lặng nghe tin con

Đám cưới của Hà được tổ chức nhỏ gọn vào một ngày tháng 3-2010. Phía nhà trai chỉ có một mình chú rể. Sau đám cưới hai ngày, người đàn ông ấy đưa cho mẹ Hà 20 triệu đồng rồi dẫn Hà về Trung Quốc.

Đến năm 2011, Hà trở về quê thăm gia đình mà không than thở gì. Ai cũng nghĩ cô có cuộc hôn nhân hạnh phúc. Một tháng sau, Hà trở về Trung Quốc với chồng và mất liên lạc với gia đình từ đó đến nay.

Cuộc hôn nhân cũng không có đăng ký kết hôn. Mẹ Hà nhiều lần muốn đi tìm con gái nhưng bất lực vì tên con rể, địa chỉ gia đình con rể ở Trung Quốc gia đình bà cũng không có.

Mãi đến cuối tháng 11, khi phía Trung Quốc báo tin về thì bà Nguyễn Thị Thơm (52 tuổi, mẹ chị Hà) chết lặng khi biết Hà sang Trung Quốc, bị chồng đánh gãy chân và đuổi ra đường do không làm được việc nặng, phải nhập viện tâm thần.

 Giấy tờ tùy thân của chị Hà bị mất, bà Thơm đã gửi sổ hộ khẩu gia đình sang Trung Quốc với hi vọng sớm đón được con về, nhưng từ đó đến nay không nhận được tin tức gì của con nữa.

Chiều 23-12, ông Đỗ Ngọc Tùng, phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Hồ, khẳng định việc lấy chồng của chị Hà là cưới chui, không có đăng ký hợp pháp tại chính quyền địa phương. Cụ thể, thời điểm năm 2010, chị Hà lấy chồng có tổ chức cưới và sau đó vài ngày đã đi khỏi địa phương.

 

MINH QUANG – TÂM LỤA