26/11/2024

“Độ” cân móc túi người mua

Chỉ cần bỏ ra từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng, người buôn bán dễ dàng sở hữu chiếc cân độ để móc túi người mua một cách trắng trợn. Hiện nay trên địa bàn TP.HCM xuất hiện nhiều lò độ cân với chiêu thức tinh vi.

 

“Độ” cân móc túi người mua

Chỉ cần bỏ ra từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng, người buôn bán dễ dàng sở hữu chiếc cân độ để móc túi người mua một cách trắng trợn. Hiện nay trên địa bàn TP.HCM xuất hiện nhiều lò độ cân với chiêu thức tinh vi.

1. Thợ độ cân bắt đầu làm theo yêu cầu của khách

Tại tiệm A Danh có rất nhiều cân chuẩn bị độ để bán cho khách hàng - Ảnh: Công Nguyên

"Độ" cân móc túi người mua12

Thợ độ cân bắt đầu làm theo yêu cầu của khách

"Độ" cân móc túi người mua2

"Độ" cân móc túi người mua3

Dùng kềm chỉnh lò xo chiếc cân để ăn gian được 3 lạng

"Độ" cân móc túi người mua5

Sau khi chỉnh lò xo, thợ bắt đầu ráp lại

"Độ" cân móc túi người mua6

Bỏ quả cân 1 kg lên cân thử

 "Độ" cân móc túi người mua7

Cân nhảy lên 1,3 kg – Ảnh: Công Nguyên

Mỗi ký ăn gian vài lạng

 

 
 

Gắn chíp điện tử rồi thì bên tôi sẽ cấp cho khách hàng một cái điều khiển từ xa. Nếu mua hàng vào thì bấm nút điều khiển để giảm trọng lượng món hàng còn nếu bán ra thì bấm nút tăng ký

 

Hải, một thợ độ cân điện tử gần khu vực chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM)

 

 

Trong vai người cần mua một chiếc cân về buôn bán, chúng tôi được Hiệp, chuyên mua bán trái cây dạo khu vực đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) giới thiệu ra cửa hàng nằm dưới chân cầu vượt Gò Dưa (P.Tam Bình, Q.Thủ Đức) để tìm. Đúng như lời Hiệp, tại đây có hai tiệm chuyên buôn bán, sửa chữa cân theo yêu cầu.

Chúng tôi bước vào tiệm A Danh thì được một anh thợ trẻ đon đả: “Các anh muốn cân loại nào? Ở đây tùy theo trọng lượng cân mà quy ra tiền. Loại 5 kg thì 70.000 đồng, loại 30 kg thì gần 300.000 đồng. Đó là giá cân, còn làm lại cân non hay già là thêm tiền”. Thấy chúng tôi có vẻ chưa hiểu lắm, anh này tiếp tục giới thiệu: “Ở đây là cân cũ, tiệm mua về tân trang rồi bán lại. Nếu tiểu thương yêu cầu, chúng tôi sẽ chỉnh để ăn gian người mua…”.

Khi nghe chúng tôi nói mua cân 5 kg về bán trái cây dạo thì người này cười: “Vậy đơn giản rồi! 70.000 đồng và anh muốn ăn gian mấy lạng? Ở đây thường điều chỉnh để ăn gian khoảng 2 – 3 lạng là vừa. Có nghĩa khi khách mua 1 kg thì anh ăn được 2 – 3 lạng, khách mua nhiều thì anh ăn được càng nhiều…”.

Chúng tôi đồng ý chỉnh 3 lạng. Người thanh niên lấy một chiếc cân 5 kg mở vít và lôi ra một lò xo điều chỉnh mấy vòng rồi ráp lại. Anh ta bỏ cục cân 1 kg thì cân nhảy lên 1,3 kg. Người này bảo: “Được rồi đấy! Nếu lần sau cần điều chỉnh thì tới đây, tiền công 20.000 đồng/lần”. Lúc chúng tôi có mặt tại đây, có rất nhiều tiểu thương buôn bán lẻ tại khu vực chợ đầu mối Thủ Đức ghé vào độ cân để kịp buổi chợ chiều.

Cũng theo lời chỉ dẫn của các tiểu thương, chúng tôi tiếp tục mang cân đến khu vực chợ Kim Biên (Q.5) và chợ Lớn (Q.6) để tìm cơ sở điều chỉnh theo yêu cầu. Vào một tiệm sửa chữa và buôn bán cân gần chợ Kim Biên, khi nghe chúng tôi nói muốn điều chỉnh ăn gian 2 lạng, ông chủ tiệm quá hiểu và nói ngay: “Cái này dễ thôi, tiền công 20.000 đồng”. Vừa nói xong, ông này lấy chiếc kềm mở bung hai nắp của chiếc cân, rồi lấy chiếc lò xo ra ngoài mài mòn và điều chỉnh. Vừa làm ông ta vừa bảo: “Loại cân 5 kg này ăn 2 lạng một ký là vừa, chứ ăn nhiều dễ bị phát hiện lắm. Cái này, chỉ cần mài lò xo và điều chỉnh nó là được ngay. Mấy tiểu thương thường xuyên tới tiệm tôi để chỉnh, ăn gian từ 2 – 3 lạng. Còn loại cân hàng chục ký trở lên tôi cũng thừa sức điều chỉnh ăn gian vài ký”.

Còn Hòa, một thợ sửa cân trên đường Hậu Giang (Q.6) khẳng định với chúng tôi: “Ở đây em có chiêu chỉnh cân rất độc mà người mua và cơ quan chức năng khó phát hiện được. Nếu là khách vãng lai thì anh chỉ cần bỏ hàng lệch qua trái một tí đảm bảo ăn gian ít nhất 1 lạng. Cơ quan chức năng ở chợ có kiểm tra thì cũng khó mà phát hiện được. Nếu anh thích làm thì 100.000 đồng/lần”.

“Đảm bảo không ai phát hiện”

 

 
 

Tự mua cân bỏ túi để đi chợ

 

Nghi ngờ các tiểu thương gian lận khi cân, nhiều người đi chợ đã tự trang bị cho mình một chiếc cân mini bỏ túi mang theo để kiểm tra. Đã 2 năm trở lại đây, bà Trần Thị Hoa (58 tuổi, ngụ P.1, Q.Bình Thạnh) mỗi ngày đi chợ, luôn mang theo cân mini. Bà Hoa cho biết: “Cứ mua trái cây, thịt về nhà cân lại thì thiếu ít nhất 1 – 2 lạng. Nó không đáng bao nhiêu nhưng nghĩ mình bị lừa thì tức lắm. Có lần mua 2 kg cam, tôi lấy cân mini ra thử lại thì thấy thiếu 3 lạng, tôi làm ầm lên người bán mới bù thêm”.

 

 

Không chỉ có cân loại 5 hay 12 kg mới điều chỉnh ăn gian được, hiện nay cân có trọng lượng hàng trăm ký các thợ vẫn độ lại như thường. Được sự đồng ý của anh N. (40 tuổi) một người chuyên thu mua phế liệu tại Q.Thủ Đức, chúng tôi theo anh đi độ cân loại 150 kg. Theo tiết lộ của N., chiếc cân này anh đi độ để chuyên thu mua phế liệu của các mối từ miền Trung vào. Địa điểm mà N. dẫn chúng tôi đến là ngôi nhà nằm sâu trong hẻm QL1 P.An Bình, TX.Dĩ An, Bình Dương.

Tới nơi, người đàn ông có biệt danh anh Sáu tỏ ra rất thân quen: “Cân trở chứng rồi sao? Hôm trước tôi điều chỉnh ăn 1 lạng rồi, giờ ông thích sao để tôi làm luôn?”. Anh N. liền đáp: “Cuối năm hàng mua vô nhiều, anh chỉnh lên một tí nữa”. Ngay lập tức, ông Sáu mở cân, lấy ra chiếc lò xo mài mòn và đảo vài vòng rồi ráp lại như thường. Xong việc, ông Sáu cầm quả cân loại 2 kg bỏ lên thì cân chỉ nhảy 1,7 kg. Sau khi ráp nắp cân và bấm chì lại ông Sáu nói: “Cân này cũ lắm rồi đó, để hôm nào tôi kiếm cho ông cái khác, đảm bảo khó ai phát hiện được”.

Theo anh N., ông Sáu là người độ cân có tiếng tại khu vực này, những người mua bán phế liệu, gạo… đều là mối ruột của ông. “Một ký sắt thu vào bán ra lời chưa được 500 đồng, nếu không gian lận lấy gì mà sống? Khi mang phế liệu bán lại cho các công ty, tôi cũng thừa biết nó cũng ăn gian. Nhưng thôi, làm ăn lâu dài, nói cũng không đành, vì đó là luật rồi”, anh N. chia sẻ.

Trong vai một người cần mua chiếc cân lương thực về thu mua lúa. Chúng tôi tìm đến cửa hàng bán cân cũ nằm trên đường Hậu Giang (Q.6) thì được một thanh niên giới thiệu: “Cân lương thực loại 500 kg giá 4,5 triệu đồng. Còn độ lại theo yêu cầu thì sẽ tính tiền riêng. Tiệm em có người độ cân rất chuyên nghiệp anh yên tâm về chất lượng. Anh thích ăn bao nhiêu cũng làm được tất”. Khi chúng tôi nói có cách nào qua mặt được cơ quan chức năng khi vào kiểm tra không, thì anh này cười: “Tụi em làm xong, đóng chì niêm phong giống như nhà nước. Còn có phát hiện hay không tùy thuộc vào mối quan hệ của anh dưới địa phương chứ sao nói được”.

Tại tiệm sửa chữa, bán cân gần khu vực chợ đầu mối Thủ Đức còn có chiêu độ cân rất tinh vi mà người trong nghề cũng khó lòng mà phát hiện được. Hải, một thợ độ cân tại đây, tiết lộ: “Cân điện tử nay bị ma nhiều lắm. Nó gắn chíp vào, có điều chỉnh từ xa muốn ăn bao nhiêu thì nó bấm bấy nhiêu, khó phát hiện. Nhưng giá độ cân điện tử không hề rẻ đâu đó”. Theo Hải thì giá độ cân điện tử dao động từ 3 – 5 triệu/lần, thường dùng cho các loại cân có trọng lượng lớn để cân phế liệu, gạo, bột mì… Loại cân này khi gắn chíp điện tử thì có thể điều chỉnh tăng hay hạ tùy theo ý muốn của người điều khiển. Những khách hàng “chuộng” loại cân này thường là chủ các cửa hàng, đại lý mua bán với số lượng lớn.

Hải giải thích: “Gắn chíp điện tử rồi thì bên tôi sẽ cấp cho khách hàng một cái điều khiển từ xa. Nếu mua hàng vào thì bấm nút điều khiển để giảm trọng lượng món hàng còn nếu bán ra thì bấm nút tăng ký. Vậy thôi. Với chiêu này thì chủ có thể ăn từ 2 – 5 kg cho mỗi lần cân, làm như vậy đảm bảo không ai có thể phát hiện được”.

Công Nguyên - Đức Tiến