26/11/2024

Nhiều học sinh không có bữa cơm gia đình

Không được ăn cơm chung với cha mẹ cả tuần là tình trạng phổ biến của học sinh hiện nay.

 

Nhiều học sinh không có bữa cơm gia đình

Không được ăn cơm chung với cha mẹ cả tuần là tình trạng phổ biến của học sinh hiện nay.

 

Nhiều học sinh không có bữa cơm gia đình
Học sinh Trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (Q.Tân Bình, TP.HCM) tranh thủ ăn sáng tại trường – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

 

 

XEM THÊM ẢNH NHIỀU HỌC SINH KHÔNG CÓ BỮA CƠM GIA ĐÌNH TẠI ĐÂY

 

Mạnh ai nấy lo

Chiều 11.12, chúng tôi đến Trường THCS Colette (Q.3) đúng vào giờ tan trường. Tại khu vực cầu thang lên các phòng học, nhiều học sinh (HS) vội vàng ăn cơm hộp, bánh tráng trộn… để chuẩn bị cho buổi học thêm các môn lý, hóa lúc 18 giờ ngay tại trường.

Nguyễn Vũ Gia Huy, HS lớp 8/4 của trường này, cho biết: “Sáng em ăn bên ngoài rồi đi học. Trưa có khi em về nhà và ăn cơm một mình”. Chưa hết, từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần, Huy đều phải học thêm đến 5 môn: Anh văn, toán, lý, hóa, ngữ văn. Trong đó, môn lý và hóa Huy học tại trường vào thứ tư từ 18 – 21 giờ. Các môn khác thì Huy học ở các trường khác hoặc trung tâm Anh ngữ… Theo Huy thì hơn 21 giờ em mới về đến nhà. “Tắm rửa xong, em lại bắt đầu học bài và đi ngủ. Sáng hôm sau đi học tiếp”, Huy nói.

Ngô Minh Quân, HS lớp 8/4 của trường này, thì kể mình thường ở nhà ăn chung với người giúp việc, “Còn các thứ hai, ba, năm, sáu em đi học thêm phải tự mua thức ăn, riêng thứ ba và năm, mẹ mang đồ ăn đến trường”. Trần Tuấn Huy, HS lớp 9A2 Trường THCS Lý Phong, Q.5, thật thà cho biết: “Thường tối em đi học tới khoảng 21 giờ mới về nhà. Tắm rửa xong là học bài rồi đi ngủ nên không có thời gian nói chuyện với ba mẹ. Còn việc ăn chung với gia đình thì rất hiếm”.

Ngoài áp lực học hành của con cái, cha mẹ cũng lo công việc nên bữa cơm gia đình của HS ngày càng trở nên hiếm hoi. Bữa cơm chung nếu có thường rơi vào dịp cuối tuần, nhưng đó là khi bố mẹ không vướng tiệc tùng, con cái không vướng các lớp năng khiếu hay sinh hoạt câu lạc bộ hoặc con được cho “xả cảng” đi chơi 1 bữa trong tuần. Thành thử bữa cơm chung thực sự hiếm hoi.

Trần Tuyết Nhi, HS lớp 8 Trường THCS Tăng Bạt Hổ A, Q.4, tâm sự: “Đã từ lâu rồi, em không được ăn cơm chung với ba mẹ. Sáng em mua đồ ăn ở ngoài đem vào trường ăn, hoặc ăn ở căng tin. Trưa em ăn bán trú trong trường. Chiều về nhà thì hai chị em ăn cơm cùng nhau”. Nguyên nhân không có bữa cơm gia đình là do cha mẹ phải buôn bán, thường đi sớm và về rất trễ nên việc ăn uống… “mạnh ai nấy lo”.

 

Nhiều học sinh không có bữa cơm gia đình
Học sinh Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM) tranh thủ ăn cơm hộp sau giờ tan trường, chờ học thêm môn lý, hóa – Ảnh: Minh Luân

 

“Mong ngày nào cũng được ăn với ba mẹ”

Thiếu những bữa cơm gia đình khiến cha mẹ, con cái không có thời gian trò chuyện với nhau nên những thành viên trong gia đình không hiểu nhau, cảm thấy mơ hồ về nhau. Có trường hợp HS còn không biết cha mình làm nghề gì. C.V, HS lớp 5, Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, cho hay: “Mẹ con làm thú y nên đi làm sớm lắm. Còn ba làm nghề gì con cũng không biết nữa”.

Khi tiếp xúc với chúng tôi, hầu hết các HS đều cho rằng rất mong muốn có bữa cơm chung với cha mẹ. Quang Huy, HS lớp 7/4 của Trường THCS Colette, thổ lộ: “Em muốn được ăn cơm chung với ba mẹ lắm vì em cũng muốn nói nhiều chuyện với ba mẹ, nhất là chuyện học hành cũng như nghe ba mẹ kể chuyện gì đó trong bữa ăn. Nhưng chỉ thỉnh thoảng thì ước mơ đó của em mới thành hiện thực”. Cũng như vậy, Đặng Ngọc Yến Dung, HS lớp 5/5, Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, mong muốn ngày nào cũng được ăn cơm chung với ba mẹ. Dung nói: “Thứ bảy và chủ nhật em được ăn cơm với ba mẹ, em thích lắm. Em lại thích đồ ăn của mẹ nấu nữa, vì nó ngon và em ăn được nhiều. Em chỉ mong ngày nào cũng được ăn với ba mẹ”.

 

 
 

Có muốn ăn cơm chung với ba mẹ cũng không được vì em đi học thường 9 giờ tối mới về nhà. Lúc đó cả nhà em đã ăn cơm xong rồi

 

Trần Tuấn Huy
HS lớp 9A2 Trường THCS Lý Phong, Q.5, TP.HCM

 

 

Áp lực từ học thêm

Về phía phụ huynh, nhiều người cho rằng do lịch học của con dày đặc và công việc bận bịu nên dù có muốn ăn cơm chung cả gia đình cũng không được.

Một phụ huynh của Trường THCS Lý Phong cho biết: “Bây giờ con học cả ngày, rồi phải đi học thêm nữa, còn tôi thì bận buôn bán. Làm sao mà ăn chung được, dù bản thân mình cũng muốn lắm”. Bà Đặng Thị Hồng (bà ngoại của Châu Nhuận Phát, HS lớp 6A4 Trường THCS Lý Phong) nói: “Mỗi ngày, tôi đều phải đưa đón cháu đi học, đi học thêm. Từ thứ hai đến thứ bảy, ngày nào cháu cũng đi học thêm. Tối về, may lắm tôi mới có thể trò chuyện với cháu chừng 15, 20 phút. Còn nếu không cho cháu học thêm thì lại sợ cháu không theo kịp bạn bè”.

Sự thật này diễn ra với phần lớn HS. Trần Tuấn Huy, HS lớp 9A2, Trường THCS Lý Phong, chia sẻ: “Có muốn ăn cơm chung với ba mẹ cũng không được vì em đi học thường đến 9 giờ tối mới về nhà. Lúc đó cả nhà đã ăn cơm xong rồi”.

Theo các giáo viên, nguyên nhân của tình trạng này là HS phải đi học thêm quá nhiều. Chứng minh điều này, bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, kể: “Cứ vào các buổi chiều, khi tan trường thì có nhiều phụ huynh mang cơm đến, đút cho con ăn tại trường. Ăn xong, phụ huynh lại chở con đến nơi khác học tiếp”.

Ông Trần Đình Tư, giáo viên Trường THPT Long Thới, H.Nhà Bè, nhìn nhận: “Nguyên nhân của việc học sinh không có bữa ăn gia đình xuất phát từ áp lực học thêm. Mặt khác, phụ huynh cũng muốn cho con đi học thêm với mục đích là học giỏi hơn, thi đậu các kỳ thi. Cứ vào mỗi chiều tan trường, phụ huynh lại cho con ăn vội vàng rồi đến lớp học thêm tiếp. Như vậy thì làm sao học sinh có được bữa ăn gia đình đúng nghĩa được?”.

 

Ý kiến:

 

Thời tôi đâu học dữ vậy

“Thời của tôi, đâu học dữ như vậy. Cứ tới giờ ăn là anh chị em có đi đâu cũng phải chạy về ăn cơm với cha mẹ. Tại bàn ăn, chúng tôi được nghe ba mẹ kể chuyện quá trình nuôi chúng tôi khôn lớn, những lúc gia đình gặp khó khăn… Nhưng bây giờ thì làm sao HS có được những khoảnh khắc như vậy”.

Bà Đặng Thị Hồng
(bà ngoại của một HS ở Q.5, TP.HCM)

Phụ huynh có thể làm được

“Bữa cơm gia đình rất quan trọng với các thành viên, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ với con cái. Trong bữa cơm, qua những câu chuyện, cha mẹ hiểu con mình hơn, chia sẻ động viên con vượt qua chuyện buồn hoặc khó khăn gặp trong ngày. Theo tôi, dù bận bịu công việc đến mấy, phụ huynh hoàn toàn có thể chủ động để có được một bữa cơm gia đình ấm cúng trong ngày”.

Ông Trần Khắc Huy
(Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên, Sở GD-ĐT TP.HCM)

Sống chung một ngôi nhà chứ không phải một gia đình

“Bữa ăn gia đình chính là sợi dây liên kết các thành viên trong gia đình lại với nhau, là nơi các thành viên chia sẻ những vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Mỗi thành viên là một người riêng lẻ, họ có thế giới riêng nhưng thế giới riêng đó nếu không có sự kết nối với nhau thì họ sẽ như những người xa lạ ngoài xã hội. Từ đó dẫn đến chuyện họ là những người sống chung một ngôi nhà chứ không phải là một gia đình. Nếu không có bữa cơm, ít thấu hiểu nhau, dây liên kết lỏng ra, dễ bị đứt”.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

 

Minh Luân