TP.HCM quyết liệt trấn áp tội phạm

Trước tình hình trật tự an toàn xã hội đang diễn biến phức tạp, chiều 8-12 UBND TP.HCM tổ chức hội nghị phối hợp giữa các địa phương thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm.

TP.HCM quyết liệt trấn áp tội phạm

Trước tình hình trật tự an toàn xã hội đang diễn biến phức tạp, chiều 8-12 UBND TP.HCM tổ chức hội nghị phối hợp giữa các địa phương thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm.

 

 

Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Phúc – ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng Chính phủ – chỉ đạo các địa phương, các lực lượng phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, bằng mọi giá phải trấn áp mạnh tội phạm nói chung và đặc biệt là tội phạm băng nhóm có tổ chức.

Đây là cuộc họp thứ ba trong vòng ba ngày gần đây đề cập sự cấp bách trong việc phòng chống tội phạm có tổ chức đang ngày càng công khai, lộng hành tại TP.HCM và các vùng trọng điểm.

 

Tội phạm băng nhóm “nóng” ở vùng ven

Tại hội nghị, thiếu tướng Phan Anh Minh – phó giám đốc Công an TP.HCM – công bố các số liệu thống kê cho thấy tình hình phạm pháp hình sự tại TP trong năm 2013 có nhiều diễn biến phức tạp. Tổng số vụ phạm pháp hình sự được ghi nhận là hơn 6.200 vụ, tăng 290 vụ, tương đương gần 5% so với năm 2012, làm chết 133 người, bị thương 758 người và gây thiệt hại khoảng 90 tỉ đồng. Báo cáo của ông Minh cho thấy có tới bảy loại án nghiêm trọng được kéo giảm gồm: cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật…

Tuy nhiên, sáu loại án khác lại tăng, cụ thể: án giết người tăng gần 19%, hiếp dâm tăng hơn 42%, bắt cóc trẻ em tăng 200%, trộm tài sản tăng hơn 10%… Các loại tội phạm khác như tội phạm về ma túy, tội phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả đều có xu hướng tăng về tính chất, mức độ.

Đặc biệt, ông Minh cho biết số vụ phạm pháp tập trung nhiều tại khu vực quận, huyện vùng ven như Bình Thạnh (496 vụ), Tân Bình (456 vụ), Gò Vấp (446 vụ), Bình Tân (393 vụ). Theo đánh giá của Công an TP, các đối tượng gây án thường là người không có công việc ổn định, người ở các tỉnh, TP khác tập trung vào TP. Ngoài ra còn có các đối tượng nhiều tiền án tiền sự, có lệnh truy nã của công an các địa phương khác tập trung theo luồng di chuyển người lao động về TP. Các đối tượng có “nguy cơ cao” tại TP là người từ các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, các đối tượng phạm pháp hình sự mãn hạn tù, người tái hòa nhập sau cai nghiện chưa có công việc ổn định còn nhiều. Trong khi đó, công tác quản lý sau cai nghiện, cai nghiện tại cộng đồng còn nhiều bất cập, không được tổ chức phối hợp chặt chẽ khiến tình hình khó dự đoán và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Trước đó, thống kê của Bộ Công an cho thấy từ năm 2011-2013, cả nước triệt phá hơn 12.500 ổ nhóm tội phạm có tổ chức, bắt gần 42.000 đối tượng (tăng 10,5% số vụ và gần 13% số đối tượng so với ba năm trước đó). Liên quan tới tình hình tội phạm băng nhóm, ông Minh cảnh báo: “Công an TP ghi nhận tình trạng cố ý gây thương tích mang dấu hiệu thanh toán lẫn nhau thường liên quan tới các băng nhóm từ phía Bắc vào TP.HCM. Các băng nhóm này tranh giành lợi ích trong các hoạt động kinh doanh nhạy cảm”.

 

Không để dân sợ xã hội đen

Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng – phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an – đánh giá: tội phạm có tổ chức là vấn đề hết sức đáng quan tâm, các băng nhóm đang ngày càng chi phối nhiều hoạt động trong xã hội, từ đâm thuê chém mướn, cướp giật, trộm cắp tới các hoạt động về ma túy, kinh tế, điển hình vụ để lọt 600 bánh heroin qua sân bay Tân Sơn Nhất là một vấn đề rất lớn. Theo ông Nguyễn Phi Hùng, nhiều trường hợp người dân mang đơn thưa đòi nợ tới cơ quan công an thì được trả lời là vụ việc dân sự, không xử lý. Họ đưa cho xã hội đen, các băng nhóm xã hội đen cho người mang mã tấu tới nhà dọa chém, dọa giết, phía bên kia phải trả tiền. Điều đó khiến người dân sợ xã hội đen, tội phạm không sợ công an.

“Tội phạm có tổ chức hoạt động có quá trình lâu dài, xâm nhập từng ngày từng giờ nên không thể nói cảnh sát khu vực, trưởng công an phường, thậm chí công an quận, TP không biết được. Cái khó hiện nay là quan hệ chằng chịt giữa các băng nhóm tội phạm với người có trách nhiệm. Các băng nhóm tội phạm lắm của nhiều tiền, nhất là sẵn sàng dùng đao búa. Vì vậy chúng ta cần xây dựng lại đội ngũ cán bộ, đưa những người có tâm, có tài tới những khu vực trọng điểm và chuẩn bị tốt để có lực lượng dám đối đầu, đấu tranh với loại tội phạm này” – ông Nguyễn Phi Hùng nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Công an TP kéo giảm được bảy loại tội phạm nghiêm trọng, làm tăng uy tín của lực lượng công an với người dân. Ông Phúc yêu cầu: “Lực lượng Công an TP phải đánh mạnh, đánh quyết liệt hơn nữa vào loại tội phạm băng nhóm xã hội đen, băng nhóm có tổ chức, đòi nợ thuê… Đánh làm sao để các loại tội phạm chùn tay, khiếp sợ để tạo bình yên xã hội cho địa bàn TP”. Phó thủ tướng chỉ đạo Công an TP, công an các tỉnh lân cận không làm ngơ, không bảo kê, không tiếp tay, dung túng các loại tội phạm. “Phải luân chuyển cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn, có biểu hiện tiếp tay, bảo kê cho tội phạm. Một số loại tội phạm vẫn ngang nhiên lộng hành là do có sự dung túng, không quyết tâm triệt phá từ đội ngũ cán bộ công an, dù điều này chỉ là con sâu làm rầu nồi canh” – ông Phúc nêu rõ. Phó thủ tướng còn yêu cầu các địa phương phải phối hợp nhịp nhàng, thực hiện các giải pháp, mở các đợt cao điểm đồng bộ trấn áp tội phạm, tránh việc TP.HCM mở cao điểm, tội phạm chạy qua Đồng Nai, mở cao điểm trấn áp mà như dồn tội phạm chạy lòng vòng sẽ không hiệu quả.

Phát biểu tổng kết hội nghị, ông Lê Hoàng Quân – ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch UBND TP.HCM – khẳng định tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng, ghi nhận ý kiến của các đại biểu và sẽ chỉ đạo các địa phương, sở ngành kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp để tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội cho người dân TP.

 

 

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu kiểm điểm

Liên quan vụ để lọt 600 bánh heroin, chiều 8-12 Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết đã chỉ đạo các địa phương, các cơ quan liên quan kiểm điểm trách nhiệm về việc vì sao để một lượng lớn ma túy xâm nhập vào TP mà không phát hiện.

Theo ông Lê Hoàng Quân, không chỉ có lực lượng an ninh sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng hải quan phải kiểm điểm trách nhiệm, các cán bộ cấp quận huyện, các ngành liên quan đều phải tự kiểm tra, kiểm điểm lại trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước. Ông Lê Hoàng Quân còn yêu cầu không chỉ ngành công an, lãnh đạo các địa phương, các đơn vị đều phải nâng cao trách nhiệm, chủ động trong công tác phòng chống tội phạm để tránh các trường hợp tương tự xảy ra.

 

 

GIA MINH – ĐỨC THANH