23/01/2025

40 tuổi háo hức học toán lớp 1

Ngoài sách toán lớp 1 trong nước, tôi còn lên Internet tìm kiếm giáo trình lớp 1 của Mỹ để tìm hiểu xem họ dạy những gì cho học sinh lớp 1. Tôi thật bất ngờ ở cách họ tiếp cận cách dạy toán cho học sinh lớp 1: sáng tạo và thực tế hơn hẳn so với cách tiếp cận khô khan và nghèo nàn của sách giáo khoa của ta.

40 tuổi háo hức học toán lớp 1

Năm nay con tôi vào lớp 1 một trường công lập. Thế là tôi được “phân công” kèm con môn toán vì một lý do đơn giản: hồi đi học tôi giỏi toán hơn vợ. Do có thời gian làm giáo viên nên mặc dù là toán lớp 1, tôi vẫn tiến hành đọc và tham khảo tài liệu khá bài bản. Ngoài sách toán lớp 1 trong nước, tôi còn lên Internet tìm kiếm giáo trình lớp 1 của Mỹ để tìm hiểu xem họ dạy những gì cho học sinh lớp 1. Tôi thật bất ngờ ở cách họ tiếp cận cách dạy toán cho học sinh lớp 1: sáng tạo và thực tế hơn hẳn so với cách tiếp cận khô khan và nghèo nàn của sách giáo khoa của ta. 

Thứ nhất, họ cho trẻ con lớp 1 làm quen với những ý niệm phức tạp ở dạng sơ khai nhất, sau đó sẽ dần dần làm phức tạp lên ở các cấp học sau cho đến lớp 12 một cách có hệ thống. Ví dụ, toán lớp 1 dạy phân số đơn giản 1/2, 1/3, 1/4; thống kê đơn giản và vẽ đồ thị cột; khối hình không gian đơn giản như hình cầu, hình nón, hình hộp, hình trụ với các hình minh họa thực tế trong cuộc sống… (trong khi ở VN các khái niệm này chỉ có ở các lớp sau).

Thứ hai, họ dạy cho trẻ thấy được toán được vận dụng vào cuộc sống như thế nào. Ví dụ, một trong những bài tập là đưa cho trẻ một tờ báo và đề nghị các em tìm kiếm tất cả con số trong trang báo và cho biết các con số đó được dùng để làm gì. Trong bài tập này, tôi cùng con tìm và “phát hiện” trong một trang báo Tuổi Trẻ rất nhiều cách dùng của các con số: số để ghi ngày tháng năm, số để viết giờ, số để đánh số trang báo, số để ghi giá tiền, số để làm số điện thoại, số để làm địa chỉ nhà, số để chỉ kênh truyền hình, số để đánh số tập phim, số để ghi tỉ số trận đấu…

Thứ ba, qua học toán mà có cơ hội phát triển đa kỹ năng. Một dạng bài tập khác là cho trẻ đi khảo sát mười người xem họ thích thức uống gì trong danh sách ba thức uống, sau khi có kết quả trả lời thì vẽ đồ thị dạng cột về sở thích thức uống và trả lời các câu hỏi như loại thức uống nào được nhiều người thích nhất, loại nào ít được ưa thích nhất. Khi làm bài tập này, con trẻ làm quen với việc khảo sát ý kiến. Đầu tiên là đặt ra mục tiêu cần hoàn thành: phải hỏi được mười người. Tiếp đến là kỹ năng giao tiếp đơn giản: tiếp cận và đặt câu hỏi để nhận được câu trả lời. Sau đó là một loạt câu hỏi “mình hỏi ai tiếp nào? làm sao hỏi đây?”. Thế là con có dịp “giải quyết vấn đề” nho nhỏ.

Con tôi mới đầu chỉ hỏi những người trong nhà, nhưng hỏi hết rồi mà vẫn thiếu hai người. Tôi gợi ý bé hỏi bạn trong lớp, bé mới cho biết là “con mắc cỡ lắm”. Thế là hai cha con có dịp trao đổi với nhau “vì sao con mắc cỡ?” và kết luận bằng một “lời hứa” sẽ hỏi hai bạn khi đến lớp ngày mai. Chiều mai, con về và cho biết con quên hỏi các bạn rồi. Như thế là câu chuyện tiếp theo xoay quanh “đã hứa mà không giữ được lời” là việc không nên…

Còn nhiều cái khác có thể học hỏi mà không thể kể ra dài dòng ở đây. Chính vì vậy mà ở tuổi 40 hiện tại tôi vẫn đang say mê học lại lớp 1 cùng con khi có thể. Từ một vài quan sát như trên, tôi trộm nghĩ nếu cứ được giáo dục theo cách như hiện tại, con em mình có lẽ sẽ không theo kịp con em nước người ta mất rồi. Gần đây lại nghe tin giáo dục của ta sắp tiếp tục được cải cách sau bao nhiêu cải cách trước đó. Lại một lần vẩn vơ với câu hỏi: khi nào giáo dục của ta sẽ được như của người ta? Đường dài bắt đầu từ những bước đi đầu tiên. Thôi thì xem người ta đang làm những gì mà tốt hơn và phù hợp với mình thì học hỏi. Việc này phải chăng là quá tầm tay?

LÊ CHIẾN THẮNG