Có bao nhiêu con thỏ được tuyên là gấu?
Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình hôm qua đã trả lời chất vấn, với hơn 20 ĐB nêu câu hỏi nóng xoay quanh tình trạng oan sai, bức cung nhục hình, chất lượng cán bộ toà án…
Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình hôm qua đã trả lời chất vấn, với hơn 20 ĐB nêu câu hỏi nóng xoay quanh tình trạng oan sai, bức cung nhục hình, chất lượng cán bộ toà án…
|
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đã đặt vấn đề khi đề cập đến vụ án Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội chung thân, sau 10 năm mới minh oan, gây bức xúc trong dư luận: “Người ta cho rằng nhất nhật tại tù mà ngàn thu tại ngoại. Vậy trách nhiệm của Tòa án đến đâu và Chánh án có giải pháp gì để minh oan, xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho người dân và liệu có còn bao nhiêu con thỏ mà chúng ta lại tuyên là con gấu hay không?”.
ĐB Thuyền hỏi tiếp: “Hằng năm vẫn có hàng chục ngàn đơn đề nghị giám đốc thẩm và tái thẩm, vậy Chánh án có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng xét xử, lấy lại lòng tin của nhân dân”.
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng để xảy ra oan sai không chỉ trách nhiệm của ngành tòa án mà còn cả Viện KSND và công an. “Thời gian qua có những phản ánh về việc một số bị can bị điều tra viên ép cung, bức cung, nhục hình nên buộc phải nhận tội mà mình không thực hiện, các vị có giải pháp gì để chống vi phạm này?” ĐB Nga đặt câu hỏi.
Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho biết mỗi năm các cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý giải quyết trên 100.000 vụ án hình sự. Việc đấu tranh với tội phạm là công việc khó khăn vất vả, có trường hợp phải hao tổn xương máu nên cả công an, công tố và thẩm phán phải chịu áp lực lớn. Đa số đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán là những người được tuyển chọn cẩn thận, đào tạo bài bản nhưng trên thực tế vẫn để xảy ra oan sai. “Chúng tôi nghĩ rằng về bình diện chung thực tế thì bất cứ một nền tư pháp của đất nước nào, kể cả những nước có nền pháp luật tiên tiến thì cũng không tránh khỏi có tình trạng oan sai và VN chúng ta cũng nằm trong thực tế đó. Tuy nhiên, việc để xảy ra oan sai, nhất là oan đối với những người bị buộc tội ở mức án cao nhất như 20 năm, chung thân, tử hình là không thể chấp nhận được”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, năm 2013, ngành tòa án đã giải quyết được 63,3% đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, cao nhất từ trước đến nay. Trong năm đã có khoảng 11.000 đơn, gồm cả năm trước chuyển sang, đến nay còn lại khoảng 4.000 đơn. Tỷ lệ đơn trên so với 370.000 vụ xét xử thì không phải lớn và chưa đánh giá đúng về uy tín của ngành tòa án, tuy nhiên đã phản ánh có việc sai phải sửa trong các vụ án dân sự và oan sai trong vụ án hình sự, là điều chưa đạt được yêu cầu của QH và của nhân dân.
Nói ép cung thì phải chứng minh
Đề cập đến câu hỏi của ĐB có hay không tình trạng ép cung nhục hình, ông Trương Hòa Bình cho biết trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, Bộ Công an đang kiểm điểm lại quá trình điều tra: “Nếu có chúng tôi nghĩ rằng đó là điều cũng không thể chấp nhận được, nhưng nếu có cũng phải được chứng minh”.
“Nếu như cán bộ nào vi phạm, công an, kiểm sát, tòa án đều phải được xử lý, đó là điều khẳng định. Nếu không phải như thế thì chúng ta cũng không thể kết luận một cách vội vàng bởi vì đây còn liên quan đến tinh thần, ý chí, chí công đối với tội phạm. Nếu không khéo thì sẽ làm nhụt ý chí là chùn bước những người đang làm một nhiệm vụ”, ông Bình nói.
Xử lý chánh án nếu xử nhẹ tham nhũng
Đề cập đến tình trạng xử lý tội phạm tham nhũng, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) dẫn chứng có tòa án tỉnh trong 2 năm rưỡi xử 10 bị cáo tham nhũng thì đều tuyên các bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, có tòa xử 9 bị cáo thì cho 8 người hưởng án treo. Điều này khiến dư luận cho rằng tòa xử nghiêm với dân còn ưu ái cho cán bộ, không loại trừ tiêu cực: “Theo chánh án, việc xét xử của tòa án này có đúng pháp luật hay không? Liệu có tác dụng gì cho giáo dục riêng, phòng ngừa chung và phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương?”.
Cùng chất vấn về nội dung này, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) đặt câu hỏi: “Nguyên nhân thì có nhiều nhưng theo tôi nguyên nhân chính thuộc về lỗi chủ quan của đội ngũ thẩm phán TAND các cấp. Đề nghị chánh án cho biết với trọng trách là người đứng đầu ngành, ông có cam kết trước QH quyết tâm của chánh án và ngành sẽ khắc phục ngay yếu kém trên đến mức thấp nhất trong năm 2014 hay không”.
Trả lời chất vấn, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết vẫn còn một số tòa án địa phương xử nhiều án treo đối với tội phạm tham nhũng, nhưng phần lớn đã xảy ra nhiều năm trước. “Thời gian qua đối với những vụ án tham nhũng, đối với những vụ án trọng điểm có hành vi tham nhũng trong nhóm tội phạm về tham nhũng và có tài sản, tiền bạc của nhà nước bị chiếm đoạt, bị thất thoát lớn thì tòa án đều đưa ra xét xử nghiêm minh với mức án cao nhất theo cáo trạng truy tố, tòa án không xử nhẹ, điều đó có thể khẳng định, các vụ án nhỏ thì chúng tôi đã phát hiện và có kháng nghị”, ông Bình nói.
Chánh án khẳng định bên cạnh việc xử lý kỷ luật thẩm phán trực tiếp xét xử cũng phải xử lý cả tránh nhiệm của chánh án nếu tiếp tục xảy ra tình trạng này.
Lắp camera giám sát hỏi cung Từ vụ Nguyễn Thanh Chấn, ĐB Lê Thị Nga đề xuất 2 giải pháp: lắp camera giám sát những cuộc hỏi cung và nghiên cứu giao việc tạm giữ, tạm giam cho một ngành khác không phải là công an để tránh việc cùng một chủ thể vừa có trách nhiệm điều tra lại vừa giam giữ. Trong phần hỗ trợ trả lời Chánh án TAND tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết việc lắp đặt camera giám sát đã được thực hiện tại một số địa phương trọng điểm, để mở rộng cần phải xin thêm kinh phí từ Chính phủ. Để khắc phục tình trạng oan sai, nhục hình, Bộ trưởng Công an cho biết đang chỉ đạo cơ quan điều tra thực hiện một số chủ trương giải pháp như thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về điều tra, xử lý tội phạm, nhất là các quy định trong bộ luật Tố tụng hình sự về bảo đảm quyền bào chữa người bị tạm giữ, bị can, bị cáo cũng như tạo điều kiện để người bào chữa tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật; yêu cầu cơ quan điều tra và điều tra viên ngoài việc thu thập chứng cứ buộc tội phải chú trọng thu thập chứng cứ vô tội; Quy định rõ điều tra viên có trách nhiệm bảo đảm cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can được quyền bào chữa và thực hiện thuận lợi để luật sư tham gia bào chữa theo quy định của pháp luật…
|
Thái Sơn