12/01/2025

Lý do trở thành thầy giáo, thầy thuốc

Một cuộc khảo sát nhỏ được thực hiện gần đây cho thấy dù giáo viên và bác sĩ là 2 nghề liên quan mật thiết đến con người, nhưng mục đích lựa chọn của sinh viên vào học 2 ngành này khác nhau nhiều.

 

Lý do trở thành thầy giáo, thầy thuốc

Một cuộc khảo sát nhỏ được thực hiện gần đây cho thấy dù giáo viên và bác sĩ là 2 nghề liên quan mật thiết đến con người, nhưng mục đích lựa chọn của sinh viên vào học 2 ngành này khác nhau nhiều.

 

 Lý do trở thành thầy giáo, thầy thuốc
Hình ảnh tốt đẹp của thầy cô giáo cũ cũng là lý do kiến học sinh chọn nghề giáo – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Trong cuộc khảo sát nghề nghiệp dành cho các học sinh độ tuổi từ 7-14 ở Malaysia và Singapore năm 2012 do Công ty Adecco (Singapore) thực hiện, bác sĩ và giáo viên là hai nghề được chọn lựa nhiều nhất. Theo kết quả từ cuộc khảo sát do Tổ chức GEMS (Vương quốc Anh) thực hiện năm 2013, ở Trung Quốc, giáo viên là nghề được xã hội kính trọng nhất. Cũng theo kết quả khảo sát này thì ở Trung Quốc giáo viên được so sánh với nghề bác sĩ. Cả 2 nghề này nhận được sự kính trọng và quan tâm của xã hội, nhất là ở các nước trong khu vực gần chúng ta như Trung Quốc, Malaysia, Singapore.

Chúng tôi đã tiến hành một khảo sát nhỏ, trên 300 sinh viên (SV), học sinh (HS) của trường ĐH Sư phạm TP.HCM; ĐH Khoa học tự nhiên; Khoa Y, Trường phổ thông Năng khiếu (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) với mẫu câu hỏi đơn giản: “Tại sao bạn muốn trở thành bác sĩ hoặc giáo viên?”. Kết quả khảo sát tuy chưa thực hiện trên quy mô đủ lớn để đưa ra những kết luận chính xác nhưng cũng bao hàm nhiều luận điểm đáng quan tâm.

Chưa tới 50% chọn nghề giáo vì đó là nghề cao quý

Hơn 90% ý kiến cho rằng trở thành giáo viên là để truyền đạt kiến thức cho HS và cho con em của gia đình mình. Tương tự, hơn 90% số ý kiến cho rằng trở thành bác sĩ là để khám chữa bệnh cho mọi người, trong đó bao gồm cả người thân trong gia đình.

Truyền thống gia đình cũng là lý do khiến SV chọn nghề giáo viên hoặc bác sĩ. Đối với các SV ngành sư phạm, có đến 76% ý kiến cho rằng có sự tác động của gia đình trong việc chọn nghề trong khi với SV khoa y, con số này ít hơn, khoảng 58%.

Có đến 74% chọn làm bác sĩ vì yêu thích, vì có ước mơ từ nhỏ trong khi chỉ có 46% các bạn chọn ngành sư phạm vì lý do này.

65% ý kiến chọn nghề bác sĩ vì đó là nghề cao quý, được xã hội kính trọng. 42% ý kiến chọn nghề giáo viên với cùng lý do này.

Được học tập, nghiên cứu, không ngừng trau dồi kiến thức cũng là một lý do được 34% và 19% số người theo ngành y và ngành sư phạm chọn.

Do không đóng học phí

Hơn 80% số ý kiến của SV Trường ĐH Sư phạm cho rằng họ chọn trường này vì không phải đóng học phí. Một số khác cho rằng sư phạm là ngành có điểm chuẩn vừa phải hoặc do không đậu nguyện vọng 1. Gần một nửa chọn ngành sư phạm vì mong muốn có cuộc sống ổn định, giản dị, được nhận lương hưu, được nghỉ hè. Thần tượng thầy cô giáo cũ, muốn được sống lại thời HS, muốn được tiếp xúc với các em nhỏ cũng là những lý do khiến các SV chọn ngành sư phạm.

Trong khi đó, có đến hơn 80% số ý kiến của SV chọn ngành y là vì muốn có thu nhập cao, muốn trở thành những người có địa vị trong xã hội, muốn được thể hiện bản thân. Khoảng 32% số người chọn bác sĩ vì muốn được làm những công việc trong môi trường thách thức, áp lực. Một số ít khác chọn bác sĩ vì dễ xin việc do có người thân quen.

 

Mong người làm nghề xứng đáng với chữ Thầy

 

Chỉ khoảng 6% SV-HS cho biết chọn nghề giáo viên hoặc bác sĩ với mong muốn thay đổi hình ảnh người thầy trở nên tốt đẹp hơn trong xã hội. Tỷ lệ này tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa quan trọng vì tận trong sâu thẳm, những nhà giáo, bác sĩ tương lai ý thức cần phải giữ gìn hình ảnh cao quý của 2 nghề được xem là cao quý trong xã hội.

Một SV Khoa Y, ĐH Quốc gia TP.HCM viết: “Thầy giáo và thầy thuốc đều chung một chữ “Thầy”, đều có chung một trách nhiệm truyền đạt kiến thức. Tuy nhiên, gần đây vai trò truyền đạt kiến thức phòng chữa bệnh của người thầy thuốc cho bệnh nhân ngày càng mờ nhạt. Ở bệnh viện, bác sĩ chỉ thực hiện khám chữa bệnh và kê toa thuốc mà ít giao tiếp, giải thích với bệnh nhân. Em muốn sau này mình không chỉ làm tốt việc khám chữa bệnh mà còn làm tốt công việc truyền đạt kiến thức phòng bệnh”.

Một SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tâm sự: “Em chọn nghề sư phạm một phần vì gia đình em rất nghèo, không đủ tiền đóng học phí, một phần vì em rất thần tượng cô giáo chủ nhiệm. Cô là một tấm gương cho rất nhiều thế hệ học trò chúng em vì lòng yêu nghề, vì sự tận tụy, hy sinh. Em thấy bác sĩ và giáo viên đều là những nghề cao quý. Nếu như bác sĩ điều trị cho bệnh nhân có thể thấy kết quả trong một ngày, một tháng hoặc một năm thì để thấy kết quả đào tạo của thầy cô giáo đôi khi sẽ là cả một thế hệ. Không ai có thể nói kết quả nào quan trọng hơn kết quả nào”.

 

PGS-TS Vũ Hải Quân