Giao ước giản dị của hai mẹ con
Hai mẹ con vẫn hay cùng nhau đọc sách và thảo luận nội dung, rồi con kể mẹ nghe chuyện trường lớp, bạn bè. Đến giờ Linh đã có một tủ sách truyện kha khá để nuôi dưỡng tâm hồn mình. “Mẹ cố gắng trị bệnh, con cố gắng học” – họ giao ước với nhau giản dị như thế.
Giao ước giản dị của hai mẹ con
Hai mẹ con bà Thanh vẫn hay cùng nhau đọc sách – Ảnh: Yến Trinh
Trong gian phòng trọ ở hẻm 457 Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM), bà Trần Thị Yến Thanh (44 tuổi) đang xếp lại những quyển sách dạy làm người, thơ văn và sách nuôi dưỡng niềm lạc quan cho con. Con gái bà, em Trần Ngọc Phương Linh (học lớp 10A2 Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1) đang làm bài tập toán. Người mẹ không muốn chúng tôi nhắc nhiều về bệnh của bà vì không muốn Linh buồn.
Một mình ở Bệnh viện Ung bướu
“Linh không khi nào tỏ ra bi quan hay than vãn, em luôn là học sinh ngoan giỏi và gần gũi với bạn bè. Tôi cũng tiếp xúc nhiều lần với mẹ của Linh và hiếm thấy người mẹ nào giàu nghị lực và lạc quan như vậy” Cô Diệu Hiền |
Nhiều y bác sĩ ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nơi bà Thanh đến hóa trị trong mấy năm qua, vừa thấy bà đã hỏi han: “Cô đến hả, mấy bữa nay có gì vui không”? Nhiều bệnh nhân ngạc nhiên nhìn bà trò chuyện với y bác sĩ. Họ hỏi bà bị ung thư sao lại lạc quan vậy. Họ có chồng con, có anh em đưa đi. Bà thì không. Mỗi khi hóa trị, bà đón xe buýt từ Q.1 qua Bệnh viện Ung bướu (Q.Bình Thạnh) một mình, chờ đến lượt khám, nằm vô thuốc bốn năm giờ rồi lại đón xe về. Bà giải thích: “Tôi không muốn Linh phải nghỉ học đưa đi vì mình tự đi được mà. Nghỉ một bữa mất bao nhiêu bài vở”.
Gia đình bà Thanh trước đây ở Hà Nội. Năm 1999, khi Linh mới được 1 tuổi, vợ chồng bà ly hôn. Sau đó một năm người chồng cũng mất vì xơ gan. Con trai đầu của bà 7 tuổi ở với bà nội. Bà ẵm Linh vào Sài Gòn tạo dựng cuộc sống với ít vốn đem theo. Ban đầu mở tiệm Internet, rồi khó khăn hết vốn bà chuyển sang giúp việc nhà, bán hàng rong… nuôi con. Khi Linh đến tuổi đi học, không xoay xở được, bà đem con trở ra Hà Nội học hết tiểu học rồi vào lại Sài Gòn. Thời gian này bà làm đủ nghề vừa kiếm sống vừa nuôi con học cấp II. Năm 2008, hai mẹ con dành dụm được ít tiền dự định về thăm quê ngoại ở Hà Tĩnh. Đùng một cái bà phát hiện bị ung thư vòm hầu. Cuộc sống đảo lộn.
Linh năm đó học lớp 6. Bà Thanh nằm viện suốt một năm dài, cũng là khoảng thời gian Linh chạy như con thoi để vừa lo cho mẹ vừa đi học bán trú. Mẹ bệnh chỉ ăn được cháo, trưa Linh về phòng trọ nấu cháo với rau rồi đem vào viện, sau đó quay ngược ra đi học tới chiều lại đón xe buýt vào với mẹ. Linh kể: “Nhiều tối em đòi ở lại ngủ nhưng mẹ kiên quyết “đuổi” về vì muốn em phải học bài đàng hoàng. Nhưng nhiều đêm thương mẹ quá em trải chiếu dưới giường mẹ ngủ luôn”.
Khổ nhất là đầu năm 2009, sau khi bà Thanh xạ trị, cổ họng đau cháy, răng bị hư hết phải uống sữa thay cháo, nói cũng chẳng được. Linh phải đem theo tập giấy nhỏ và cây bút để đầu giường mẹ, khi nào mẹ muốn uống nước hoặc uống sữa, đi vệ sinh viết vào đó cho Linh đọc. Ròng rã hơn tháng trời, đến lúc bà Thanh nói lại được, đỡ hơn, Linh mừng rớt nước mắt. Nói được rồi, bà nhắc con phải lo về nhà học bài, ngủ nghỉ đầy đủ để học thật tốt. Bà dặn: “Anh con ở Hà Nội học đại học rồi (anh Linh hiện học năm cuối ĐH Tài chính ngân hàng – PV), con phải ráng lên đại học như anh mới đỡ khổ con à”.
Liên tục trong mùa hè lớp 6, 7, 8, Linh đi dạy kèm 5-6 em lớp nhỏ hơn để kiếm chút tiền trang trải, cũng là cách ôn lại kiến thức. Mỗi môn Linh được trả 200.000 đồng/tháng, đến lớp 9 phải lo chuyển cấp nên em ngừng dạy thêm. Linh đậu vào Trường THPT Lương Thế Vinh. Mẹ ở nhà đi bán vé số lo tiền chợ. “Mỗi ngày tôi mua cho con chừng 10.000 đồng đồ ăn mặn và ít rau. Tôi chỉ ăn được cháo. Gạo mỗi tháng có ngôi chùa cho 5kg nên cũng đủ ăn” – bà Thanh nói.
Ý chí của mẹ
Linh nói điều em khâm phục nhất ở mẹ là ý chí. Em kể: “Nhiều tối hai mẹ con nằm ngủ, mẹ trở cơn đau vẫn ráng chịu đựng, em chỉ còn biết xức dầu và bóp tay chân cho mẹ đỡ phần nào. Thương mẹ lắm nhưng tuyệt nhiên em không khóc vì mẹ không muốn thấy cảnh đó”. Linh học rất giỏi, chín năm liền đều nhận giấy khen phần thưởng. Năm lớp 8 Linh là liên đội trưởng của Trường THCS Minh Đức (Q.1), đạt cháu ngoan Bác Hồ cấp thành phố năm 2013. Giấy khen của Linh được treo trang trọng ở tường căn phòng trọ. Và trong chín năm đó, hầu như bà Thanh luôn đi dự các buổi lễ quan trọng của con, không bỏ họp phụ huynh và theo dõi sát sao việc học. Ngày nhỏ Linh học bài luôn nhờ mẹ dò bài giùm trước khi ngủ, hiện nay các bài văn Linh vẫn hay hỏi ý tứ từ mẹ. Linh muốn thành bác sĩ một phần cũng vì căn bệnh của mẹ.
Đầu năm 2013, bà Thanh quyết định sau khi mất sẽ hiến xác. Bà nói với con: “Khi chết đi cũng chẳng mang theo được gì thì thân xác này nên hiến cho y học để có ích cho những người khác”. Và hai con ủng hộ quyết định của mẹ mình. Dư được chút tiền, bà Thanh mua sách cho con, lúc thì quyển thơ, lúc là hạt giống tâm hồn, mới đây nhất là quyển sách của người không tay không chân Nick Vujicic khi nhân vật này đến TP.HCM.
Hai mẹ con vẫn hay cùng nhau đọc sách và thảo luận nội dung, rồi con kể mẹ nghe chuyện trường lớp, bạn bè. Đến giờ Linh đã có một tủ sách truyện kha khá để nuôi dưỡng tâm hồn mình. “Mẹ cố gắng trị bệnh, con cố gắng học” – họ giao ước với nhau giản dị như thế.
YẾN TRINH