11/01/2025

Nên lập nghiệp đoàn bác sĩ

Đây là ý kiến của bác sĩ Trần Thành Trai khi tham gia bàn luận quanh câu chuyện “Cách nào bịt đáy của y đức”. Theo BS Trai, khi có nghiệp đoàn, một bác sĩ hành nghề sẽ được sự giám sát chặt chẽ, muốn làm bậy cũng khó.

Bịt đáy y đức: Nên lập nghiệp đoàn bác sĩ

Đây là ý kiến của bác sĩ Trần Thành Trai khi tham gia bàn luận quanh câu chuyện “Cách nào bịt đáy của y đức”. Theo BS Trai, khi có nghiệp đoàn, một bác sĩ hành nghề sẽ được sự giám sát chặt chẽ, muốn làm bậy cũng khó.

Bác sĩ Trần Thành Trai – Ảnh: Phạm Vũ 

“Bầu trời của bác sĩ bị xâm lấn bởi hết đám mây đen này đến đám mây đen khác. Từ bỏ mặc sản phụ để chết cả mẹ lẫn con đến tiêm nhầm văcxin cho trẻ, rồi đến nhân bản phiếu xét nghiệm, bây giờ là phi tang xác nạn nhân. Tôi có cảm tưởng là không còn cụm mây đen nào đen hơn được nữa. Nghĩ đến mà tim tôi đau nhói…”, bác sĩ Trần Thành Trai bắt đầu câu chuyện với vẻ thật mỏi mệt, lo lắng…

* Và cũng chưa lúc nào dư luận hoang mang về hai chữ y đức như bây giờ…

– Về điểm này, tôi có chút đồng cảm với ý kiến của bà bộ trưởng y tế hôm trước có nói ở hành lang Quốc hội. Y đức không phải gói gọn trong lời thề Hippocrates sinh viên đọc khi nhận bằng bác sĩ. Y đức cũng không phải là một môn học trong sáu năm trường y, cũng không phải sẽ được điều chỉnh bằng một văn bản hay hội thảo. Y đức là đạo đức nghề nghiệp của bác sĩ có nền là cái “đức” đã được giáo dục từ nhỏ trong gia đình, nhà trường, được vun bồi, rèn giũa bởi xã hội. Khi đã được giáo dục để biết thế nào là đúng sai, thế nào là để đức, thế nào là gây nên tội, bước vào trường y, cảm nhận được cái đức từ suy nghĩ, hành động của các thầy, các bậc đàn anh, bước ra lễ tốt nghiệp được học lời thề Hippocrates, y đức sẽ thấm vào tư cách người sinh viên, sẽ tỏa ra từ nhân cách vị bác sĩ.

Vậy nên y đức là cả một quá trình và là cả một môi trường.

* Với bản thân bác sĩ, y đức đã “thấm vào” và “tỏa ra” như thế nào?

– May mắn của tôi là từ khi chưa đến trường, những câu chuyện, hình ảnh của ông nội tôi đã thấm vào người. Ông tôi đã tự học chữ Nho mà trở thành một thầy lang mát tay bốc thuốc cứu người. Ông không sống bằng thù lao chữa bệnh mà mưu sinh bằng một xưởng cưa gỗ, thả bè gỗ trên sông nên có tên là ông Ba Bè. Tôi nhớ có một chị xóm trên bị sản hậu, gia đình đã mua hòm về chuẩn bị hậu sự nhưng rồi thang thuốc của ông cứu được. Câu chuyện ấy thấm vào tim tôi khiến tôi chọn nghề y cho đời mình.

May mắn nữa là khi học nghề, những người thầy của tôi thật sự là những tấm gương vô vụ lợi, tấm lòng, sự yêu thương người bệnh, sự say mê với nghề của các thầy khiến tôi không thể trở thành một bác sĩ khác họ được.

Hoàn cảnh ngày xưa với bây giờ khác nhau nhiều quá. Bây giờ điều kiện của các em tất thảy đều hơn chúng tôi rất nhiều, nhưng nhu cầu quay về nội tâm, nhu cầu giữ lại chữ “đức” lại cùn mòn, lại bị xâm lấn bởi chữ “lợi”.

* Với những gì bác sĩ học được và trải nghiệm trong hơn 50 năm hành nghề, cách ứng xử nào được xem là phù hợp khi có sự cố không mong muốn xảy ra với bệnh nhân?

– Tìm người giỏi hơn mình, tìm thầy mình để cứu bệnh nhân, nguyên tắc ứng xử là như vậy.

Trước hết trách nhiệm của mình với bệnh nhân là phải chuẩn bị tất cả các điều kiện để chữa bệnh, từ trình độ chuyên môn đến điều kiện y tế. Một khi có sự cố không mong muốn, vượt ngoài khả năng, trong bụng nghĩ “không xong rồi” là lập tức phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện lớn hơn, tìm các bác sĩ đồng nghiệp có chuyên môn cao hơn để cứu người. Cứu người cũng chính là cứu mình. Trường hợp tuyệt vọng, bệnh nhân tử vong, thì phải chịu sự xem xét, phán xử của hội đồng y khoa, của pháp luật.

Tôi có thể đặt mình vào vị trí của những người bác sĩ ấy, khi bệnh nhân tử vong dưới mũi kéo, đường dao của mình, tâm trạng chỉ có thể nói là “chết điếng”. Có thể có người bình tĩnh, có người hoảng loạn, quẫn trí. Khi đó những đồng nghiệp xung quanh phải giúp đỡ họ, hướng dẫn họ cách xử lý phù hợp.

Trong mọi trường hợp đều phải chịu trách nhiệm việc mình làm. Nếu trốn được pháp luật, anh sẽ phải chịu sự xét xử của lương tâm suốt đời.

* Trong câu chuyện xảy ra ở thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội), bác sĩ nghĩ rằng có phải là cái tội của một mình anh ta? Tôi nhớ có một câu danh ngôn, đại ý: Tội lỗi do kẻ thủ ác gây ra trong bóng đêm, nhưng chúng ta có tội vì đã tạo ra bóng đêm đó…

– Điều đó rất thấm thía. Đây là một bài học, một báo động cho tất cả những người cùng thời, cùng thế hệ. Sự kiện này gây chấn động, nhưng lại đã có những dấu hiệu báo trước mà chúng ta đã biết từ lâu, kêu ca từ lâu. Bản thân tôi khi đọc câu chuyện này, ngoài sự choáng váng không tưởng tượng nổi, tôi cũng tự răn mình: hãy lo lấy thân. Trong môi trường như thế này, không biết sẽ có sự cố nào rơi xuống đầu mình, và khi đó mình có giữ được mình là mình hay không.

Vậy nên bà bộ trưởng nói rằng cả xã hội phải lo chấn chỉnh đạo đức là có lý. Với các thế hệ sau, tôi hi vọng ngành giáo dục sẽ làm lại, sửa lại cho tốt hơn nền tảng cái “đức”, cái “nhân” của con người.

* Nói vậy thì nghe thật vô cùng, theo bác sĩ, có giải pháp nào cụ thể và nhanh gọn hơn nữa không, vì sinh mệnh người bệnh thì không thể chờ qua mấy thế hệ bác sĩ?

– Tất nhiên không phải bác sĩ nào cũng xấu, và đến với bác sĩ thì không thể chỉ trông vào y đức. Còn cần phải có nhiều mối ràng buộc khác. Trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, giám đốc bệnh viện, sở y tế đều chưa nhận trách nhiệm quản lý cũng có lý do của họ. Bác sĩ bây giờ có tới hàng ngàn, bộ máy hành chính làm sao quản nổi cả chuyên môn lẫn con người, nhất là khi họ cố ý giấu giếm để làm sai, làm bậy.

Tôi cho rằng hình thức nghiệp đoàn bác sĩ trước đây ở Sài Gòn là rất hữu hiệu. Trường y chỉ có nhiệm vụ đào tạo, còn bác sĩ muốn đến với bệnh nhân phải thông qua nghiệp đoàn. Nghiệp đoàn có quyền cấp và rút thẻ hành nghề, có bộ luật gọi là Nghĩa vụ luận rất chặt chẽ, quy định trách nhiệm và bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân với bác sĩ, của bác sĩ với các đồng nghiệp. Khi đó, một bác sĩ hành nghề sẽ được sự giám sát của hàng chục ngàn cặp mắt chuyên môn của các đồng nghiệp, cặp mắt tinh tường của bệnh nhân. Muốn làm bậy cũng khó khăn lắm.

Hiện giờ chúng ta cũng có hội y học, hội nghề nghiệp nhưng các hội này lại không có vai trò, không có quyền hạn nên hoạt động không có hiệu quả.

Xây dựng lại hình thức nghiệp đoàn, tổng liên đoàn nghề nghiệp với đầy đủ vai trò đích thực của nó là một cách hữu hiệu giúp các bác sĩ lấy lại uy tín, y đức của mình, và buộc các bác sĩ trước khi đeo ống nghe, cầm dao phẫu thuật phải biết lương tâm, y đức của mình đang ở đâu.

PHẠM VŨ