29/11/2024

Phụ nữ ôm vôlăng ở Saudi Arabia, sao quá khó!

Tại Saudi Arabia, không khí đang nóng lên từng giây từng phút bởi những lời đe doạ từ Bộ Nội vụ nước này cũng như quyết tâm của những người biểu tình đòi quyền “cầm lái” cho phụ nữ.

Phụ nữ ôm vôlăng ở Saudi Arabia, sao quá khó!

Tại Saudi Arabia, không khí đang nóng lên từng giây từng phút bởi những lời đe doạ từ Bộ Nội vụ nước này cũng như quyết tâm của những người biểu tình đòi quyền “cầm lái” cho phụ nữ.

Một phụ nữ Saudi Arabia ngồi sau tay lái ngày 22-10. Vẫn có những người quyết tâm – Ảnh: Reuters 

Theo CNN, Bộ Nội vụ Saudi Arabia tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt thẳng tay đối với tất cả những phụ nữ bị bắt gặp đang điều khiển ôtô, hoặc những ai dám tham gia cuộc biểu tình đòi dỡ bỏ lệnh cấm lái xe của phụ nữ diễn ra trong hôm nay, 26-10.

 

Gọi điện đe dọa

Cuối tháng 9, tại Saudi Arabia bùng nổ phong trào trực tuyến kêu gọi chị em phụ nữ cầm lái. Chiến dịch “Quyền điều khiển xe của phụ nữ ngày 26-10” đã nhanh chóng thu hút hơn 16.000 chữ ký điện tử từ những người ủng hộ và tham gia.

Các nhà hoạt động nhân quyền, như AFP đưa tin, cũng kêu gọi mọi người xuống đường tham gia cuộc biểu tình trong ngày ấn định của chiến dịch trên các trang mạng xã hội tại đất nước duy nhất trên thế giới cấm phụ nữ lái xe.

Không tiết lộ chính phủ sẽ áp dụng luật gì cùng biện pháp trừng phạt như thế nào đối với các cá nhân phạm tội, nhưng phát ngôn viên Bộ Nội vụ Saudi Arabia là thiếu tướng Mansour Al-Turki cảnh báo cứng rắn: “Tất cả các hành vi vi phạm đều bị xử lý, bất kể là người biểu tình hay phụ nữ lái xe. Không chỉ ngày 26-10, trước đó và sau đó. Mọi thời điểm”. Thiếu tướng Al-Turki còn nhấn mạnh việc áp dụng hình phạt đối với những người vi phạm.

Trong khi đó, một số nhà hoạt động nữ quyền giấu tên tiết lộ rằng nhiều phụ nữ ủng hộ chiến dịch này, trong ngày 24-10, đã nhận được các cuộc gọi đe dọa từ người tự xưng là đại diện của Bộ Nội vụ cảnh cáo không được lái xe. Họ nghi ngờ những người gọi điện thật sự là nhân viên Bộ Nội vụ.

Ban đầu như CNN đưa tin, tướng Al-Turki phủ nhận Bộ Nội vụ đã làm việc đó. Tuy nhiên, đích thân ông sau đó đã liên hệ với CNN để giải thích rằng các cuộc điện thoại là một bước trong mối liên hệ cộng đồng mà bộ tiến hành để giúp một số người hiểu rõ về các thông báo của mình. “Hoàn toàn không có sự đe dọa nào đối với những phụ nữ nhận được cuộc gọi. Các cuộc gọi được thực hiện để đảm bảo họ hiểu được tuyên bố” – ông Al-Turki cho biết và thừa nhận các cuộc gọi nhằm mục đích yêu cầu phụ nữ không được lái xe.

Dùng con đường YouTube

Theo CNN, không có luật giao thông đặc biệt nghiêm cấm phụ nữ lái xe tại Saudi Arabia nhưng các sắc lệnh tôn giáo thường được hiểu ngầm rằng phụ nữ không được điều khiển xe cộ. Nhà hoạt động Manal Al-Sharif, hiện sống tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), cho biết lệnh cấm là một dấu hiệu rõ ràng về quan điểm của chính phủ đối với vấn đề điều khiển ôtô của phụ nữ Saudi Arabia. Bà Al-Sharif, người Saudi Arabia, từng bị chính quyền giam giữ một tuần vì đăng tải đoạn băng ghi hình bà lái xe trong năm 2011.

“Họ cứ nói với thế giới rằng vấn đề lái xe của phụ nữ là một trong những vấn đề mà xã hội Saudi Arabia quyết định. Xã hội hiện giờ cho thấy sự ủng hộ với ý tưởng phụ nữ lái xe. Phản ứng của chính phủ cho thấy rõ rằng đây không phải là quyết định của xã hội. Đây là một quyết định chính trị” – bà Al-Sharif khẳng định.

Ngoài ra, để hưởng ứng phong trào, nhiều phụ nữ đã quay lại hình ảnh họ lái xe và đăng tải trên YouTube. “Đây là quyền lợi tự nhiên của chúng tôi, một quyền cơ bản và đơn giản, liên quan đến sự tự do đi lại của chúng tôi… và cho chúng tôi cảm giác kiểm soát chính cuộc sống của bản thân” – một phụ nữ tham gia chiến dịch thổ lộ.

Trong khi đó Tổ chức Ân xá quốc tế kêu gọi chính quyền Saudi Arabia không ngăn cản quyền lái xe của phụ nữ. “Đáng ngạc nhiên là trong thế kỷ 21 này các nhà chức trách Saudi Arabia tiếp tục từ chối quyền lái xe hợp pháp của phụ nữ” – người đứng đầu chương trình Bắc Phi và Trung Đông của Tổ chức Ân xá quốc tế là Philip Luther nhận định.

ANH THƯ