Những cuộc gọi không muốn nghe
Việc ghi thông tin liên quan đến các học sinh vào phiếu liên lạc là rất quan trọng và được pháp luật cho phép. Thế nhưng cơ quan lưu giữ thông tin phải có sự tôn trọng bí mật đời tư với người cung cấp, không được để lọt ra ngoài khiến người khác lợi dụng vào những mục đích riêng.
Những cuộc gọi không muốn nghe
Chưa giới thiệu mình là ai thì người này đã vội hỏi tôi ngay: “Anh có phải là phụ huynh của cháu N.T.H.N., học ở trường… không?”. Nghe có người đọc đúng họ tên đầy đủ của con và cả tên trường con đang học, tôi xác nhận liền. Thoạt đầu, tôi rất lo con bị bệnh đột xuất nên cô giáo ở trường gọi báo tin, vì lúc ấy cũng đang là giờ cháu học ở trường. Tuy nhiên, ngay lập tức tôi biết mình nhầm. Người ở đầu dây bên kia đi thẳng vào vấn đề. Cô ta nói biết con tôi đang học lớp 12, hè sang năm sẽ thi đại học nên gợi ý tư vấn giúp cháu chọn một ngành của trường đại học R. Thật tình lúc ấy tôi đang bận, hơn nữa định hướng cho con thi đại học đã được gia đình tôi thống nhất từ lâu rồi, trong đó không có sự lựa chọn nào mang tên R cả. Do đó tôi đã cảm ơn và từ chối khéo.
Trước khi cúp máy, tôi cũng kịp hỏi tên người gọi đến, vai trò của cô này ở trường đại học nói trên. Cô ta đã vui vẻ giới thiệu tên, đồng thời cho biết mình chỉ là người “liên kết” nhằm tư vấn tuyển sinh cho trường này chứ không phải cán bộ của trường. Khi tôi hỏi làm sao biết được họ tên học sinh cùng số điện thoại của phụ huynh thì cô từ chối trả lời.
Về nhà tôi hỏi lại con, cháu nói rằng không biết người như vậy và cũng chưa từng gặp ai giới thiệu chọn ngành, chọn trường. Ngẫm nghĩ lại tôi nhớ ra trong phiếu liên lạc giữa gia đình và nhà trường (học sinh nào cũng có), ngoài họ tên, địa chỉ học sinh, còn có mục ghi tên, số điện thoại của cha, mẹ. Có lẽ thông tin đã lộ từ đây.
Tôi và bà xã còn nhận được nhiều cuộc điện thoại từ những người không hề quen biết. Họ giới thiệu là nhân viên các công ty bảo hiểm có uy tín, liên kết với ngân hàng nào đó, mời chúng tôi mua các loại dịch vụ bảo hiểm. Điều khó chịu là họ gọi bất kể giờ giấc. Tôi có cảm giác như bị “khủng bố”. Mật độ các cuộc gọi này dày đến mức bây giờ chỉ cần nghe giới thiệu hai chữ “bảo hiểm” là tôi phải từ chối và cúp máy liền.
Việc ghi thông tin liên quan đến các học sinh vào phiếu liên lạc là rất quan trọng và được pháp luật cho phép. Thế nhưng cơ quan lưu giữ thông tin phải có sự tôn trọng bí mật đời tư với người cung cấp, không được để lọt ra ngoài khiến người khác lợi dụng vào những mục đích riêng. Tôi cũng đoán rằng không chỉ riêng tôi, mà còn nhiều phụ huynh khác cũng bị quấy rầy vì kiểu “tiếp thị” nói trên. Mặc dù chưa có bằng chứng để quy trách nhiệm cho ai đã làm lộ, lọt thông tin, song chúng tôi mong muốn các đơn vị được lưu giữ thông tin hãy luôn nhớ đến nhiệm vụ bảo mật của mình.
HỮU CHƠN (TP.HCM)