10/01/2025

Mổ đẻ gây nguy hiểm cho bà mẹ và thai nhi

Tuy được thực hiện với mục đích tránh cho người mẹ những cơn đau khi sinh nở, thủ thuật mổ đẻ sau đó lại làm sản phụ đau đớn hơn nhiều so với cách sinh thường. Nó còn có thể gây dính ruột, tắc ruột, sẹo tử cung, khiến lần mang thai sau dễ gặp tai biến do nứt sẹo.

 

Mổ đẻ gây nguy hiểm cho bà mẹ và thai nhi

Những đứa trẻ sinh mổ ở Bệnh viện Từ Dũ.
Tuy được thực hiện với mục đích tránh cho người mẹ những cơn đau khi sinh nở, thủ thuật mổ đẻ sau đó lại làm sản phụ đau đớn hơn nhiều so với cách sinh thường. Nó còn có thể gây dính ruột, tắc ruột, sẹo tử cung, khiến lần mang thai sau dễ gặp tai biến do nứt sẹo.

Hiện nay, việc mổ đẻ đang có xu hướng bị lạm dụng. Nếu như trên thế giới, chỉ có 15% sản phụ được chỉ định mổ lấy thai thì ở Việt Nam, tỷ lệ này hiện là 40% (ở một số nơi thuộc ĐBSCL là 60%). Tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP HCM, cứ 100 người sinh thì có trên 35 người mổ. Trong đó, gần 4% trường hợp được mổ theo theo yêu cầu, nghĩa là mổ lấy thai theo ý muốn của gia đình sản phụ, mặc dù thai nhi vẫn phát triển bình thường (khác với các trường hợp mổ can thiệp trước hoặc trong khi chuyển dạ để tránh tai biến khi sinh). Nhiều người còn tìm đến các bệnh viện tư để được mổ đẻ cho “thoải mái”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Giám đốc bệnh viện Từ Dũ, cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến sản phụ hoặc gia đình muốn sinh mổ:

– Chuyển dạ khó khăn, không ngừng rên đau khiến người nhà xót ruột.

– Sản phụ sợ đau, sợ bộ phận sinh dục giãn ra, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

– Bị ám ảnh bởi lời phán của thầy bói, rằng sản phụ nếu không sinh mổ sẽ gặp tai biến chết người…

– Gia đình muốn đứa bé ra đời vào “ngày giờ tốt”.

Bác sĩ Nguyễn Song Nguyên, Phó trưởng khoa Sản, kể: “Có người, do tác động của thầy bói, đòi được mổ khi thai chỉ mới 35 tuần để lấy ngày tốt. Tôi tìm cách hoãn binh đến tuần thứ 38. Ba tuần ấy đối với tôi dài như một thế kỷ; bởi nếu có tai biến gì trong thời gian này thì tôi cũng khó mà ăn nói với họ. Hiện nay, ngày nào tôi cũng ký từ 2 đến 3 lá đơn xin sinh mổ. Họ nài nỉ quá, đành chịu”.

Đối với nhiều bác sĩ, mổ đẻ được xem là một giải pháp an toàn, giúp họ tránh những rắc rối có thể xảy ra trong thời gian theo dõi thai nghén và sinh nở. Bác sĩ Phượng cho biết, 2/3 tai biến trong chuyển dạ là không thể tiên lượng được. Hễ có thai là có nguy cơ, hoặc nhiều, hoặc ít. Có những tai biến chỉ xuất hiện khi chuyển dạ như sa dây rốn, tim thai suy, thuyên tắc ối. Vì vậy, việc sinh đẻ tự nhiên có nguy cơ gây bất lợi cho cán bộ y tế nếu việc tư vấn và theo dõi sản phụ chưa được thực hiện sát sao. Ngoài ra, nhiều bác sĩ không ngại mổ đẻ còn vì vấn đề kinh phí. Tiền phí cao nhất cho một ca sinh tự nhiên chỉ khoảng 500.000 đồng, trong khi mỗi ca sinh mổ theo yêu cầu giá 1,3 triệu đồng (tại các bệnh viện tư, chi phí này có thể cao gấp đôi, gấp ba).

Thủ thuật mổ đẻ chỉ mang lại lợi ích ít ỏi là giúp cuộc sinh nở diễn ra nhanh gọn (khoảng 30-45 phút), bác sĩ không phải theo dõi nhiều, người nhà tránh được sự chờ đợi căng thẳng. Còn cái hại mà nó gây ra lại khá lớn. Ngoài những nguy hiểm kể trên, sản phụ còn có thể gặp tai biến khi gây tê, gây mê, đã có trường hợp tử vong do sốc ngay trước khi mổ. Những người sinh mổ cũng có nhiều nguy cơ nhiễm trùng sau đó. Mặt khác, do phải uống một lượng lớn kháng sinh để chống nhiễm trùng nên khả năng tiết sữa của họ giảm nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe đứa bé.

Vì lẽ đó, các bác sĩ thường khuyên phụ nữ mang thai nên “biết chờ đợi và can thiệp đúng lúc”, tốt nhất là sinh nở theo cách tự nhiên nếu không có chỉ định khác của bác sĩ. Tại Bệnh viện Từ Dũ, ngay cả với các ca thụ tinh trong ống nghiệm (vốn cần sự can thiệp để bảo vệ “đứa bé đặc biệt”), một số bà mẹ vẫn được bệnh viện “tiếp sức” để sinh theo cách tự nhiên.

(Theo Người Lao Động)