27/11/2024

Đổi mới giáo dục từ “yêu gia đình”

Sản phẩm giáo dục của tương lai sẽ không còn mang tính đồng loạt mà đậm sắc thái cá nhân của chính người được thụ hưởng giáo dục, đó là một trong những mục tiêu nổi bật trong đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo.

 

Đổi mới giáo dục từ “yêu gia đình”

Sản phẩm giáo dục của tương lai sẽ không còn mang tính đồng loạt mà đậm sắc thái cá nhân của chính người được thụ hưởng giáo dục, đó là một trong những mục tiêu nổi bật trong đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về những thay đổi quyết liệt cho công cuộc chấn hưng giáo dục sắp tới, ông Vũ Ngọc Hoàng – phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, ủy viên Ban chỉ đạo đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo, chia sẻ:

– Phải thấy là ngành giáo dục thời gian qua đã có những cố gắng đổi mới trong chỉ đạo, quản lý và thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, bước đầu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Ưu thế rõ rệt là chúng ta có truyền thống hiếu học, sự quan tâm của xã hội, của từng gia đình đối với sự nghiệp giáo dục càng nhiều. Chúng ta có một đội ngũ nhà giáo, trong đó phần đông tận tụy, vượt lên khó khăn chung để đảm nhiệm tốt việc dạy học. Song, cũng trong một thời gian dài giáo dục bị chìm trong tư tưởng và thói quen bao cấp nặng nề. Những nhận thức lệch lạc trong giáo dục, bệnh hình thức, sính bằng cấp và những tiêu cực xã hội đã để lại nhiều hậu quả khó khắc phục.

Tổ quốc phải bắt đầu từ gia đình

 

“Nền giáo dục – đào tạo sẽ chuyển mạnh từ phát triển số lượng sang nâng cao chất lượng, chuyển từ hệ thống giáo dục cứng nhắc sang một nền giáo dục mở, có tính liên thông, thực học, thực nghiệp, gắn với việc xây dựng xã hội học tập.”

Ông Vũ Ngọc Hoàng

 

* Vậy sự chuyển biến nào sẽ mang tên “đột phá” khi đề án này đi vào cuộc sống, thưa ông?

– Nền giáo dục trong công cuộc chấn hưng toàn diện này có hai mục tiêu rất rõ: Thứ nhất là mục tiêu giáo dục con người, tạo ra con người cá nhân rõ nét, nhưng không phải là cá nhân chủ nghĩa, khẳng định anh là anh, tôi là tôi, không lẫn lộn, đánh đồng. Thứ hai, mục tiêu của đổi mới là tạo ra hệ thống giáo dục mở, gắn với thực học- thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập.

Cũng phải nói thêm rằng trong hai mục tiêu này, giáo dục con người như thế nào là mục tiêu đi trước, còn việc xây dựng, đổi mới hệ thống là tiếp theo. Bởi vì đích đến của giáo dục – đào tạo là con người. Chúng ta cần phải xác định mình muốn có một sản phẩm con người như thế nào thì mới quay lại xây dựng, tổ chức hệ thống giáo dục tương thích. Quan điểm này khác với cách đặt ra một hệ thống giáo dục trước, rồi áp đặt vào việc giáo dục con người theo hệ thống đó. Các nhà giáo, cũng như cơ quan quản lý giáo dục không được hoán đổi vị trí hai mục tiêu này bởi lẽ rất giản dị: bản thân hệ thống giáo dục không có mục đích tự thân, nghĩa là không phải nó tạo ra sản phẩm chính nó, mà sản phẩm giáo dục phải là tạo ra con người như thế nào.

* Giáo dục con người “yêu gia đình, yêu Tổ quốc” – mệnh đề này dường như có sự hoán đổi vị trí khi đã lâu rồi “Tổ quốc” luôn được đặt lên vị trí số 1. Vì sao bây giờ mục tiêu giáo dục lại đặt yếu tố “gia đình” lên trên? Phải chăng ở mỗi thời đại, tầm quan trọng của “gia đình” và “xã hội” có sức nặng khác nhau?

– Tôi xin nhấn mạnh việc viết “yêu gia đình” trước “yêu Tổ quốc” hoàn toàn không hàm nghĩa coi nhẹ tình yêu Tổ quốc. Nhưng đây đúng là có bao hàm cho những thay đổi về phương pháp giáo dục sắp tới. Tổ quốc phải bắt đầu từ gia đình. Ngay truyền thuyết về đất nước mình cũng bắt nguồn từ câu chuyện một gia đình, từ bọc trăm trứng Âu Cơ – Lạc Long Quân mà tỏa ra thành đồng bào cả nước. Nói gần gụi hơn, một đứa trẻ từ môi trường giáo dục mầm non, rồi phổ thông, và kể cả ở cấp học cao hơn nữa, sợi dây liên kết mãnh liệt nhất với các em, chiếc nôi hình thành nhân cách không gì khác chính là gia đình.

Nhìn lại lịch sử, có những giai đoạn ta mất nước, nhưng gia đình còn, dòng tộc, làng xã còn và người dân đã chiến đấu giành lại chủ quyền dân tộc bằng ý chí tụ nghĩa, bắt nguồn từ tình yêu gia đình, làng xóm. Nếu không giáo dục lớp trẻ biết yêu gia đình thì khó có thể hi vọng họ sống chết cho Tổ quốc, non sông. Nếu không biết yêu truyền thống, tôn trọng nề nếp gia đình thì cũng khó bắt họ yêu được truyền thống của dân tộc.

Ở đây không có chuyện đặt cái nào quan trọng hơn cái nào mà quan trọng cần giáo dục cho con trẻ có sự hiểu biết, yêu quý, trân trọng những gì gần gũi nhất quanh mình đã, rồi sự hiểu biết, tình yêu đó mới lan tỏa, lớn hơn thành ý thức dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay với những thách thức, yêu cầu mới, chúng tôi mong muốn việc đưa ra mục tiêu “yêu gia đình” cũng là muốn các bậc ông bà, cha mẹ cùng chung tay tham gia vào sự nghiệp giáo dục. Trong ba yếu tố “gia đình”, “nhà trường”, “xã hội”, gia đình là yếu tố khởi đầu và vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người.

Người thầy giữ vai trò mới

* Một nền giáo dục mới sẽ chú trọng chất lượng, hiệu quả giáo dục, trong đó đích đến cuối cùng là con người. Nhưng lâu nay nhà trường vốn quen với việc truyền thụ càng nhiều kiến thức càng tốt, thì sự thay đổi này liệu có khả thi không, thưa ông?

– Điểm quan trọng nhất của đề án đổi mới là chuyển mạnh từ quá trình giáo dục chú trọng trang bị kiến thức, sang việc tập trung phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của người học. Trước đây, nền giáo dục – đào tạo của ta chủ yếu cung cấp kiến thức. Cách này cũng giống như cung cấp cho người ta vật liệu để xây nên ngôi nhà. Nhưng nếu không biết cách xây, không có năng lực, kỹ năng và cả phẩm chất, tâm huyết thì người có vật liệu khó có thể tạo nên ngôi nhà có chất lượng. Trong khi đó, kiến thức lại là thứ tăng lên từng ngày, thay đổi từng ngày. Nếu dạy học bằng cách cung cấp kiến thức sẽ không thể nào làm xuể, không thể cập nhật nhanh kiến thức nhân loại đang có. Nhìn thấy bất cập này nên đề án nhấn mạnh vào việc giáo dục hình thành năng lực, phẩm chất người học. Đó là cách để người học có khả năng lựa chọn vật liệu và cách thức xây nên ngôi nhà của mình.

* Từ truyền thụ chuyển sang hỗ trợ, khơi gợi, xem ra người thầy sẽ phải đổi mới tư duy, phương pháp rất mạnh mẽ…

– Chúng ta sai lầm khi bắt học trò đơn phương tiếp nhận thụ động những gì người thầy trang bị. Hãy nhìn rộng ra nền kinh tế tri thức hiện nay. Kiến thức mênh mông vô cùng. Trước đây, có khi phải mất hàng nghìn năm, tri thức nhân loại mới nhân đôi, rồi khoảng cách rút ngắn dần còn 400 năm, 200 năm, 100 năm, 40 năm… Đến thời điểm hiện tại, thời gian nhân đôi tri thức đã rút ngắn chỉ còn ba năm. Với khối lượng kiến thức như vậy, người thầy nào có thể nắm bắt hết? Hãy chuyển dần sứ mạng cung cấp tri thức cho những thành quả công nghệ thông tin. Người thầy nên giữ vai trò mới: không phải là người dạy đơn thuần, mà phải là người dạy cho trò cách học, cách tiếp cận vấn đề, cách phân tích, tổng hợp, giải quyết vấn đề, vận dụng hiểu biết vào xử lý các vấn đề đời sống. Làm thầy sẽ khó hơn vì phải kiêm nhiều vai: một nhà sư phạm, một nhà khoa học, một nghệ sĩ…

NGỌC HÀ – VĨNH HÀ

 

 

Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp

“Về mục tiêu của đổi mới lần này, Trung ương chỉ rõ phải tạo cho được chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục – đào tạo; khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài đang gây bức xúc trong xã hội. Giáo dục con người VN phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước; có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả.

Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng. Hệ thống giáo dục – đào tạo được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và mang đậm bản sắc dân tộc.

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên phải thật sự coi giáo dục – đào tạo là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Mục tiêu giáo dục là nâng cao dân trí, phát triển năng lực công dân, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Thực hiện tốt các nguyên lý giáo dục: học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, kinh doanh; lý luận gắn liền với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Phát triển giáo dục – đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp quy luật phát triển khách quan, những tiến bộ khoa học và công nghệ. Chuyển phát triển giáo dục chủ yếu theo mục tiêu số lượng sang phát triển theo mục tiêu vừa đáp ứng yêu cầu số lượng, vừa chú trọng nâng cao chất lượng. Chuyển hệ thống giáo dục còn cứng nhắc, thiếu tính liên thông hiện nay sang hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, bảo đảm liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập suốt đời.

Chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển giáo dục – đào tạo. Phát triển hài hòa, bình đẳng, hỗ trợ lẫn nhau giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giáo dục ở các vùng, miền. Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng diện chính sách. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục – đào tạo, đồng thời giáo dục – đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”.

(Trích bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng)

Theo TTXVN

Tình mẹ con thắm thiết của chị Huỳnh Thị Kim Uyên và con gái Dương Huỳnh Yến Linh (trước cổng Trường tiểu học Hồng Hà, TP.HCM) chiều 10-10 – Ảnh: Quang Định