22/01/2025

Mẹ dạy tôi cách vượt qua dông bão

Dưới đây là những dòng tâm sự xúc động của tân sinh viên khiếm thị Lê Thị Trang (khoa báo chí và truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) gửi về chương trình “Tiếp sức đến trường” năm nay của Tuổi Trẻ.

 

Mẹ dạy tôi cách vượt qua dông bão

 
 

Dưới đây là những dòng tâm sự xúc động của tân sinh viên khiếm thị Lê Thị Trang (khoa báo chí và truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) gửi về chương trình “Tiếp sức đến trường” năm nay của Tuổi Trẻ.

Cuộc đời mẹ từ ngày  sinh ra tôi đã là những chuỗi ngày vất vả. Mẹ đã khóc và khóc rất nhiều lần. Nhưng nước mắt của mẹ chảy ngược vào trong. 

 

Gần 20 năm sinh ra trên cõi đời, tôi được “nhìn thấy” nước mắt mẹ đúng ba lần: lần đầu tiên là giọt nước mắt hạnh phúc của mẹ ngày tôi chào đời. Lần thứ hai là lúc mẹ bàng hoàng nhận ra tôi không có được đôi mắt bình thường như bao bạn khác. Và lần thứ ba khi mẹ cầm trên  tay giấy báo trúng tuyển ĐH của tôi.

 

Mẹ giàu tình cảm, rất thương con nhưng không bao giờ thể hiện điều đó ra bên ngoài. Mẹ điềm tĩnh và cực kỳ nghiêm khắc. Mọi công việc trong nhà mẹ đều dạy tôi làm hết. Khi tôi đã thành thạo thì mặc dù còn rất nhỏ nhưng mẹ vẫn giao hết trọng trách lo toan việc nhà cửa cho một mình tôi. Dù cho tôi là một đứa bé  khiếm thị nhưng mẹ chẳng  hề nuông chiều và phục vụ tôi.

Nhất là trong việc học, mẹ không cho phép tôi có cái quyền được gục ngã trước số phận. Mẹ cấm tôi nói những câu: “Con không nhìn thấy. Con không thể làm được”. Mẹ sẽ đánh đòn thật đau nếu từ miệng tôi vô tình phát ra một trong những câu đại loại như thế. Tôi đã từng rất  bất mãn  về những gì mẹ làm với tôi. Mãi đến sau này tôi mới hiểu không phải mẹ không thương tôi mà là mẹ đang trang bị cho tôi những hành trang cần thiết để tôi có thể đứng vững giữa cuộc đời.

Mẹ đã từng hỏi tôi: “Con có biết tại sao mẹ bắt con phải làm việc nhà, bắt con phải học thật giỏi hay không?”. Tôi  lắc đầu. “Mẹ muốn con trở thành  một người bình thường như bao người bình thường khác. Mẹ muốn con có được một cuộc sống tốt đẹp. Lỡ như một ngày nào đó mẹ không còn bên con nữa thì con cũng tự chăm sóc tốt cho chính bản thân mình. Con có hiểu không?”.

Tình mẹ thương tôi là thế. Giờ thì tôi đã hiểu mẹ hạnh phúc như thế nào khi biết tin tôi đậu đại học.

Khi lớn lên, bước ra ngoài xã hội, tôi chợt nhận ra rằng xung quanh tôi cũng có rất nhiều người giống tôi. Có những người từ bé đã được sống trong sự bảo bọc kỹ lưỡng của gia đình nên gặp rất nhiều khó khăn khi phải sống một mình. Ví dụ như không thể tự đi học bằng xe buýt, không thể  tự chăm sóc, chăm sóc người khác  và luôn phải đối diện với những cảm giác sợ hãi vì không có người thân bên cạnh.

Còn tôi thì lại khác. Tôi có thể làm và thậm chí làm rất tốt những điều đó. Tôi thầm cảm ơn mẹ vì những gì mà tôi có đều là do mẹ dành cho. Tôi đã quá may mắn bởi có một người mẹ tuyệt vời. Người không nắm lấy tay tôi, dắt tôi bước qua mọi khó khăn, dông bão trong cuộc đời nhưng dạy tôi cách để tự mình bước qua. Dẫu biết  rằng trước mắt sẽ còn rất nhiều, rất nhiều thử thách nhưng vì mẹ, vì hoài bão của mình, tôi sẽ nỗ lực và nỗ lực thật nhiều để  vượt  qua tất cả.

Hiện tại tôi chỉ có hai nguyện vọng nhỏ: Một là nhanh chóng ra trường và có được một việc làm ổn định để mẹ đỡ vất vả hơn. Hai là có thêm nhiều cơ hội trong lĩnh  vực mà tôi đã chọn để chia sẻ đến mọi người, nhất là những người kém may mắn trong xã hội, rằng cuộc sống quanh ta đẹp biết bao nhiêu. Tôi mong họ cũng nhận ra được những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, như tôi vậy.

LÊ THỊ TRANG