“Dân mình nghèo, sao xây trụ sở to thế !”
Xây trụ sở làm việc xa hoa, lộng lẫy quá mức cần thiết, các doanh nghiệp nhà nước lãng phí tài nguyên, chi tiêu công sai tiêu chuẩn, định mức trong khi đất nước khó khăn, người dân còn nghèo. Đó là trăn trở, bức xúc của các thành viên Uỷ ban TVQH khi cho ý kiến về thực hiện luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Xây trụ sở làm việc xa hoa, lộng lẫy quá mức cần thiết, các doanh nghiệp nhà nước lãng phí tài nguyên, chi tiêu công sai tiêu chuẩn, định mức trong khi đất nước khó khăn, người dân còn nghèo. Đó là trăn trở, bức xúc của các thành viên Uỷ ban TVQH khi cho ý kiến về thực hiện luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí diễn ra chiều qua 19.9.
Rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Đại Sơn, Bình Định bị phá - Ảnh: Hoàng Trọng |
Xa hoa, lộng lẫy như cung điện
|
Chủ tịch Hội đồng dân tộc của QH Ksor Phước đánh giá công tác tiết kiệm có nhiều chuyển biến, khi năm nay cả nước tiết kiệm được hơn 16.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đi vào một số lĩnh vực cụ thể lại còn quá nhiều lãng phí gây bức xúc trong dân. “Tôi đi nhiều nơi thấy nhiều tỉnh nghiêm túc trong xây trụ sở, nhưng không ít tỉnh xây trụ sở như cung điện. Dân mình đang nghèo tại sao mình làm to như thế. Ngay cả HĐND tỉnh cũng xây to quá mức cần thiết. Kể cả trụ sở tỉnh ủy của các đơn vị xây dựng cũng lãng phí, tổ chức Đảng mà xây dựng nhà lộng lẫy, xa hoa là không được. Chúng ta cần công bố công khai cho cả nước biết. Công khai để bảo vệ Đảng, là giữ được niềm tin với nhân dân”, ông Ksor Phước nói.
Liên quan đến lĩnh vực đầu tư công, ông Ksor Phước kể, khi ông đi một số tỉnh đều thấy lãnh đạo “kêu” vì chủ trương dừng dự án đầu tư của QH khiến các công trình dang dở bị treo, lãng phí hàng nghìn tỉ đồng. “Phải thống kê chỗ này lại vì liên quan đến cả trách nhiệm của QH, rút kinh nghiệm sau này. Chúng ta dừng lại vừa mất trắng tiền đầu tư, vừa không có công trình để sử dụng”, ông Ksor Phước đề nghị.
“Không tha bất cứ ông nào”
Ngoài ra, ông Ksor Phước thẳng thắn “chê” lãnh đạo Hà Nội xử lý không nghiêm, không dứt khoát vụ cây cột điện to đùng 500 KV nằm chắn giữa đường tại Hà Nội. “Các đồng chí đi qua ngã tư Đê La Thành – Hào Nam thấy làm cột điện to đùng 500 KV lấn cả vào đường giao thông, chắn luôn đường sắt trên cao. Tôi tự hỏi không biết các ông này làm gì, quy định như thế nào, ông Đinh Tiến Dũng (Bộ trưởng Tài chính – PV) lẽ ra phải đi gõ cửa Hà Nội xem lãng phí bao nhiêu, quản lý quy hoạch kiểu gì”. Một việc công khai ai cũng biết mà không ai xử lý được, khiến ông Ksor Phước tỏ ra bức xúc: “Tôi mà làm ở Hà Nội là làm tới nơi tới chốn, gọi ba ông này lên đứng trước Thành ủy để xử lý”.
|
Tiếp tục cho ý kiến, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn “phê” báo cáo của Chính phủ hay thích dùng từ “đặc biệt”, như “đặc biệt đã hạn chế lãng phí”, “đặc biệt đã tiết kiệm được hơn trước”. Ông dẫn ví dụ: “Có đặc biệt hay không khi cầu Nhật Tân bị nhà thầu Nhật đòi phạt 150 tỉ đồng do chậm giải phóng mặt bằng”. Dẫn thêm đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, ông Sơn tiếp tục khẳng định, mấy tỉnh không giải phóng được mặt bằng, duy chỉ có Thái Nguyên được 32 km, cố gắng khánh thành để có cớ “thúc” đẩy nhanh tiến độ các tỉnh khác. “Nhưng đâu có nhanh được, cứ để càng dài ra càng lãng phí trong khi các đồng chí lại nói đặc biệt” – ông Sơn nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Chính phủ, 6 tháng đầu năm các tỉnh, bộ ngành mua thêm 168 ô tô mới tổng giá trị hơn 219 tỉ đồng, tình hình sử dụng xe sai tiêu chuẩn vẫn tồn tại. Chủ tịch Ksor Phước cảm thấy lạ khi rất nhiều cán bộ cấp dưới bộ trưởng đi xe… rất sang, biển xanh đàng hoàng, rồi ông kiến nghị mạnh mẽ: “Bộ Tài chính phải làm kiên quyết, không tha bất cứ ông nào, phải làm sòng phẳng”.
Phải chỉ rõ nguyên nhân khi năm nào cũng nói đến tình trạng lãng phí triền miên là do đâu. Do quản lý, thủ tục hành chính, trình độ hay sự nhũng nhiễu của cán bộ |
||
Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân |
||
Trước tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai, tài nguyên thiên nhiên, phá rừng diễn ra nghiêm trọng, ông Ksor Phước thẳng thắn bày tỏ: “Người ta sắp hoàn thành việc phá rừng rồi, vì rừng tốt còn nữa đâu để mà phá. Ti vi người ta đưa bắt được xe chở hàng tấn gỗ trắc, đường kính thân cây to 2 m thì còn đâu nữa mà phá”. Trước khi dừng phần phát biểu của mình, ông Ksor Phước kết luận: “Tôi tin rằng lãng phí vẫn còn rất lớn, trách nhiệm trước hết là khâu quản lý nhà nước, rồi trách nhiệm của người đứng đầu”.
Cần chỉ rõ địa chỉ lãng phí
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, đánh giá: Không phủ nhận sự điều hành, cố gắng chỉ đạo thực hiện luật Tiết kiệm, phòng chống lãng phí; tuy nhiên, Chính phủ cần tiếp thu các ý kiến để tăng cường chỉ đạo.
Bà Ngân lưu ý: “Phải chỉ rõ nguyên nhân khi năm nào cũng nói đến tình trạng lãng phí triền miên là do đâu. Do quản lý, thủ tục hành chính, trình độ hay sự nhũng nhiễu của cán bộ. Lãng phí đất đai ở đâu cần có phụ lục, chỉ rõ các địa chỉ, ngành nào, cấp nào địa phương nào chỉ sợ có dám đưa ra không” – bà Ngân nêu.
Về việc xây dựng trụ sở làm việc quá mức cần thiết dẫn đến lãng phí, bà Ngân nhấn mạnh: “Rất nhiều địa phương gương mẫu dùng trụ sở cũ, nhưng nhiều nơi còn khó khăn trụ sở rất to, rất đẹp thì có công bằng hay không khi đất nước, người dân vẫn còn nghèo”.
Anh Vũ