22/01/2025

Hôn nhân đồng tính: không cấm nhưng không thừa nhận

Ngày 10-9, Chính phủ trình xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình, trong đó bãi bỏ điều cấm kết hôn đồng tính nhưng lại đưa ra quy định “không thừa nhận”.

Hôn nhân đồng tính: không cấm nhưng không thừa nhận

Ngày 10-9, Chính phủ trình xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình, trong đó bãi bỏ điều cấm kết hôn đồng tính nhưng lại đưa ra quy định “không thừa nhận”.

Đám cưới đồng tính tập thể ở Hà Nội ngày 17-5-2013 – Ảnh: NGA LINH 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng khi đã tiến thêm một bước về quyền con người thì nên công nhận hôn nhân đồng tính chứ không nên quy định nửa vời.

“Theo tôi là chúng ta nên công nhận, chứ không chỉ nói là không thừa nhận. Luật trước đây cấm, bây giờ không cấm nghĩa là người dân được làm” – ông Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Đồng tình với Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói: “Tôi đồng ý quy định Nhà nước không thừa nhận hôn nhân đồng tính, nghĩa là người ta thích thì cứ về ở với nhau thôi, mình không phạt. Mọi vấn đề pháp lý nảy sinh (con cái, tài sản…) sẽ giải quyết theo pháp luật dân sự”.

Về vấn đề mang thai hộ dưới mọi hình thức, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói: “Chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo với những quy định chặt chẽ, cụ thể”.

Quan điểm này nhận được sự đồng tình của thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội và đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Liên quan đến vấn đề hạ độ tuổi kết hôn của nam giới từ 20 tuổi xuống 18 tuổi, ông Hà Hùng Cường giải thích: “Theo pháp luật dân sự hiện hành, cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên là người đã thành niên và có quyền tham gia tất cả quan hệ dân sự và tố tụng dân sự. Ở độ tuổi này, cá nhân cũng có thể được pháp luật ghi nhận là có năng lực pháp lý để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong các quan hệ xã hội khác ngoài lĩnh vực dân sự”.

Tuy nhiên, ông Phan Trung Lý lại cho rằng cần phải tính toán kỹ quy định mới này, bởi không phải ngẫu nhiên mà trước nay quy định tuổi kết hôn của nam cao hơn nữ. “Ví dụ, 18 tuổi có đủ năng lực đảm bảo cuộc sống của gia đình không?” – ông Lý hỏi.

Đối với vấn đề giải quyết việc ly hôn, dự luật quy định cho phép các cặp vợ chồng thuận tình ly hôn thì được chọn cơ quan hành chính địa phương (cấp xã) giải quyết thay vì phải ra tòa án như quy định hiện hành. Quy định này không nhận được sự đồng tình của phần lớn thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo ông Nguyễn Văn Hiện, vấn đề kết hôn, ly hôn giả liên quan đến tài sản, nhập – tách hộ khẩu, trốn nợ, đi ra nước ngoài… diễn ra khá phức tạp, để lại nhiều hậu quả pháp lý, vì vậy nên để tòa án giải quyết.

* Phải có giấy phép, lao động mới được nhập cảnh vào VN. Đây là quy định bắt buộc đối với người nước ngoài muốn vào lao động tại VN, được thể hiện trong dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN, được Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng cùng ngày.

“Lợi dụng quy định hiện hành, thời gian qua nhiều người nước ngoài vào VN với danh nghĩa tham quan, du lịch, sau đó xin chuyển đổi để thực hiện các mục đích khác, đặc biệt là xin chuyển đổi ở lại lao động, trong đó có nhiều lao động đang làm việc tại các dự án do Trung Quốc trúng thầu” – ông Nam cho biết.

Theo ông Nam, “để phù hợp với thực tế hiện nay đang có nhiều người nước ngoài vào làm việc tại VN, dự thảo luật đã quy định về thị thực lao động và yêu cầu người nước ngoài vào làm việc có thu nhập tại VN phải có giấy phép lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động trước khi nhập cảnh”.

LÊ KIÊN