10/01/2025

Đáng tiếc cho người lớn

Việc Sở GD-ĐT Thanh Hóa và phường Đông Sơn yêu cầu các cơ quan ban ngành đoàn thể, người dân địa phương bình chọn cho Quang Anh như một giọt nước làm tràn ly nghi ngại về một sân chơi cho thiếu nhi nhưng lại có quá nhiều sự can thiệp của người lớn.

Đáng tiếc cho người lớn

Việc Sở GD-ĐT Thanh Hóa và phường Đông Sơn yêu cầu các cơ quan ban ngành đoàn thể, người dân địa phương bình chọn cho Quang Anh như một giọt nước làm tràn ly nghi ngại về một sân chơi cho thiếu nhi nhưng lại có quá nhiều sự can thiệp của người lớn.

Khán giả xem  The Voice Kids  chủ yếu là người lớn – Ảnh: Trần Tiến Dũng 

Nếu dựa vào luật chơi của Giọng hát Việt nhí thì sự “vận động” này không phạm luật. Một số ý kiến cho rằng vận động hành lang bằng công văn kiểu này còn hơn là chơi trò sim “rác” hoặc mua giải.

Dù có hai luồng ý kiến về việc đúng sai trong chuyện này thì việc hành chính hóa bằng văn bản của tỉnh Thanh Hóa thật sự khiến nhiều người cảm thấy “dị ứng” trước sự tác động của người lớn vào một sân chơi dành cho trẻ em.

Thật ra ngay từ đầu, dù mang tên Giọng hát Việt nhí nhưng những gì diễn ra đều không hề “nhí”. Các em tham gia cuộc thi đã trải qua những tháng ngày tập luyện thật sự vất vả và chịu nhiều căng thẳng không khác gì những “cuộc chiến sống còn” của người lớn.

Các em ăn mặc, nói năng, trình diễn cũng theo sự sắp đặt của người lớn. Đêm chung kết xếp hạng (diễn ra tối 7-9 tại TP.HCM) là điển hình cho sự “người lớn hóa” một sân chơi con nít đó.

Tại khán phòng, lượng khán giả nhí không đáng kể so với người lớn. Và rất nhiều khả năng lượng khán giả nhí ngồi trước màn ảnh nhỏ để theo dõi cuộc thi cũng không nhiều bằng người lớn. Nghệ sĩ Ngọc Giàu hát bản Dạ cổ hoài lang quá hay là chuyện đã rõ.

Nhưng vì sao phải mang bản nhạc sầu thương này vào Giọng hát Việt nhí? Để rồi sau đó người xem lại phải thắt lòng khi nghe cô bé mới 10 tuổi Phương Mỹ Chi nức nở cùng Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang. Hình như người ta chỉ muốn đáp ứng nhu cầu giải trí, nghe/nhìn của người lớn trong một sân chơi thiếu nhi?

Phương Vy, Quốc Thiên, Uyên Linh… đều từng đôi lần thừa nhận chiến thắng mình có được từ Thần tượng âm nhạc Việt Nam là một “chiếc áo quá rộng” so với mình và ít nhiều choáng váng bởi những hào quang của một sân chơi truyền hình thực tế.

Thực tế cũng chứng minh, khán giả còn nhớ đến một vài tài năng lớn lên từ các cuộc thi ca hát không phải từ những gì họ thể hiện trong cuộc thi hay chiến thắng họ đạt được mà từ những nỗ lực hết mình cùng các hoạt động nghề nghiệp nghiêm túc.

Dù có ý giúp các thí sinh Giọng hát Việt nhí thêm vững vàng nhưng cũng rất khó chấp nhận kiểu động viên “các con rất chuyên nghiệp, các con đã trở thành một ca sĩ” của người dẫn chương trình trong đêm chung kết cũng như của các huấn luyện viên trước đó. Dù các em thật sự quá xuất sắc trong sân chơi khắc nghiệt của mình nhưng các em vẫn chưa đủ kiến thức, bản lĩnh và rất nhiều yếu tố khác để có thể trở thành một ca sĩ thực thụ.

Chính nhạc sĩ Phương Uyên, giám đốc âm nhạc của Giọng hát Việt nhí, cũng chia sẻ quan điểm: “Thỉnh thoảng có lời mời thì các em có thể đến biểu diễn, nhưng nếu nhanh chóng đưa các em vào môi trường hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp ngay từ bây giờ sẽ là hại các em. Tôi không ủng hộ điều này”.

Chị cũng gợi ý nếu các em muốn hướng đến hoạt động ca hát chuyên nghiệp thì cần được tạo điều kiện phát triển bằng cách thi vào nhạc viện chẳng hạn, nơi các em có thể vừa học văn hóa vừa học nhạc.

QUỲNH NGUYỄN