Báo chí giám sát đấu thầu thuốc
Buổi đấu thầu thuốc năm 2013-2014 của Bệnh viện Việt Đức ngoài 65 doanh nghiệp dự thầu, đại diện cơ quan Bảo hiểm xã hội, còn có các cơ quan báo chí. Đây là chuyện chưa từng có ở VN!
Báo chí giám sát đấu thầu thuốc
Chín cơ quan báo chí là báo Tuổi Trẻ, Đài Tiếng nói VN, báo Lao Động, báo Người Lao Động, báo Thanh Niên, báo điện tử Dân Trí, VnExpress, báo Nông Thôn Ngày Nay và báoLao Động Thủ Đô được mời dự lễ mở thầu diễn ra tại Bệnh viện Việt Đức ngày 3-9.
Hai tiêu chí chấm thầu
Ảnh: Nguyễn Khánh |
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Nguyễn Tiến Quyết từ lâu đã nổi tiếng bởi sự thẳng tính. Lần này, mở gói thầu thuốc vào bệnh viện cho năm 2013-2014, ông Quyết cũng làm một mình một kiểu: công khai mở thầu với sự chứng kiến của 65 doanh nghiệp tham gia đấu thầu thuốc vào Bệnh viện Việt Đức và báo chí. Và thay vì đấu giá chọn thuốc rẻ nhất như hướng dẫn trong thông tư 01 về đấu thầu thuốc vào bệnh viện hiện hành, Việt Đức đặt ra hai tiêu chí để chấm thầu: chất lượng tốt và giá cả phù hợp.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hường – phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, năm nay bệnh viện cần mua khoảng 400 loại thuốc, trong đó có trên 340 thuốc thông thường và 57 loại biệt dược. Tổng trị giá gói thầu là 200 tỉ đồng. “Công khai” là từ mà bà Hường hay nhắc khi thực hiện đấu thầu lần này: các doanh nghiệp được công khai về tiêu chí chấm thầu, tiêu chuẩn dự thầu, nhưng hồ sơ dự thầu thì bí mật tuyệt đối trước ngày mở thầu và công khai toàn bộ trước sự chứng kiến của doanh nghiệp vào thời điểm mở thầu, để sau này khi công bố kết quả, doanh nghiệp muốn thắc mắc thì cũng có cơ sở.
“Trước khi chấm thầu, hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện đã tham khảo các mức giá trên website Bộ Y tế, các nhà cung cấp, các chuyên gia quốc tế về giá thuốc cùng loại ở nước ngoài để có mức giá phù hợp, nhưng rẻ bất thường thì cũng không chấm trúng thầu” Ông Nguyễn Tiến Quyết |
Theo ông Nguyễn Tiến Quyết, đang có hiện tượng cùng một hoạt chất, một hàm lượng, đường dùng mà giá thuốc chênh lệch loại 10.000 đồng/chai, loại 80.000 đồng/chai. Nếu mua thuốc theo tiêu chí đấu giá, loại nào rẻ nhất là đạt thì gói thầu chỉ 150 tỉ đồng, nhưng nếu mua đúng thuốc tốt, không điều trị lòng vòng thì phải 300 tỉ đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Nguyễn Minh Thảo đánh giá cao cách làm của Bệnh viện Việt Đức. Theo ông Thảo, nếu xây dựng kế hoạch thầu tốt, hồ sơ mời thầu tốt và công khai khi mở thầu thì doanh nghiệp sẽ không lo ngại có sự “thiên vị” khi chấm thầu. “Đây là cách làm rất mới, đảm bảo tính công khai, minh bạch” – ông Thảo đánh giá.
Rẻ chưa hẳn đã hay
Theo ông Nguyễn Minh Thảo, so với giá kế hoạch đã được Bộ Y tế duyệt, tổng chi phí gói thầu thuốc vào Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2013-2014 giảm 19%, các bệnh viện – sở y tế đã tổ chức đấu thầu cũng đều giảm được 20-25%, thậm chí 30% so với giá kế hoạch. Tổng hợp của Cục Quản lý dược cũng cho thấy so với năm 2012, năm 2013 có địa phương đã giảm được tới 50 tỉ đồng tiền mua thuốc. Đó là một thắng lợi lớn mà thông tư 01 đã mang lại.
Tuy nhiên, sau những háo hức về việc mua được thuốc giá rẻ, các bệnh viện như Bệnh viện Việt Đức lại đang lo lắng về vấn đề chất lượng thuốc. “Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện tuyến cuối, nếu mua thuốc giá rẻ, chắc chắn ngày điều trị trung bình sẽ kéo dài, không đạt hiệu quả về giảm tải bệnh viện, số ngày điều trị, nhất là với những trường hợp bệnh nhân nhiễm trùng, kháng thuốc, bệnh nặng” – ông Quyết nói.
Theo Bảo hiểm xã hội VN, hiện thuốc Ấn Độ đứng đầu danh sách nhà cung cấp thuốc nhập khẩu vào VN, Trung Quốc nằm trong tốp 5 nhà cung cấp thuốc nhập khẩu nhiều nhất. Trong khi về chất lượng, Cục Quản lý dược vừa phải có văn bản yêu cầu kiểm tra 100% thuốc nhập khẩu từ các nhà cung cấp Ấn Độ từng vi phạm về chất lượng thuốc, do khảo sát từ ngày 1-1-2011 đến 23-8-2013, đã có 25 công ty thuốc Ấn Độ vi phạm chất lượng trên tổng số 37 công ty có thuốc vi phạm chất lượng của 10 quốc gia.
Giá thuốc rẻ, nhưng lại rẻ đến mức thái quá. Trong danh sách thuốc trúng thầu vào Hải Phòng năm nay, có loại kháng sinh tiêm nguồn gốc Trung Quốc chỉ 8.900 đồng/lọ, trong khi theo đại diện một công ty sản xuất thuốc kháng sinh tiêm nội địa, nếu tính chi phí sản xuất – nguyên liệu kháng sinh giá rẻ đã chi phí 4.200 đồng/lọ, còn nguyên liệu kháng sinh châu Âu giá gấp đôi, chi phí bao bì, vỏ hộp/thùng 1.000 đồng/lọ, còn chi phí vỏ lọ kháng sinh nguồn gốc châu Á 1.000 đồng/lọ, chi phí xử lý môi trường 500 đồng/lọ, chi phí khấu hao nhà máy sản xuất kháng sinh 3.500 đồng/lọ. Muốn đưa hàng ra thị trường còn cần các chi phí như lương nhân viên, vận chuyển, tiếp thị… “Không hiểu sao giá thuốc rẻ như vậy, hàng Trung Quốc thì từ xe máy đến đồ điện tử, đồ gia dụng đều rất nhanh hỏng. Thuốc điều trị thì không thể sử dụng những sản phẩm chất lượng tồi, nhanh hỏng được” – đại diện nhà sản xuất kháng sinh này cho biết.
LAN ANH
Sửa hướng dẫn về đấu thầu thuốc Thông tin từ Bộ Y tế cho hay sau hơn một năm thông tư 01 hướng dẫn về đấu thầu thuốc vào bệnh viện có hiệu lực (từ tháng 6-2012), Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội VN đang thành lập hội đồng để sửa một số điểm trong thông tư này, cụ thể là chia nhỏ hơn về nhóm thuốc. Theo thông tư 01, thuốc dự thầu cùng nguồn gốc châu Á đủ điểm kỹ thuật thì sản phẩm rẻ nhất sẽ trúng thầu. Tuy nhiên cách chia nhóm này đang bị phản đối là gây khó cho sản phẩm có xuất xứ từ quốc gia có trình độ phát triển cao hơn trong châu Á, và vô hình trung tạo điều kiện cho sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng vừa phải. |