10/01/2025

Ngày về…

Ngày 30-8, tại trại giam Thủ Đức (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), ban giám thị trại giam tổ chức trao quyết định đặc xá của Chủ tịch nước nhân lễ Quốc khánh 2-9 cho trên 730 phạm nhân. Đây là trại giam có số lượng người được đặc xá nhiều nhất trong tất cả các trại giam trên toàn quốc.

Ngày về…

Đêm 29-8, trại giam Thủ Đức dường như không ngủ. Người náo nức đón chờ trời rạng sáng, người trở mình trong buồng giam…

Thiếu tướng Hồ Thanh Đình, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, trao giấy chứng nhận đặc xá cho phạm nhân – Ảnh: T.Cường 

Ngày 30-8, tại trại giam Thủ Đức (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), ban giám thị trại giam tổ chức trao quyết định đặc xá của Chủ tịch nước nhân lễ Quốc khánh 2-9 cho trên 730 phạm nhân. Đây là trại giam có số lượng người được đặc xá nhiều nhất trong tất cả các trại giam trên toàn quốc.

Những đêm thao thức

Chị P.T.H. (34 tuổi, TP.HCM) thụ án chín năm về tội tham ô tài sản. Năm năm qua, chị đánh mất danh dự, nhân phẩm của mình và năm năm qua chị cũng đã nhận chân về chính mình, về lỗi lầm đã phạm phải. Chính điều đó giúp chị nỗ lực cải tạo tốt để hôm nay chị được trở về với đời sống tự do, với mái ấm gia đình. Khi chị vào tù, đứa con trai của chị chưa tròn 3 tuổi, chưa hiểu được vì sao nó phải cách xa vòng tay, hơi ấm của mẹ. Ròng rã suốt năm năm qua, cứ đến ngày hẹn, chồng con chị lại vượt 200 cây số chỉ để gặp trong thoáng chốc người vợ, người mẹ của mình đang đối mặt với bản án nghiêm minh. Chị nấc nghẹn nói: “Hôm nay được lăn tay rồi, ngày mai tôi thành người tự do”.

Chị H. được giảm án do cải tạo, lao động tốt. Chị H. không thể quên vào một ngày đầu tháng 7, chị được cán bộ quản giáo thông tin mình được nằm trong danh sách xét tuyển đặc xá đợt này. Rồi cuối tháng 7, khi danh sách những người được đặc xá dán lên, chị vỡ òa cảm xúc, ôm mặt khóc nức nở khi thấy tên mình.

T.T.T. (26 tuổi, Bình Thuận), sau khi thụ án giết người được 4 năm 6 tháng được đặc xá vào dịp, này nói: “Án tuyên tôi 10 năm nhưng nhờ sự hướng thiện, ông trời đã “để mắt” đoái thương”. Khi trở lại cuộc đời, T. muốn trở lại nghề biển để về với biển trời tự do, để kiếm miếng cơm manh áo, phụng dưỡng cha mẹ già. “Trong nhà mẹ thương tôi nhất mà tôi lại ra nông nỗi này” – T. day dứt tâm sự về những ngày tháng hối hận về hành vi của mình khi nghĩ về mẹ. Nói về ngày mai được đặc xá, ông L.T.P. (55 tuổi, TP.HCM) chỉ lột tả niềm vui sướng qua hai hàng lệ khô cháy, chảy trên đôi gò má đầy vết rỗ: “Biết tin được đặc xá cách đây một tháng rồi, không có ngủ được gì hết trơn, đêm nào cũng thức, trằn trọc. Mừng dữ lắm, sắp về rồi. Nằm đếm từng ngày”.

Dáng ông P. khập khiễng về lại phân trại 3, nhưng bước chân đó ngày mai sẽ không bước vào trại giam mà bước vào một lần tái sinh mới. Rồi một bước chân khác, khấp khởi tiến về phía tự do, đó là cô T.T.B. (53 tuổi, TP.HCM). Cô B. vốn là người làm ăn lương thiện với nồi hủ tiếu bình dân, cùng mấy đàn heo và nghề nấu rượu. Nhưng một phút sa chân, cô phải lãnh bản án bốn năm với tội buôn bán trái phép chất ma túy. “Hôm nghe được đặc xá, tôi mừng muốn khóc, không thể nào ngủ được. Người ta khóc vì sắp được về nhà, tôi còn khóc vì thương hai đứa cháu nội đang mỏi mòn trông ngóng mình về. Sắp về với cháu rồi, tôi sẽ tiếp tục bán hủ tiếu, cùng ông xã nuôi heo, nấu rượu, sẽ vậy thôi”. Cô B. vốn kiệm nụ cười, nhưng khi nghĩ đến việc sáng mai mình sẽ được đón xe về mái ấm, khóe môi cô giần giật chút nghẹn ngào.

Giấy chứng nhận nghĩa tình

21g ngày 29-8, phòng hồ sơ giáo dục vẫn bật đèn sáng, hơn chục nữ cán bộ đang cặm cụi với từng hồ sơ. Không gian chỉ có tiếng sột soạt của từng trang giấy. Đêm nay, họ phải thức trắng để hoàn tất những thủ tục hồ sơ, giấy chứng nhận đặc xá. Chị Phạm Thị Minh Hải, đội phó đội hồ sơ giáo dục, tâm sự: “Năm nào đến đợt đặc xá các cán bộ chiến sĩ đều phải thức khuya dậy sớm. Bởi phải xét tới, xét lui hàng ngàn hồ sơ mới chọn ra được 700 người được đặc xá”. Còn chị Dương Thị Xuân, mấy chục năm theo nghề, tâm sự công việc luôn gắn với hồ sơ, giấy tờ nhưng hạnh phúc nhất là khi làm giấy chứng nhận đặc xá cho phạm nhân.

Đầu giờ chiều 30-8, đoàn xe đưa những người hoàn lương về nhà lăn bánh qua những hàng cây, những cánh đồng. Những người ngồi trên xe nhoài mình qua ô cửa kính, vẫy tay chào những người ở lại. Những phạm nhân đang thụ án làm việc ở hai bên cánh đồng cũng dừng tay cuốc nhìn theo đoàn xe với sự nuối tiếc hằn lên từng khuôn mặt.

Đứng dõi theo đoàn xe, đại tá Trần Hữu Thông – giám thị trại giam Thủ Đức – nghẹn ngào nói: “Ban giám thị bố trí xe đưa họ về với gia đình trước khi mặt trời tắt, để họ có thể ăn một bữa cơm cuối ngày cùng người thân”.

TRUNG CƯỜNG