07/01/2025

Má ơi, sao nỡ bỏ con?

Cha chết, mẹ bỏ đi, năm chị em Nguyễn Thị Bích Tuyền (10 tuổi) sống với ông bà ngoại. Một ngày mưa mẹ các em đã dứt áo ra đi, để lại cho cha mẹ mình năm đứa con thơ dại…

Má ơi, sao nỡ bỏ con?

Trời nắng như đổ lửa nhưng trong nhà tối om. Một thứ mùi ẩm mốc đặc trưng của đồ đạc xộc vào mũi. Mấy bé gái ở trần, mặc bỉm bò lổm ngổm quanh nhà, mũi dãi tèm lem khóc lóc giành nhau lon nước ngọt.

Hai đứa cháu nhỏ của ông Hai, bà Phatimah trong căn nhà ọp ẹp – Ảnh: Mai Hoa 

Một ngày mưa mẹ các em đã dứt áo ra đi, để lại cho cha mẹ mình năm đứa con thơ dại…

 

Phiêu dạt

 

“Giờ 60 tuổi, mơ ước lớn nhất của tôi là làm sao cho cháu tôi có được khai sinh, được tới trường. Điều tôi lo nhất là mấy đứa nhỏ này lớn lên không được học hành, không có việc làm, rồi lại lang thang hư hỏng… Mai kia vợ chồng tôi nhắm mắt, không còn ai lo lắng nữa, chúng biết sống sao”

Ông Nguyễn Văn Hai

 

Cha chết, mẹ bỏ đi, năm chị em Nguyễn Thị Bích Tuyền (10 tuổi) sống với ông bà ngoại.

Căn phòng trọ nằm trong một xóm nghèo quanh co, đối diện khu dân cư Him Lam (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Phòng chưa đầy 10m2, không cửa sổ, tường vách chỉ là những mảnh gỗ dựng lên, vậy mà cả đại gia đình đã thuê được gần hai năm nay. Ông ngoại tên Nguyễn Văn Hai, ở tuổi 60 mà gương mặt đã hốc hác, móm mém, hom hem.

Bà Phatimah – vợ ông – khắc khổ, già nua. Bà kể về cái ngày con gái bỏ đi khi đứa cháu nhỏ nhất mới sinh được hơn một tháng: “Mẹ nó đi mãi chẳng thấy về. Nằm ôm đứa cháu trong nhà khóc ngằn ngặt vì khát sữa mà tôi không cầm được nước mắt. Hai vợ chồng già biết lấy gì nuôi đàn cháu nhỏ dại”.

Hơn một năm trôi qua. Cuộc sống dù đắp đổi, vá víu qua ngày nhưng mấy đứa cháu của bà vẫn lớn lên, hồn nhiên như cây cỏ.

Giờ ăn trưa, Tuyền xúc một tô cơm, chan nước mắm rồi trệu trạo nhai, bón cho em. “Chắc hôm nay ngoại hết tiền nên mua gạo khô quá chừng” – cô bé cười.

Một bịch nilông to, đựng rất nhiều mẩu bánh mì vụn được bà ngoại treo cao, chừng nào thật đói mới mang xuống nhấm nháp trừ bữa. Tranh thủ vừa nói chuyện, ông Hai cũng lùa vội một tô cơm cho kịp buổi chiều đi làm. Nhưng câu chuyện về gia đình, về mấy đứa cháu khiến ông nghẹn lại.

Ông Hai kể ông vốn người Châu Đốc (An Giang), lên Sài Gòn làm thuê, rồi nên duyên với bà Phatimah – cô gái người Chăm ở P.Cầu Kho, Q.1. Vợ chồng cắt khẩu về quê, cùi cụi làm thuê làm mướn một thời gian, ông bà lại dắt díu nhau lên Sài Gòn.

Cuộc sống vất vưởng nay đây mai đó bắt đầu. Không nhà cửa, không hộ khẩu, cả ba người con, người con lớn sinh năm 1978, người con út sinh năm 1982, đều không được học hành tới nơi tới chốn.

Năm chị em Tuyền là con của cô con gái thứ hai. Ba mất, mẹ bỏ đi, năm bé bíu lấy ông bà. Người con gái đầu lấy chồng sinh một đứa con gái rồi chồng cũng bỏ, giờ cô phụ bán cà phê, nghèo rớt…

Anh con trai út tên Giakốp, lấy vợ dưới Cà Mau, sinh được đứa con gái nhưng vợ anh chán cảnh ở thuê, làm mướn cực nhọc nên bồng con về quê từ lâu.

Ban ngày anh đi phụ hồ, ban đêm về nằm chèo queo trong mái lều dựng tạm trước cửa căn phòng trọ của ba mẹ. Qua lỗ hổng giữa những tấm ván cũ lót sàn, nhìn xuống dưới thấy rõ dòng nước đen ngòm vo ve muỗi.

Ông Hai nói những đêm gió mát, cha con ra lều nằm cho nhà đỡ chật, ngẫm nghĩ đến cuộc đời phiêu dạt mấy thế hệ nhà mình mà đau mà xót.

Thân phận mồ côi

Cô chị cả Bích Tuyền từ lúc lên 7 tuổi đã biết cầm kẹo singgum, rong ruổi quanh khu vực cầu Ánh Sao (Q.7) kiếm tiền phụ ngoại nuôi em. Cậu em tên Đức Nghĩa, 6 tuổi, cũng vừa gia nhập đội quân bán kẹo được mấy tháng.

Nhóm gồm sáu em, Tuyền lớn nhất. Sáu đứa trẻ, sáu đôi chân trần, sáu gương mặt sạm nắng, sáu thân phận mồ côi. Thời tiết thuận lợi, đi bán từ 15g-23g, mỗi em kiếm được hơn 100.000 đồng.

“Đi bán hàng có bị ai bắt nạt không?”, Tuyền đáp: “Ít lắm, mấy lần có một vài thằng lớn chạy lại cướp tiền, giật kẹo”. “Em có sợ không?”, đáp: “Chả sợ. Cả lũ xúm vào lấy đá chọi vào đầu, vào chân nó, nó phải bỏ chạy”.

Thế mà có lần Tuyền chạy theo đứa cướp tiền, bám lấy chân nó la lên, bị nó tát, đấm đá, đạp túi bụi. Mấy đứa lóc nhóc chạy lại thì cô bé đã nhừ đòn.

Bà Phatimah kể mỗi lần tự tay xức dầu, rửa vết thương cho đứa cháu, bà đau đớn như đứt từng khúc ruột. Đi bán hàng buổi đêm, Tuyền bị trúng gió, cảm lạnh, sụt sùi cả tháng trời không khỏi.

Có người thương, cho Tuyền đi cạo gió giác hơi. Vẫn chưa khỏi hẳn. Hôm sau, Tuyền ở nhà tự lấy ống giác hơi. Chẳng biết thế nào mà khi bà ngoại trở về, em đã nằm thiêm thiếp, lưng phồng rộp lên vì bị phỏng. Thương cháu, ông bà nhất quyết bắt Tuyền nghỉ ở nhà một vài bữa trông em.

Nhưng ở nhà cũng không yên. Ba đứa em lít nhít trứng gà trứng vịt, đứa 1 tuổi, đứa 3 tuổi, đứa 5 tuổi nô đùa, nghịch ngợm với nhau.

Nhà chật quá, chỉ có chiếc võng với manh chiếu, mấy đứa giành hết, Tuyền chẳng còn chỗ nằm. Ngày thường cứ 3g chiều, ông Hai chở hai đứa cháu lên Q.7 bán kẹo, rồi lại vòng về đưa bà Phatimah lên Q.1 làm mướn, ở nhà chỉ còn ba đứa nhỏ tự trông nhau.

Trước nhà là cánh đồng hoang nước đen kịt, ông Hai phải chắn một tấm ván trước cửa cho cháu khỏi trèo ra. Đứa 1 tuổi thì chịu, nhưng hai chị nó thì trèo ra trèo vô ngon lành.

Vừa đợi ông bà đi khuất, hai đứa lớn liền ra ngoài, nhặt nhạnh mấy thứ rác rưởi, té nước chơi. Càng lúc càng đi xa căn nhà trọ, mặc cho đứa em khóc khản cổ, nhoài người cố sức leo qua tấm ván…

Vô thừa nhận

Năm đứa cháu của ông Hai đều không biết chữ. Toàn bộ sức lực, tâm trí của cả hai ông bà, cả hai đứa cháu chưa kịp lớn không khi nào rời ra được cái công việc chạy ăn từng bữa.

Ông bà nhẩm tính: “Hai ông bà đi làm, thêm hai đứa cháu đi bán kẹo nữa, mỗi ngày đều phải bỏ ống để trả tiền nhà 1,3 triệu đồng/tháng. Ăn hôm nào mua hôm đó. Nhiều tiền thì mua gạo ngon ngon một chút, không thì mua loại vừa vừa, nấu cháo ăn cho qua bữa…”.

Trước ông Hai chạy xe ba gác chở hàng còn kiếm chút đỉnh, nay sức yếu chạy không nổi mới chuyển sang làm xe ôm, kiêm luôn việc chở bà và các cháu đi làm.

Bà Phatimah làm mướn bất cứ công việc gì, từ rửa bát, lau dọn, giặt giũ rồi tranh thủ đi chợ hoặc lượm lặt thêm đồ ăn mang về cho các cháu.

Trong số các cháu của ông chỉ có Nghĩa (6 tuổi) và Bích Trâm (5 tuổi) là có giấy khai sinh vì ba chúng lúc đó còn sống, có nhà, có hộ khẩu bên Nhà Bè.

Mấy đứa còn lại cùng mẹ, khác cha, đi sinh ở bệnh viện người ta đòi hộ khẩu mới đưa giấy chứng sinh, nhưng đào đâu ra hộ khẩu bây giờ?

Thế là những đứa cháu của ông cứ thế lớn lên, không giấy tờ khai sinh, không bảo hiểm y tế. “Có lần cả ba đứa lây nhau sốt xuất huyết, tôi phải chạy vạy khắp nơi mới đủ tiền đưa đi bệnh viện. Mấy cái tên Phi Nhung, Trâm Anh, Bích Tuyền… cũng chỉ là mình nghĩ ra chứ đâu có ai thừa nhận”- bà Phatimah góp chuyện, trong lòng ôm chặt đứa cháu, đầu chẳng ngẩng lên.

MAI HOA