Mang thai hộ: cho phép để kiểm soát tốt
Tiếp tục luồng ý kiến bàn luận quanh vấn đề mang thai hộ trong dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình, chúng tôi giới thiệu thêm hai ý kiến.
Mang thai hộ: cho phép để kiểm soát tốt
* Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết (phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ):
Luật nên cho phép
Nhiều năm công tác trong lĩnh vực vô sinh hiếm muộn, tôi hiểu rằng có rất nhiều phụ nữ khát khao có một đứa con nhưng cơ thể không cho phép. Những phụ nữ này và cả gia đình họ rất đau khổ, nhu cầu kiếm người mang thai hộ của họ là chính đáng. Bản thân tôi ủng hộ việc luật cho phép mang thai hộ bởi những lý do sau:
Thứ nhất, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện nay đã rất tiến bộ, kỹ thuật hỗ trợ để mang thai hộ cũng dễ dàng, không có gì khó khăn. Thứ hai, trên thực tế có rất nhiều hoàn cảnh đáng thương khi không có khả năng làm mẹ. Tôi từng gặp rất nhiều trường hợp phụ nữ bị dị tật bẩm sinh không có tử cung song họ vẫn có buồng trứng, có tình yêu và niềm khát khao có con. Những trường hợp khi sinh mà con bị chết, mẹ bị băng huyết, bác sĩ đành cắt tử cung để bảo toàn mạng sống cho mẹ, hoặc có những trường hợp lúc còn trẻ lỡ lầm phải phá thai gây biến chứng nên mất khả năng làm mẹ, giờ đây hối hận và luôn mong ngóng một đứa con… Những trường hợp như thế rất đáng được giúp đỡ để có thể thực hiện thiên chức làm mẹ. Việc cho phép mang thai hộ thể hiện tính nhân bản, mang lại hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng không may mắn. Nhiều khi gặp những trường hợp đáng thương, bác sĩ như chúng tôi rất muốn giúp họ thực hiện mang thai hộ nhưng luật chưa cho phép nên đành chịu.
Bên cạnh những trường hợp đáng thương, nhu cầu mang thai hộ là chính đáng thì hiện nay cũng có những người mẹ muốn có con nhưng lại không muốn mang thai vì sợ ảnh hưởng sức khỏe, thẩm mỹ, sự nghiệp… cũng tìm đến việc mang thai hộ… Những trường hợp này không nên để họ được thỏa mãn nhu cầu của mình. Vì vậy, theo tôi, nên cho phép mang thai hộ nhưng phải có kiểm soát bằng cách luật nên giao quyền cho Bộ Y tế tổ chức xét duyệt định kỳ các trường hợp cụ thể để xem những trường hợp đó thật sự có nhu cầu chính đáng hay không, giao cho các cơ sở y tế công lập uy tín thực hiện kỹ thuật mang thai hộ để tránh sự lạm dụng. Tôi nghĩ thời gian qua xuất hiện nhiều đường dây mang thai hộ vì chúng ta chưa kiểm soát được tình hình. Điều này rất nguy hiểm vì sẽ dẫn đến việc mang thai hộ tràn lan, ảnh hưởng đến sức khỏe và đạo đức, lối sống.
* Bà Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội):
Điều kiện đưa ra cần khả thi
Thật ra việc mang thai hộ, hay người ta gọi là đẻ thuê, dù không ủng hộ thì người ta cũng vẫn làm và đã âm thầm diễn ra. Vấn đề bây giờ nên đặt ra là câu hỏi có nên luật hóa việc này không, vì nhu cầu của xã hội là có thật.
Những điều luật dự kiến bổ sung cho Luật hôn nhân và gia đình sửa đổi đề cập vấn đề mang thai hộ vì “mục đích nhân đạo”, nhưng chữ nhân đạo ở đây khiến tôi rất băn khoăn bởi dự thảo chưa quy định rõ thế nào là mục đích nhân đạo.
Tôi hiểu rằng đề cập đến chữ nhân đạo ở đây là bởi việc này không có kinh doanh và lợi nhuận gì hết. Hiện tại có nhiều dịch vụ đẻ thuê, bán trứng, bán tinh trùng…, ở khía cạnh nào đó những hành vi này cần phải lên án. Tuy nhiên, khi một người mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, nặng nề vất vả, sinh xong sức khỏe giảm sút… thì tất cả những điều đó đều phải đền bù bằng vật chất để mua trứng sữa, thịt cá bồi dưỡng sức khỏe. Chẳng lẽ hằng ngày người hiếm muộn mang vật chất đó đến bồi dưỡng hay sao? Vậy thì đương nhiên có thể tính ra bằng tiền để bồi dưỡng chứ.
Mặt khác, dự thảo luật có đề cập việc nhờ người thân mang thai hộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải gia đình hiếm muộn nào cũng có sẵn người thân sẵn sàng mang thai hộ. Mặt khác, người thân mang thai hộ có thể là chị gái, em gái, chị dâu, em dâu… nhưng nếu gia đình đó đã có hai con rồi thì việc họ mang thai hộ có vi phạm pháp luật dân số hay không? Bởi khi đề xuất và thực hiện việc mỗi gia đình chỉ có 1-2 con là nhằm đảm bảo mức dân số ổn định, nhưng mặt khác cũng là để đảm bảo sức khỏe phụ nữ. Như vậy, riêng việc quy định chỉ người thân được mang thai hộ nói là nhân đạo mà chưa thấy nhân đạo! Bởi vậy, đưa ra một điều kiện mà người ta không thể thực hiện được thì cũng cần cân nhắc lại.
H.ĐIỆP – NGỌC NGA