05/01/2025

Giải đáp phụng vụ: Người đi lễ trễ có được rước lễ không?

Hỏi: Thời điểm nào trong Thánh lễ được xem là quá trễ, để một người vào nhà thờ lúc ấy không được rước lễ nữa? Những ngày qua, tôi thấy nhiều người vào nhà thờ ngay lúc cha cho giáo hữu Rước lễ, và họ lên Rước lễ luôn. Như vậy là đúng không? – E. M., Port Harcourt, Nigeria

 



Giải đáp phụng vụ: Người đi lễ trễ có được rước lễ không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Thời điểm nào trong Thánh lễ được xem là quá trễ, để một người vào nhà thờ lúc ấy không được rước lễ nữa? Những ngày qua, tôi thấy nhiều người vào nhà thờ ngay lúc cha cho giáo hữu Rước lễ, và họ lên Rước lễ luôn. Như vậy là đúng không? – E. M., Port Harcourt, Nigeria

Hỏi: Cha xứ của con đã qui định rằng ai tới nhà thờ sau bài Tin Mừng, thì không được phép Rước lễ trong Thánh lễ ấy. Theo cha xứ, lý do là rằng Chúa Giêsu là “Ngôi Lời đã trở nên người phàm”. Vì vậy, chúng ta phải nhận biết Chúa Giêsu trong Lời trước khi chúng ta nhận ra Chúa trong Hiệp Lễ. Một linh mục khác, là giáo sư phụng vụ, lại có ý kiến khác. Ngài nói rằng các người đến trễ trong Thánh Lễ với một lý do chính đáng (ví dụ, một ách tắc giao thông, chăm sóc con ốm, …) sẽ không bị khước từ Rước Lễ. Xin cha giúp làm sáng tỏ vấn đề này. – B. E., Kuala Lumpur, Malaysia


Đáp: Giống như hầu hết các linh mục, tôi miễn cưỡng để đưa ra một câu trả lời thẳng cho các câu hỏi như thế, bởi vì, trong một cách nào đó, chúng là hoàn cảnh khó xử.

Đúng là trước Công Đồng chung Vatican II, một số sách giáo khoa thần học luân lý đưa ra thời điểm trước phần dâng lễ vật làm ranh giới, trong việc quyết định liệu một người chu toàn luật buộc về tham dự thánh lễ Chúa Nhật hay không. Nhưng sau cuộc cải tổ phụng vụ, với sự nhấn mạnh vào sự thống nhất chung của Thánh lễ, các nhà thần học hiện đại né tránh sự chính xác như thế.

Thánh Lễ bắt đầu với việc rước vào nhà thờ và kết thúc sau phần giải tán sau cùng, và chúng ta tham dự thánh lễ từ đầu tới cuối. Mỗi phần của Thánh Lễ liên quan và bổ sung cho các phần khác trong một hành động duy nhất của sự thờ phượng, mặc dù một số phần, chẳng hạn như việc truyền phép, là cốt yếu, trong khi các phần khác là đơn thuần quan trọng.

Nói rằng có một thời điểm cụ thể, để trước đó hoặc sau đó chúng ta là hoặc “ở ngoài Thánh lễ” hoặc “an toàn trong Thánh lễ”, có thể là đưa ra một sứ điệp sai lầm và gợi ý rằng, về lâu dài, một số phần của Thánh Lễ là thực sự không quan trọng. Nó cũng có thể cung cấp cho một số giáo hữu ít nhiệt thành một thước đo cho việc đến tham dự Thánh lễ một cách chậm trễ.

Rất có thể rằng một số tín hữu có thể bắt đầu nhìn thấy việc đọc bài Tin Mừng là thời điểm ranh giới, nên cảm thấy thoải mái khi vào nhà thờ cho kịp bài đọc 2, và như thế bảo đảm rằng Thánh Lễ là “hợp lệ”.

Mặc dù tôi không muốn gây nguy hiểm bằng cách nói ra một thời điểm ranh giới chính xác, chắc chắn một người nào đến sau khi Truyền phép là đã không tham dự Thánh lễ ấy, cho nên không rước lễ, và nếu đó là một ngày Chúa Nhật, thì phải tham dự một Thánh lễ khác.

Đến đúng giờ không chỉ là một vấn đề về bổn phận, mà còn là tình yêu và sự tôn trọng đối với Chúa chúng ta, Đấng qui tụ chúng ta để chia sẻ hồng ân của Ngài, và Đấng có ơn ban đề thông chuyển cho chúng ta trong mỗi phần Thánh lễ. 

Đó cũng là một dấu hiệu tôn trọng đối với cộng đoàn, mà cùng với họ chúng ta thờ phượng và họ trân trọng sự có mặt của chúng ta, và sự đóng góp của lời nguyện của chúng ta trong mỗi thời khắc. Phụng vụ là cốt yếu sự thờ tự của nhiệm thể Chúa Kitô, là Giáo Hội. Mỗi cộng đoàn được mời gọi đại diện và biểu lộ toàn nhiệm thể, nhưng điều này khó có thể xảy ra nếu cộng đoàn chỉ tạo số lượng nhỏ tản mác sau khi Thánh lễ bắt đầu.

Do đó các người đến trễ lễ phải thành thật tự hỏi, tại sao? Nếu họ đến trễ vì một số lý do chính đáng hoặc sự kiện bất khả kháng, chẳng hạn như ách tắc giao thông do một tai nạn, họ đã hành động theo lương tâm tốt và không có nghĩa vụ phải tham dự một Thánh lễ khác sau đó (mặc dù họ nên tham dự Thánh lễ khác, do họ đã đến quá trễ, nếu có thể được).

Tương tự như vậy đối với nhiều người lớn tuổi, thậm chí việc đi được đến nhà thờ là một cuộc phiêu lưu, và người ta không được làm nặng gánh lương tâm của họ bằng cách tính phút tình giây.

Nếu người nào đến trễ do sơ suất đáng khiển trách, và đặc biệt là nếu họ làm như vậy thường xuyên, họ cần phải nghiêm túc suy nghĩ về thái độ của họ, sửa đổi cách sống của họ, và nếu cần thiết nên đến với Bí Tích Hòa Giải.

Tùy vào cách họ đến trễ như thế nào, họ cần tôn trọng ngày của Chúa bằng cách tham dự một Thánh lễ khác, hoặc, nếu không thể được, ít nhất họ ở lại trong nhà thờ sau Thánh Lễ, và dành một ít thời gian để cầu nguyện và suy niệm về các bài đọc của ngày hôm đó.

Đúng là người ta có thể rước lễ ngoài Thánh Lễ, vì vậy Thánh Lễ không phải là một điều kiện tiên quyết cho việc Rước Lễ. Tuy nhiên, điều này sẽ không biện minh cho việc đến đúng giờ để rước lễ trong Thánh lễ ngày thường, vì tất cả các nghi thức cho việc Rước Lễ ngoài Thánh Lễ bao gồm phần Phụng Vụ Lời Chúa, và người ta phải tham dự toàn bộ nghi thức này. (Zenit.org 6-5-2011)
 http://vietcatholic.info/News/Html/113307.htm
Nguyễn Trọng Đa