09/01/2025

Rước bệnh vì thức ăn đường phố

Tình trạng mất an toàn vệ sinh của thức ăn đường phố đã đến mức rất đáng báo động, khi 100% mẫu thực phẩm lấy tại đây mang đi kiểm nghiệm đều phát hiện mất an toàn.

 

Rước bệnh vì thức ăn đường phố

Tình trạng mất an toàn vệ sinh của thức ăn đường phố đã đến mức rất đáng báo động, khi 100% mẫu thực phẩm lấy tại đây mang đi kiểm nghiệm đều phát hiện mất an toàn.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo về “Chất lượng nước giải khát đường phố”, do Hiệp hội Thực phẩm chức năng (TPCN) tổ chức ngày 23.7 ở Hà Nội.

 

 
 

Thức ăn đường phố thường sử dụng công thức “hương – mùi – màu” để tạo ra sản phẩm. Trong khi phần lớn người sản xuất dùng phẩm màu, hóa chất công nghiệp – là nguy cơ gây bệnh mạn tính lên gan, thận, thần kinh, và gây ung thư

 

Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN

 

 

Nhiễm khuẩn, hóa chất, chì…

Cụ thể, theo kết quả xét nghiệm của Trung tâm kiểm nghiệm và hợp chuẩn, Viện TPCN VN, cả 8 mẫu nước giải khát (nước trà chanh, trà bát bảo, nước mía, trà xanh; nước ngô; trà đá, nước vối, nước nhân trần) và mẫu nhân trần khô được lấy tại Hà Nội đều có chỉ tiêu không đạt. Trong đó, 1/8 mẫu nước giải khát qua kiểm nghiệm phát hiện bị nhiễm chì, 7/8 mẫu (nước vối, nhân trần, nước ngô, trà xanh, nước mía, trà bát bảo, trà chanh) phát hiện vi khuẩn E.coli. “E.coli nhiễm trong đồ uống cho thấy vệ sinh không đảm bảo vì loại vi khuẩn có thể tìm thấy trong phân. Đây là vi khuẩn nguy hiểm có thể gây ngộ độc cấp tính ở người bệnh, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường ruột, đặc biệt là tiêu chảy”, ông Hồ Bá Do, Phó viện trưởng Viện TPCN, nói.

Đáng lưu ý, xét nghiệm phát hiện mẫu nhân trần khô (lấy tại phố Lãn Ông) có nhiễm B.cereus – là vi khuẩn gây nhiễm độc, nhiễm khuẩn thực phẩm. Vi khuẩn này sinh độc tố khi nhiễm vào thực phẩm. Cũng với mẫu nhân trần này, kiểm nghiệm còn phát hiện men mốc và kim loại Cd (Cadimi) và có vi khuẩn hiếu khí. Theo ông Hồ Bá Do, các chỉ số này cho thấy mẫu nhân trần đó có chứa rất nhiều nguy cơ gây độc cho cơ thể. Cadimi có thể gây ngộ độc mạn tính, rối loạn chức năng gan, loãng xương, thiếu máu, tím tái. Về lâu dài có thể gây ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi.

Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, cho rằng tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của đồ uống, thức ăn đường phố (TĂĐP) là yếu tố nguy cơ gây độc hại cho người tiêu dùng. Hầu hết TĂĐP đều bị nhiễm vi sinh, vi khuẩn, bởi chúng được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu, phụ gia phẩm màu không được kiểm soát; không có quy trình, quy chuẩn chế biến, dụng cụ phương tiện sản xuất không đảm bảo; bày bán trong điều kiện môi trường ô nhiễm. “Vi sinh, vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh đường ruột, đường tiêu hóa. Ngoài ra, TĂĐP thường sử dụng công thức “hương – mùi – màu” để tạo ra sản phẩm. Trong khi phần lớn người sản xuất dùng phẩm màu, hóa chất công nghiệp – là nguy cơ gây bệnh mạn tính lên gan, thận, thần kinh, và gây ung thư”, bác sĩ Ký nói.

Theo ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), một điều tra các hộ gia đình tại 8 tỉnh, TP về bệnh tiêu chảy cấp có nguyên nhân từ thực phẩm cho thấy 12 – 14% các trường hợp mắc tiêu chảy cấp tại hộ gia đình có liên quan đến TĂĐP. 

 

Rước bệnh vì thức ăn đường phố
Một điển hình bán thức ăn trên đường phố – Ảnh: Thu Hằng

 

“Tôi bán 10 năm có thấy ai hỏi gì đâu?”

Mặc dù Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định kinh doanh TĂĐP phải đảm bảo về ATVSTP đã có hiệu lực hơn nửa năm, song ghi nhận của PV Thanh Niên trên địa bàn Hà Nội cho thấy tình trạng quán ăn vỉa hè mất vệ sinh vẫn tồn tại khắp nơi. Trưa 23.7, có mặt tại quán bún đậu mắm tôm nằm ở ngã ba Hoàng Cầu và Võ Văn Dũng (Q.Đống Đa), chúng tôi mới thấy hết cảnh bán hàng mất vệ sinh của quán ăn vỉa hè. Không tủ kính, không thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, thúng bún được đặt dưới nền đất ẩm ướt, bên cạnh đó là túi rau thơm. Đằng sau người bán hàng là đống bát, giấy ăn, đũa bẩn vứt tung tóe trên vỉa hè, ruồi bâu đầy. Dù rất đông khách, song quán chỉ có 2 xô nước, một để rửa bát và xô còn lại dành tráng…  

Khi chúng tôi hỏi về quy định mới về kinh doanh thức ăn đường phố và kiểm tra ATVSTP, chị chủ quán hồn nhiên đáp: “Tôi chỉ bán buổi trưa, giờ đấy đoàn kiểm tra họ cũng nghỉ nên chẳng lo kiểm tra, kiểm dịch gì sất. Bán hàng ở đây gần 10 năm, có thấy ai yêu cầu cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và phải đi khám sức khỏe đâu”.

Tương tự là tình trạng bán hàng rong trước cổng Bệnh viện K và Bệnh viện Nhi T.Ư (thuộc P.Hàng Bông, Q.Hoàn Kiếm). Thức ăn chín được bày ngay dưới nền đất, bát đũa không đảm bảo vệ sinh, người bán hàng dùng tay bốc thức ăn trông rất phản cảm…

Bà Vũ Bích Hiền, Phó chủ tịch UBND P.Hàng Bông (Q.Hoàn Kiếm), nhìn nhận: “Chúng tôi luôn quán triệt tinh thần không cho bán hàng rong trên vỉa hè. Nhưng không thể quản lý nổi vì những người bán hàng đa số ở tỉnh xa bán hàng. Khi lực lượng chức năng đến thì họ chạy, đi họ lại đến. Phòng chuyên môn của quận, y tế quận và công an phường cũng từng thu giữ hàng quán, yêu cầu nộp phạt, song họ cũng chẳng có nhiều tiền để nộp phạt…”.

Bác sĩ Trần Văn Ký cho rằng, mặc dù quy định về việc phân cấp trong quản lý TĂĐP đã có…, nhưng thực tế cho thấy tình trạng đảm bảo vệ sinh ở TĂĐP gần như bỏ ngỏ. “Nếu việc quản lý TĂĐP giao cho cấp phường xã, UBND quận huyện, nhưng nếu các cơ quan này không làm hết trách nhiệm, không quản lý xuể, thì cấp quản lý liên đới cao hơn cũng phải chịu trách nhiệm, có biện pháp khắc phục. Nếu không người tiêu dùng sẽ gánh lấy hậu quả bởi đồ ăn, thức uống không đảm bảo ATVSTP. Hậu quả thấy được trước mắt là những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thường xuyên; còn hậu quả lâu dài là gây ra các bệnh mạn tính, ung thư…”.

 

6 tháng, 18 người chết vì ngộ độc thực phẩm

Theo ông Lâm Quốc Hùng, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã ghi nhận 87 vụ ngộ độc thực phẩm, với hơn 1.800 người nhập viện và 18 người tử vong. Trong đó có 44 vụ ngộ độc là do vi sinh; 18 vụ do độc tố tự nhiên; 3 vụ ngộ độc do hóa chất và 22 vụ chưa rõ căn nguyên. “Qua các vụ ngộ độc lớn với cùng lúc hàng chục người nhập viện do cùng sử dụng một nguồn thực phẩm cung cấp từ TĂĐP cho thấy, nếu không được kiểm soát tốt thì TĂĐP là nguồn quan trọng gây bệnh, dịch đường tiêu hóa”, ông Hùng nói. Ông Hùng cho rằng cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp chính quyền sở tại, vì các cơ sở kinh doanh TĂĐP hoạt động lộ thiên, các vi phạm đều có thể thấy rõ. Nếu chính quyền không bỏ qua thì họ không thể tồn tại.

 

Liên Châu – Thanh Tùng – Thu Hằng